Chiêu trò lừa đảo ngày Tết lợi dụng hình ảnh thương hiệu bia nổi tiếng
Các mặt hàng bia rượu vốn rất được ưa chuộng trong dịp Tết Nguyên Đán tại Việt Nam và những kẻ xấu đã lợi dụng điều này để lừa đảo trực tuyến.
Vừa qua, bắt đầu từ đêm giao thừa năm Quý Mão, một làn sóng "lừa đảo Tết" mới đã được phát tán rộng rãi qua các nền tảng nhắn tin phổ biến như Zalo và Messenger.
Theo đó, những tác nhân xấu đang lợi dụng thương hiệu Bia Sài Gòn nổi tiếng để tạo ra các chiêu trò lừa đảo trúng thưởng ngày Tết nhằm đánh vào tâm lý của những người dùng không rành về internet và bảo mật.
Thông tin lừa đảo được phát tán qua Zalo.
Theo ghi nhận từ một số báo cáo của người dùng Facebook, khi truy cập vào đường dẫn được phát tán qua mạng xã hội, họ được yêu cầu tham gia trả lời một số câu hỏi trắc nghiệm, sau đó mở các phần quà ngẫu nhiên với tỷ lệ trúng thưởng 100% và đều là phần thưởng tiền mặt có giá trị.
Ngoài ra, trang lừa đảo bắt buộc người dùng phải chia sẻ đến 5 nhóm chat hoặc 20 người bạn, đồng thời nhập địa chỉ nhà của họ thì mới có thể nhận quà. Đây cũng là lý do làn sóng lừa đảo này được phát tán vô cùng rộng rãi.
Các bước “thao túng tâm lý” của trang giả mạo sự kiện Bia Sài Gòn.
Các trang lừa đảo được đăng ký với nhiều tên miền khác nhau, đa phần chúng đều vô nghĩa, dạng như:
- m.mucwyeda.cn
- m.2ffzarr.cn
- m.knotcriterion.top
- m.appeasementstagger.top
- 42fvsn9.cn/kLdgoGjQ/sabecovn-m2
- 42fvsn9.cn/Cihgf6t0/sabecovn-m2
Giao diện của những trang web lừa đảo này được thiết kế khá sơ xài, nhưng nếu chúng được phát tán đến với những người không rành về công nghệ thông tin (đặc biệt là những người dùng lớn tuổi) thì hậu quả rất khó nói.
Theo thông tin từ cộng đồng bảo mật Anony Việt, mục đích của chiến dịch này có thể là một dạng “truyền thông bẩn” nhằm hạ uy tín của hãng Bia Sài Gòn, hoặc lợi dụng lòng tham của nhiều người để phát tán nhiều nhất có thể nhằm thu thập thông tin cá nhân.
Hiện chưa có thông tin về việc đánh cắp tài khoản Facebook của những trang lừa đảo này, nhưng nguy cơ bị lộ thông tin cá nhân là khá cao. Vì những người truy cập vào trang web sẽ bị thu thập thông tin như địa chỉ IP, thiết bị, trình duyệt, vị trí, ngày giờ. Ngoài ra, nếu cung cấp thêm thông tin cá nhân như địa chỉ nhà, số điện thoại… để nhận thưởng thì lượng thông tin bị lộ càng nhiều hơn.
Thông tin lừa đảo được phát tán qua Facebook Messenger.
Những thông tin bị rò rỉ của người dùng sẽ bị bán cho các trang quảng cáo, các trang vay tiền, tài chính, bất động sản hoặc nguy hiểm hơn là những kẻ lừa đảo chuyên gọi điện, gửi mail giả mạo nhân viên ngân hàng, các cơ quan chức năng, … để tống tiền người nhẹ dạ.
Hiện tại, các trang giả mạo Bia Sài Gòn đều đã ngừng hoạt động. Tuy nhiên, người dùng vẫn cần nâng cao tinh thần cảnh giác, không truy cập vào các đường dẫn không rõ nguồn gốc và sử dụng chương trình chống virus để bảo vệ máy tính.
Bằng cách gửi tin nhắn SMS mạo danh các thương hiệu ngân hàng như Vietcombank, Agribank, Techcombank,MB Bank..., hacker mũ đen có thể dễ dàng chiếm đoạt thông tin cá nhân, lừa đảo, chiếm...
Nguồn: [Link nguồn]