Chủ tịch NVIDIA nhận giải thưởng VinFuture danh giá

Sự kiện: Công nghệ
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Ông Jensen Huang - đồng sáng lập và là Chủ tịch Tập đoàn NVIDIA cùng 4 nhà khoa học khác được vinh danh Giải thưởng Chính Giải thưởng VinFuture năm 2024 với những đóng góp đột phá để thúc đẩy sự tiến bộ của học sâu, góp phần đưa trí tuệ nhân tạo bước vào kỷ nguyên phát triển vũ bão.

Giải thưởng VinFuture năm 2024 nhận được 9.101 đối tác đề cử, trong đó 1.347 đối tác (14,8%) là các nhà khoa học thuộc nhóm top 2% các nhà nghiên cứu được trích dẫn nhiều nhất trên thế giới.

Số lượng hồ sơ đề cử năm nay là 1.469, đến từ hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp 5 châu lục. Dẫn đầu về số lượng là các nhà khoa học từ châu Mỹ, tiếp đến là châu Âu, châu Á, châu Phi và châu Đại Dương (7,0%).

Hội đồng Giải thưởng đã lựa chọn ra 4 giải thưởng VinFuture gồm: Giải thưởng Chính (3 triệu USD) và 3 giải Đặc biệt gồm: Giải thưởng dành cho nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới, nhà khoa học nữ và nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển, mỗi giải trị giá 500.000 USD.

Giải thưởng Chính (trị giá 3 triệu USD) của VinFuture năm nay vinh danh một trong những lĩnh vực khoa học công nghệ được quan tâm thế giới là trí tuệ nhân tạo. Năm nhà khoa học gồm: GS Yoshua Bengio, GS Geoffrey E. Hinton, GS Yann LeCun, GS Fei-Fei Li và ông Jensen Huang (Chủ tịch NVIDIA) được trao giải vì những đóng góp đột phá thúc đẩy sự tiến bộ của học sâu.

Tỷ phú Jensen Huang cùng hai nhà khoa học nhận Giải thưởng Chính VinFuture năm 2024. Hai nhà khoa học khác vắng mặt vì lý do riêng.

Tỷ phú Jensen Huang cùng hai nhà khoa học nhận Giải thưởng Chính VinFuture năm 2024. Hai nhà khoa học khác vắng mặt vì lý do riêng.

Hội đồng Giải thưởng VinFuture, với những nhà khoa học kiệt xuất thế giới nhận định, những tiến bộ trong học sâu đã mở ra một kỷ nguyên đột phá cho những đổi mới sáng tạo về công nghệ, nhờ đó mà máy móc có thể “học” từ lượng dữ liệu khổng lồ và đạt được độ chính xác đáng kinh ngạc trong các tác vụ như nhận diện hình ảnh, xử lý ngôn ngữ tự nhiên và đưa ra quyết định.

Thành tựu này có được là nhờ những đóng góp mang tính cách mạng cho mạng nơ-ron và các thuật toán học sâu của GS Geoffrey E. Hinton, GS Yann LeCun và GS Yoshua Bengio. Bên cạnh đó, hiệu suất điện toán cũng được tăng lên nhanh chóng nhờ những tiến bộ được thúc đẩy bởi ông Jensen Huang trong việc sử dụng bộ xử lý đồ họa (GPU). Việc GS Fei-Fei Li tạo ra tập dữ liệu ImageNet đã thúc đẩy sự tiến bộ trong hệ thống nhận diện hình ảnh, giúp huấn luyện các mô hình học sâu ở quy mô lớn.

Từ năm 2012, học sâu đã trở thành công cụ chủ đạo thúc đẩy các bước tiến lớn trong nhiều lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, tự động hóa, dịch vụ tài chính, từ đó định hình sự đổi mới phát triển trong tương lai.

Giải Nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới được trao cho GS Zelig Eshhar, GS Carl H. June và GS Michel Sadelain vì sự phát triển liệu pháp tế bào CAR T để điều trị ung thư và các bệnh khác.

Công trình đột phá của GS Zelig Eshhar đã cách mạng hóa phương pháp điều trị ung thư bằng cách phát triển liệu pháp tế bào CAR T, từ đó cứu sống rất nhiều bệnh nhân và thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp sản xuất dược phẩm sinh học. Sự đổi mới này mang lại hy vọng cho các ứng dụng mới trong y học và mang lại các phương pháp điều trị với chi phí hợp lý cho người dân trên toàn thế giới.

Nhóm tác giả nhận Giải thưởng đặc biệt dành cho Nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới.

Nhóm tác giả nhận Giải thưởng đặc biệt dành cho Nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới.

