Chip vi mạch đầu tiên do kỹ sư FPT thiết kế, giải "cơn khát" chip toàn cầu
Chip được thiết kế hoàn thiện tại Việt Nam, sau đó được chuyển tới nhà máy đặt tại Hàn Quốc để sản xuất và đóng gói.
FPT Semiconductor - Công ty thiết kế và sản xuất chip vi mạch (thuộc FPT Software - công ty thành viên Tập đoàn FPT) vừa chính thức ra mắt dòng chip vi mạch đầu tiên ứng dụng trong sản phẩm Internet vạn vật (IoT) cho lĩnh vực y tế, hiện thực hóa giấc mơ sản xuất linh kiện bán dẫn khởi tạo bởi trí tuệ Việt.
Dòng chip bán dẫn tích hợp (IC - Integrated Circuit) được các kỹ sư của FPT Semiconductor trực tiếp thiết kế và đặt ra cấu trúc, hướng đến phục vụ cho các ngành công nghiệp, sản phẩm cụ thể. Chip được thiết kế hoàn thiện tại Việt Nam, sau đó được chuyển tới nhà máy đặt tại Hàn Quốc để sản xuất và đóng gói.
Không chỉ đưa sản phẩm đến thị trường nước ngoài như Úc, Đài Loan, Trung Quốc,... FPT Semiconductor định hướng tập trung triển khai, cung cấp chip này đến các tập đoàn trong nước, nhằm phát triển bền vững và góp phần hoàn thiện chuỗi cung ứng sản xuất các thiết bị cho người dùng tại Việt Nam trong giai đoạn 2023 - 2025.
Mẫu tấm wafer chip (đế chip) vi mạch đầu tiên của FPT Semiconductor.
Trong 2 năm tiếp theo, FPT Semiconductor dự kiến cung ứng ra thị trường toàn cầu 25 triệu đơn vị chip. Đồng thời, doanh nghiệp đặt kế hoạch đưa ra thị trường thêm 7 dòng chip khác nhau trong năm 2023, phục vụ cho hàng loạt lĩnh vực công nghệ, viễn thông, IoT, thiết bị chiếu sáng, thiết bị thông minh, công nghệ trên ô tô, năng lượng, điện tử điện lạnh.
Ông Nguyễn Vinh Quang - Giám đốc điều hành FPT Semiconductor cho biết: “Việc thành lập FPT Semiconductor là một bước tiếp nối hoài bão và ước mơ của nhiều thế hệ người Việt. Có thể nhiều người chưa biết, chúng ta đã từng có nhà máy bán dẫn Việt Nam vào năm 1979, được biết đến với cái tên là nhà máy Z181, cung ứng rất nhiều thiết bị bán dẫn cho thị trường Đông Âu. Chúng tôi có kế hoạch thiết kế và thương mại hóa sản phẩm chip, đưa những dòng chip đến với thị trường trong nước, cũng như nước ngoài như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ, châu Âu, Trung Quốc…”
Phát biểu về chặng đường hiện thực hóa ý tưởng xây dựng đơn vị sản xuất chip của người Việt, ông Trần Đăng Hòa - Phó Tổng Giám đốc FPT Software cho biết: “Toàn bộ quá trình nghiên cứu và phát triển được thực hiện tại Việt Nam bởi những kỹ sư hàng đầu của FPT Software. FPT Semiconductor là bước tiến mới của chúng tôi trên hành trình khẳng định trí tuệ Việt, cũng như đồng hành cùng thành công với mọi đối tác trên toàn cầu".
Tấm wafer chip vi mạch đặt trong hộp đóng gói.
Chip vi mạch bán dẫn tích hợp đóng vai trò tiên quyết trong các thiết bị, quyết định hiệu suất làm việc và ảnh hưởng lớn đến giá thành của tất cả các hệ thống điện tử. Trong bối cảnh doanh nghiệp trên toàn thế giới tăng tốc trong cuộc đua chuyển đổi số, phát triển hệ sinh thái thiết bị, việc sản xuất chip vi mạch bán dẫn tích hợp trở thành xương sống cho hệ thống điện tử và ngành công nghệ phát triển.
Theo Gartner, năm 2021, ngành vi mạch bán dẫn toàn cầu mang về doanh thu gần 600 tỉ USD. Riêng tại Việt Nam, dự báo tới năm 2024, ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam sẽ vượt giá trị 6,16 tỉ USD (theo báo cáo từ Technavio), Tại Việt Nam, hiện, các tổ chức và doanh nghiệp trong ngành chip vi mạch bán dẫn, phần lớn tập trung vào các trường đại học kỹ thuật hoặc các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư nhà máy sản xuất.
Với năng lực sản xuất chip bán dẫn, FPT Software tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái dịch vụ và sản phẩm, giải pháp công nghệ chuyển đổi số. Với hơn 26.000 nhân sự làm việc tại 27 quốc gia và cùng lãnh thổ, FPT Software cung cấp dịch vụ công nghệ tới hơn 1.000 khách hàng toàn cầu, trong đó có hơn 100 khách hàng thuộc danh sách Fortune Global 500.
Ngày 25/7, Samsung Electronics đã xuất xưởng chip bán dẫn 3 nanomet (nm) đầu tiên trên thế giới.
Nguồn: [Link nguồn]