Chuyên gia cảnh báo "tảng băng chìm" khi xây dựng trạm sạc xe điện
“Những người sử dụng xe điện có nhu cầu sạc khi dừng, không phải dừng để sạc”.
Những vấn đề liên quan đến hệ sinh thái trạm sạc, thời gian hay mức độ an toàn, thuận tiện,... vẫn còn là nút thắt của làn sóng xe điện tại Việt Nam cũng như trên toàn cầu. Dù vậy, xe điện vẫn được ví như cuộc cách mạng với ngành công nghiệp ô tô, đồng thời là trụ cột quan trọng trong hành trình chuyển đổi phương tiện xanh.
Theo Schneider Electric, hiện nay, 98% các tủ sạc đang được lắp đặt tại tòa nhà và nhà ở, từ đó đòi hỏi chủ toà nhà cần chuẩn bị cơ sở hạ tầng để tăng mức tiêu thụ điện lên tới 45% đến năm 2030.
“Những người sử dụng xe điện có nhu cầu sạc khi dừng, không phải dừng để sạc”, nhận định được ông Đồng Mai Lâm - Tổng Giám đốc Schneider Electric Việt Nam và Campuchia đưa ra tại Forum Horizon Innovation 5.0.
(Ảnh minh họa)
Theo số liệu từ năm 2019, ngành giao thông vận tải chịu trách nhiệm cho khoảng 27% lượng khí thải nhà kính toàn cầu. Tuy nhiên, con số này có thể sẽ giảm đáng kể nhờ nỗ lực của các chính phủ trong việc thúc đẩy phát triển bền vững cũng như xu hướng phát triển xe điện.
Thỏa thuận COP26 về NetZero là cột mốc quan trọng với thế giới khi 195 quốc gia đã cùng cam kết đưa lượng phát thải về bằng 0 vào năm 2050. Không chỉ vậy, thỏa thuận này cũng trở thành động lực chính để điện hoá ngành giao thông.
Tại châu Âu, thỏa thuận xanh cũng đặt mục tiêu giảm 55% lượng khí thải vào năm 2030 và không phát thải carbon vào năm 2050. Còn tại Việt Nam - một trong 195 quốc gia tham gia thỏa thuận COP26, Chính phủ đặt tham vọng giảm 43,5% lượng phát thải vào 2030.
Trong khi “deadline" cách không còn xa, các chính phủ đang quyết liệt đưa ra nhiều chính sách thúc đẩy công cuộc chuyển đổi phương tiện xanh để góp phần hiện thực hóa mục tiêu đã đề ra. Điều này có thể nhận thấy rõ nét tại Trung Quốc, với quy định mỗi nhà sản xuất và nhập khẩu xe phải sản xuất hoặc nhập khẩu ít nhất 10% xe điện. Tỷ lệ này sẽ tăng lên 12% vào năm 2020 và 40% vào năm 2030.
Phía bên kia địa cầu, một số quốc gia đã và đang ban hành quy định cấm ICEV (Phương tiện giao thông động cơ đốt trong) từ nay đến năm 2025 hoặc 2030 như: Na Uy (2025), Vương quốc Anh và Đan Mạch (2030), Mỹ - Bang California (2035), Pháp (2040). Riêng tại Việt Nam, Chính phủ cũng lên kế hoạch bỏ dần xe động cơ đốt trong, đặt mục tiêu sử dụng 100% xe điện vào năm 2050.
Nếu như giá xe điện hiện nay vẫn còn khá cao thì theo ông Đồng Mai Lâm - Tổng Giám đốc Schneider Electric Việt Nam và Campuchia, những xu hướng trên sẽ giúp giá bán của xe điện giảm trong tương lai không xa, có thể chạm đến ngưỡng tương đương giá xe động cơ đốt trong chỉ sau 3 năm nữa. Hệ quả là, xe điện sẽ đóng góp tới 30% vào doanh số ô tô toàn cầu vào năm 2030.
Làn sóng xe điện nổi lên kéo theo nhu cầu phát triển hệ thống hạ tầng phục vụ cho phương tiện này. Theo Schneider Electric, nhà và các toà nhà trung tâm sẽ trở thành trung tâm của hệ sinh thái sạc. Một khảo sát tại châu Âu cho thấy, 1/3 người sử dụng xe điện cho biết muốn sạc xe điện tại nhà và 89% muốn sở hữu luôn bộ sạc xe tại nhà.
Tính toán của Schneider Electric chỉ ra, người dùng sạc điện tại nhà hay các tòa nhà trung tâm sẽ giảm được 20 - 25% chi phí, chủ động về thời gian sạc theo khung giá giờ thấp điểm. Đồng thời, điều này cũng đảm bảo sự thuận tiện - yếu tố đặc biệt quan trọng với người sở hữu xe điện.
Theo ông Đồng Mai Lâm, với hạ tầng sạc, chi phí thiết bị sạc chiếm 47%. Trong khi đó, “tảng băng chìm” mang tên chi phí đầu tư hạ tầng và quản lý năng lượng cho thiết bị sạc chiếm tới 53%. Hiện, Schneider Electric đã tạo ra những giải pháp cho nhà ở, tòa nhà và trạm sạc thuộc hệ sinh thái xe điện, giúp các nhà sản xuất tối ưu hoá tiêu thụ và giảm lượng phát thải carbon, quy trình cũng như tối ưu hóa vòng đời tài sản.
Cụ thể, về phần cứng, hệ thống quản lý cơ sở hạ tầng điện của Schneider Electric giúp nguồn điện có được điều kiện hoạt động tốt. Trạm sạc của Schneider Electric được tích hợp sẵn các thiết bị đóng cắt để bảo vệ người dùng khỏi các sự cố chập điện, quá tải gây hỏa hoạn.
Trong khi đó, phần mềm và dịch vụ hỗ trợ có khả năng điều khiển, giám sát, vận hành và phân bố tải tự động để thích ứng riêng với từng công trình. Ngoài ra, đây là hệ thống mở - cho phép tích hợp với hệ thống quản lý điện hiện hành của công trình đảm bảo cho sự hoạt động liên tục và ổn định.
Nền tảng của Schneider Electric còn giúp giảm thiểu chi phí vận hành thông qua phân tích dữ liệu, ví dụ như tự động điều chỉnh nguồn điện sẵn có trong tòa nhà trong giờ cao điểm, giảm năng lượng thất thoát khi ở trong trạng thái chờ.
Nguồn: [Link nguồn]
Đó là chưa kể khả năng mức CO2 chưa từng cao như vậy trong hàng triệu năm qua, bởi các nhà khoa học chưa có số liệu đủ lâu để so sánh.