Chuyển đổi số giống như Zalo, Facebook, không đào tạo nhưng ai cũng dùng tốt

Đó là đánh giá của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại buổi nói chuyện về chuyển đổi số với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng vừa có buổi nói chuyện về chuyển đổi số tại Hội nghị Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, so với cách tiếp cận bằng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), tiếp cận bằng chuyển đổi số (CĐS) sẽ hiệu quả hơn. Ví dụ, nếu dùng máy tính và phần mềm thì phải triển khai 11.000 hệ thống cho 11.000 xã, nếu dùng điện toán đám mây thì cả 11.000 xã dùng chung một hệ thống.

"Dùng nền tảng của CĐS thì triển khai cùng lúc các xã sẽ rất nhanh, rẻ và nền tảng thì dễ dùng và không cần đào tạo. Giống như Zalo, Facebook không ai hướng dẫn đào tạo cả nhưng mọi người vẫn sử dụng tốt, càng dùng nhiều thì càng giỏi lên", ông Hùng đánh giá.

Ông chia sẻ thêm: Công nghệ số càng dùng nhiều, càng nhiều người dùng thì càng rẻ, giá trên đầu người tiệm cận 0. Công nghệ số xử lý dữ liệu, dữ liệu nhiều thì mới thông minh, người dùng quyết định sự thông minh của hệ thống chứ không phải công nghệ gốc. Tức là người dùng đóng vai trò quan trọng hơn là người sáng tạo ra công nghệ gốc. Công nghệ gốc không quan trọng và quyết định như ở các cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 1, 2, 3.

"Song CMCN lần thứ 4 yêu cầu phải thay đổi mô hình vận hành, thay đổi thể chế. Thí dụ, có dám chuyển giáo viên thành trợ giảng không? Có dám bỏ hệ thống cấp dưới báo cáo cấp trên không? Có dám cho phép ngân hàng số không người phục vụ, đại học số không giáo viên không? Vậy nên, CĐS là câu chuyện dám hay không dám? Và vì thế phụ thuộc vào một người, đó là người đứng đầu", ông nói.

"Người đứng đầu mà không có quyết tâm chính trị thì CĐS sẽ không xảy ra. Với những cái mới chưa có luật pháp thì tập thể cấp ủy, tập thể lãnh đạo quyết định cho làm thí điểm trước, trong một không gian và thời gian hạn chế", ông nói thêm.

Về câu hỏi "Làm cái gì trước, cái gì sau? Cái gì hiệu quả? Giá trị trường là bao nhiêu? Ai làm thì tốt?" khi chuyển đổi số, ông Hùng gợi ý, những việc này với tỉnh có thể là khó nhưng với Bộ TT&TT thì không. Bởi vậy, tỉnh hãy tham vấn Bộ.

"Chọn việc gì để làm trước? Cái gì mà tỉnh thấy khó nhất - gọi là nỗi đau lớn nhất, vấn đề gì tồn tại lâu rồi - còn gọi là bài toán thiên niên kỷ, hoặc vấn đề gì đang nóng nhất, người dân đang bức xúc nhất thì mang ra để xem công nghệ số có giải quyết được không. CMCN 4.0, CĐS có lời giải đột phá cho rất nhiều vấn đề khó, vấn đề thiên niên kỷ", Bộ trưởng Bộ TT&TT khẳng định.

Ông cũng gợi ý thêm, mức trung bình mà các nước chi cho ứng dụng CNTT, cho CĐS là 1% ngân sách hàng năm, mức cao là trên 2%, chứ chưa thấy ai chi trên 4%. Còn tại Việt Nam, mức chi hiện nay đang là 0,3%. Vậy tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có thể chi khoảng 1% ngân sách hàng năm cho CĐS. Trường hợp muốn đẩy nhanh CĐS hơn nữa, nhất là những năm đầu này cần làm ngay các nền tảng thì có thể chi 2%.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, khi làm CĐS phải tính được giá trị do CĐS mang lại, ví dụ tiết kiệm lao động, giờ lao động, tiết kiệm chi phí thường xuyên, giá trị mới,... Những giá trị vô hình, dài hạn thì vẫn phải tìm cách lượng hóa. Giá trị tạo ra mà lớn hơn chi phí CĐS tức là hiệu quả. CĐS không phải là một chi phí tăng thêm mà phải là một giá trị tăng thêm.

"Cũng có một cách làm mới là đặt ra bài toán để doanh nghiệp tìm lời giải. Ví dụ: Vũng Tàu mỗi năm có 16 triệu khách du lịch, trung bình mỗi người ở lại đây 1,1 ngày, rất ngắn. Nếu có một doanh nghiệp có cách để khách du lịch ở lại thêm 0,5 ngày, tức là tạo thêm 8 triệu ngày khách du lịch ở lại Vũng Tàu. Nếu giá trị tăng thêm mỗi người*ngày là 500.000 VNĐ, thì giá trị tăng thêm mỗi năm là 4.000 tỉ, tỉnh có thể trả cho doanh nghiệp 1% là 40 tỷ/năm, hoặc 5% là 200 tỉ/năm. Bài toán này đặt ra công khai thì chắc chắn sẽ có doanh nghiệp làm được", ông Hùng gợi ý.

Tương tự như vậy, ông cho rằng, tỉnh có thể đặt ra các bài toán khác trên tinh thần này. Với cách làm này thì tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có thể phát triển vượt bậc mà cũng tạo ra sự phát triển vượt bậc cho doanh nghiệp. Hai bên cùng thắng. Mà là thắng lớn. Bởi vậy, thời CĐS có một công thức thành công là: Việc gì mà mình thấy khó, làm mãi không được thì công khai bài toán, vấn đề của mình ra cho xã hội làm. Ở ngoài kia sẽ có ai đấy giải được.

Nguồn: [Link nguồn]

Bộ trưởng Bộ TT&TT nghĩ gì về những chiến binh an ninh mạng?

"Những người làm an ninh mạng phải là những chiến binh an ninh mạng, những chiến binh bảo vệ hoà bình".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Phạm ([Tên nguồn])
Công nghệ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN