Chính phủ Trung Quốc siết chặt quản lý các tập đoàn công nghệ lớn
Chủ trương "thịnh vượng chung" của chính phủ Trung Quốc đang nhắm tới các tập đoàn công nghệ lớn với nhiều biện pháp mạnh tay.
Trong buổi họp với Văn phòng Ủy ban Tài chính Kinh tế Trung ương ngày 17/8/2021, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh nỗ lực nhằm bảo đảm “thịnh vượng chung” cho nhân dân, điều tiết những người có thu nhập quá cao và khuyến khích các tập đoàn và doanh nghiệp lớn trả lại nhiều hơn cho xã hội. Các lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc dường như quyết định rằng sau chính sách “để một số người làm giàu trước” của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, đã đến lúc ưu tiên bảo đảm “thịnh vượng chung”, hay nói cách khác là tiến tới một nền kinh tế và xã hội công bằng hơn.
Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Getty/CNBC
Với các động thái gần đây của chính phủ Trung Quốc và cụ thể là các cơ quan quản lý thị trường và doanh nghiệp, có thể thấy rõ rằng một trong những mục tiêu lớn của chủ trương này là các tập đoàn công nghệ lớn với sức ảnh hưởng vươn xa bên ngoài Trung Quốc.
Giới lãnh đạo điều hành các tập đoàn công nghệ lớn phần lớn nằm trong số những người giàu nhất Trung Quốc: Chủ tịch và CEO của Tencent, Mã Hóa Đằng (Pony Ma), có tài sản trị giá 65.8 tỷ USD; Mã Vân (Jack Ma), cựu Chủ tịch của Alibaba, sở hữu tài sản trị giá 48.4 tỷ USD; và Trương Nhất Minh, CEO của ByteDance nổi tiếng với ứng dụng TikTok, có khối tài sản trị giá 35.6 tỷ USD (theo ước tính gần đây nhất của Forbes).
Ông Mã Hóa Đằng (Pony Ma, trái), Chủ tịch và CEO Tencent, ngồi cạnh Mã Vân (Jack Ma, phải), cựu Chủ tịch Alibaba, trong một sự kiện năm 2018 ở Bắc Kinh. Ảnh: AFP
Ngày 10/4/2021, sau cuộc điều tra kéo dài nhiều tháng, Cơ quan Quản lý Nhà nước về Quy chế Thị trường (SAMR) Trung Quốc đã áp đặt hình phạt kỷ lục 18,2 tỷ NDT (tương đương 2,8 tỷ USD) đối với tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới Alibaba do vi phạm pháp luật về chống độc quyền. Sau quyết định áp dụng mức phạt này, ông Trương Dũng, Chủ tịch và CEO của Alibaba đã chia sẻ trong một bức thư gửi các cổ đông rằng hình phạt chống độc quyền đã làm công ty "quan tâm sâu sắc hơn" đến trách nhiệm của một doanh nghiệp có nền tảng là Internet và "cần quan tâm hơn đến việc tạo ra giá trị tích cực cho xã hội".
Một trong các động thái nằm trong xu hướng chống độc quyền nhắm vào các tập đoàn công nghệ là việc SAMR chặn cuộc sáp nhập hai nền tảng livestream Douyu và Huya. Nếu thành công, thương vụ này sẽ tạo ra một "người khổng lồ" livestream có giá trị hơn 10 tỷ USD, chiếm hơn 70% thị phần và cho phép Tencent đối đầu với Twitch (thuộc sở hữu của Amazon). Một số chuyên gia luật cho rằng sẽ có thêm các thương vụ sáp nhập tương tự trong tương lai bị hủy với lý do chống độc quyền.
Hàng loạt vấn đề cũng đến với DiDi Chuxing, một doanh nghiệp kinh doanh vận tải công nghệ, khi công ty này lên sàn NYSE vào tháng 6/2021. Chỉ trong tháng 7/2021, giới chức Trung Quốc yêu cầu các cửa hàng ứng dụng gỡ bỏ ứng dụng DiDi và nhiều ứng dụng khác do doanh nghiệp này sở hữu, phạt công ty này do vi phạm luật chống độc quyền, và ra lệnh điều cảnh sát và cán bộ nhiều bộ ngành đến trụ sở của DiDi tại Bắc Kinh với lý do phục vụ điều tra an ninh mạng.
Ngoài các biện pháp nhắm trực tiếp vào các tập đoàn công nghệ lớn, gần đây chính phủ Trung Quốc cũng đã thắt chặt các quy định về thông tin cá nhân và qua đó gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp công nghệ. Ngày 20 tháng 8 vừa qua, Đại hội đại biểu Nhân dân Trung Quốc đã thông qua Luật Bảo vệ Thông tin Cá nhân, có hiệu lực từ ngày 1/11/2021. Dù toàn văn đạo luật này chưa được công khai, theo Tân Hoa Xã, đạo luật được lập ra để giảm thiểu ‘thu thập quá mức và lạm dụng thông tin cá nhân” và “làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong thu thập và xử lý thông tin cá nhân”. Luật này cũng yêu cầu các tập đoàn công nghệ phải lập ra một cơ quan độc lập có trách nhiệm giám sát việc sử dụng thông tin cá nhân thu thập từ người dùng. Động thái này đã làm cổ phiếu của một số hãng công nghệ lớn sụt giảm nghiêm trọng ngay sau đó và gây lo ngại cho giới đầu tư.
Giá trị thị trường của các công ty Trung Quốc đã bốc hơi gần 1 nghìn tỷ USD kể từ tháng 2. Chỉ số Nasdaq Golden Dragon, chỉ số theo dõi 98 doanh nghiệp Trung Quốc lớn nhất được niêm yết tại Mỹ, giảm hơn 50% so với đỉnh hồi tháng 2.
Chỉ số Nasdaq Golden Dragon đã sụt giảm mạnh so với đỉnh tháng 2 năm 2021. Nguồn: Bloomberg
Sự mạnh tay của giới quản lý nhà nước tại Trung Quốc đang khiến cho các hãng công nghệ và nhà đầu tư phải vô cùng thận trọng. Tencent cảnh báo các nhà đầu tư rằng nhiều quy định kiểm soát hoạt động kinh doanh trên Internet sẽ được thông qua trong tương lai, đồng thời công bố sáng kiến đầu tư 50 tỷ NDT (7,71 tỷ USD) nhằm đóng góp cho mục tiêu "thịnh vượng chung". Rủi ro quản lý trong niêm yết ở nước ngoài cũng khiến cho nhiều nhà đầu tư phải chờ đợi, nhất là khi Trung Quốc và Mỹ vẫn đang âm thầm tranh chấp về các quy định kiểm toán doanh nghiệp nước ngoài niêm yết tại Mỹ. Một số nhà đầu tư lớn, trong đó có CEO của SoftBank Masayoshi Son, đã lên tiếng rằng họ sẽ thận trọng khi đầu tư vào các startup Trung Quốc cho đến khi nào ảnh hưởng của các quy định mới trở nên rõ ràng hơn.
Một số chuyên gia và nhà nghiên cứu nước ngoài cho rằng đợt siết chặt quản lý này của giới chức Trung Quốc đối với các tập đoàn công nghệ lớn sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đối với môi trường kinh doanh trong dài hạn. Yuen Yuen Ang, giáo sư kinh tế - chính trị tại Đại học Michigan, Mỹ, cho rằng mục tiêu phân bố lại quyền lực và của cải trong xã hội của chính phủ Trung Quốc là đúng đắn, nhưng phương thức lại có vấn đề và tinh thần khởi nghiệp của người Trung Quốc có thể vì vậy mà suy giảm. Tương tự, nhà kinh tế học Stephen Roach cho rằng giới chức đang ‘bóp nghẹt’ khu vực năng động nhất của nền kinh tế và giảm đi hy vọng sáng tạo của người Trung Quốc.
Theo ZDNet, một nhà phát triển game tại Trung Quốc đã làm lộ dữ liệu của hơn 1 triệu người dùng khi lưu trữ thông tin trên...
Nguồn: [Link nguồn]