GS Carl H. June và GS Michel Sadelain đã tiếp tục cải tiến liệu pháp tế bào CAR T, giúp liệu pháp này điều trị hiệu quả các bệnh ung thư và tự miễn không đáp ứng với các liệu pháp thông thường. Công trình tiên phong của họ đã dẫn đến sự phê duyệt của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho liệu pháp tế bào CAR T đầu tiên vào năm 2017 để điều trị bệnh bạch cầu lympho cấp tính ở trẻ em và thanh thiếu niên. Hiện nay liệu pháp này đang được xem xét áp dụng trong chăm sóc lâm sàng trên thế giới.

Nhà khoa học nữ được vinh danh năm nay là GS Kristi S. Anseth vì những tiến bộ trong thiết kế vật liệu polymer và các phương pháp cho ứng dụng y sinh. Bà đã kết hợp sinh học phân tử và tế bào với kỹ thuật và toán học để tạo ra các vật liệu sinh học mới thay thế mô, có khả năng phục hồi, duy trì hoặc cải thiện chức năng của mô.

GS Kristi S. Anseth nhận Giải thưởng Đặc biệt dành cho nhà khoa học nữ xuất sắc nhất.

GS Kristi S. Anseth nhận Giải thưởng Đặc biệt dành cho nhà khoa học nữ xuất sắc nhất.

Ở hạng mục Nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển, VinFuture 2024 vinh danh Tiến sĩ Firdausi Qadri vì sự đổi mới cải tiến vắc-xin dạng uống ngừa bệnh tả ở các nước đang phát triển.

Tiến sĩ Firdausi Qadri nhận giải thưởng đặc biệt dành cho Nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển.

Tiến sĩ Firdausi Qadri nhận giải thưởng đặc biệt dành cho Nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển.

Tiến sĩ Firdausi Qadri đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện quy trình tiêm chủng phòng chống bệnh tả, bệnh truyền nhiễm cấp tính ở đường tiêu hoá do vi khuẩn tả Vibrio cholerae gây ra khi tiêu thụ thực phẩm hoặc nước bị nhiễm khuẩn. Tại Trung tâm Nghiên cứu Bệnh Tả Quốc tế, Bangladesh (ICDDRB), Tiến sĩ Firdausi Qadri đã tiến hành các nghiên cứu lâm sàng quy mô lớn sử dụng một chủng vắc-xin sống giảm động lực của Việt Nam, từ đó rút ra kết luận về lợi ích, hiệu quả và độ an toàn của loại vắc-xin chi phí thấp này khi chỉ sử dụng một liều duy nhất.

Bà cũng thúc đẩy việc triển khai các chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn tại Bangladesh cũng như các nước có thu nhập thấp khác nhằm ngăn ngừa dịch bùng phát. Việc dự phòng sớm để kiểm soát dịch tả giúp tăng cường an ninh y tế và ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh trên toàn cầu.

Chia sẻ về kết quả của Giải thưởng VinFuture 2024, GS Richard Henry Friend - Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture, cho biết, tất cả chủ nhân giải thưởng năm nay đều đã tạo nên những tiến bộ làm thay đổi thế giới, mang đến những công cụ mới vô cùng mạnh mẽ.

Ông cho rằng, những giải thưởng này phản ánh phạm vi sâu rộng của khoa học công nghệ có thể mang lại những giải pháp thiết thực và mạnh mẽ. "Tầm nhìn của những Nhà sáng lập Giải thưởng VinFuture đặt ra – tôn vinh tiềm năng tác động của những khám phá và phát kiến khoa học để mang đến lợi ích thiết thực cho cuộc sống nhân loại – đã được minh chứng rõ nét qua các công trình đoạt giải năm nay”, GS Richard Henry Friend nói.

Vị Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture cũng nhấn mạnh, những khám phá này cũng là lời nhắc nhở rằng dù hiểu biết của loài người về thế giới vật chất nhiều đến đâu, thì vẫn còn vô vàn bí ẩn chờ chúng ta khám phá. "Càng tiến xa hơn với những công cụ và ý tưởng mới, thế giới tự nhiên càng tiếp tục đem đến nhiều bất ngờ và những cơ hội mới. Ta cần tiếp tục sử dụng những công cụ mới này để giải quyết những thách thức cấp bách mà nhân loại đang phải đối mặt, đảm bảo sự thịnh vượng bền vững và sức khỏe cộng đồng", GS Richard Friend nhấn mạnh.

Một trong những thách thức lớn nhất là lithium ở nhiều nơi trên thế giới hiện không thể tiếp cận để khai thác.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hoài _ Như Ý ([Tên nguồn])
Công nghệ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN