Chênh vênh thương mại điện tử Việt

Thị trường thương mại điện tử Việt đang phát triển mạnh mẽ nhưng chẳng hề “dễ ăn” nếu không kiên trì theo đuổi.

Hàng loạt website thương mại điện tử (TMĐT) đóng cửa hay bị các “ông lớn” nước ngoài thâu tóm vừa qua cho thấy thị trường TMĐT Việt Nam rất “khốc liệt” chứ không đơn giản như nhiều người nghĩ. Nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng doanh nghiệp (DN) Việt Nam phải thay đổi phương thức hoạt động nếu muốn tồn tại.

Tỉnh táo khi hội nhập

Gần đây, giới kinh doanh TMĐT phải giật mình nhìn lại khi hàng loạt website TMĐT tại Việt Nam phải đóng cửa, một số thì bị thâu tóm. Cuối tháng 4.2016, Rocket Internet, chủ sở hữu Zalora Việt Nam, đã bán lại sàn TMĐT này cho Central Group của Thái Lan. Central Group là một trong những hãng bán lẻ lớn nhất khu vực và đang “bành trướng” tại Việt Nam, Malaysia, Indonesia…

Trước đó, đầu tháng 4.2016, Alibaba của Trung Quốc đã chính thức làm chủ sàn TMĐT Lazada tại Đông Nam Á sau khi hoàn tất thương vụ trị giá 1 tỉ USD. Như vậy, gã khổng lồ bán lẻ Alibaba đã đặt chân vào lĩnh vực TMĐT ở khu vực Đông Nam Á - nơi Lazada đang hoạt động tại 6 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Mới đây nhất, Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) cho biết đang có kế hoạch mở rộng hoạt động bán lẻ tại Việt Nam, đồng thời sẽ mở trang TMĐT vào cuối năm nay sau khi ra mắt kênh Lotte Shopping TV vào năm 2012.

Chênh vênh thương mại điện tử Việt - 1

Doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam phải thay đổi cách làm để tồn tại Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Theo Báo cáo Thương mại điện tử 2015 do Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ thông tin (VECITA) - Bộ Công Thương vừa công bố, cả doanh số của website bán hàng và sàn TMĐT năm 2015 đều tăng mạnh. Theo đó, tổng doanh thu trong 10 tháng đầu năm 2015 của 839 DN có website TMĐT tham gia khảo sát ước đạt 11.624 tỉ đồng. Với các website cung cấp dịch vụ TMĐT (sàn TMĐT), 105 sàn tham gia khảo sát cho biết tổng doanh thu trong 10 tháng đầu năm 2015 ước đạt 1.960 tỉ đồng, tăng gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2014.

Những con số nêu trên cho thấy thị trường TMĐT ở Việt Nam rất khả quan. Thế nhưng, nhiều chuyên gia cho rằng các DN trong nước phải tỉnh táo hơn bởi khi hội nhập, DN ngoại sẽ ồ ạt vào Việt Nam. Với tiềm lực mạnh mẽ cùng cách làm chuyên nghiệp, họ có thể “đè bẹp” DN Việt Nam.

Phải thay đổi, kiên trì

Theo dự đoán của nhiều nhà đầu tư, trong 3 năm tới, TMĐT Việt Nam sẽ có những thay đổi lớn nếu các DN khai thác đúng hướng tiềm năng của thị trường. Doanh thu từ TMĐT có thể tăng mỗi năm 30%. Theo đó, vào năm 2018, doanh thu có thể tăng từ 4 tỉ USD lên hơn 8 tỉ USD.

“Các DN TMĐT phải xác định đầu tư lâu dài, tập trung vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hệ thống quản lý, giải pháp vận hành cho phù hợp với văn hóa và thói quen của người tiêu dùng ở các vùng miền. Nhân lực về TMĐT tại Việt Nam còn thiếu và chưa đủ kinh nghiệm so với nhu cầu tuyển dụng rất cao hiện nay. Vì thế, DN TMĐT cần chú trọng đào tạo và gìn giữ nhân tài” - bà Trương Cẩm Thanh, Giám đốc điều hành Cổng thanh toán điện tử 123Pay, nhận xét.

Theo ông Trần Hải Linh, Tổng Giám đốc sàn TMĐT Sendo.vn, dù TMĐT Việt Nam được đánh giá giàu tiềm năng, các hình thức mua bán trên mạng nở rộ nhưng chưa có nhiều sàn được đầu tư quy mô bài bản, hướng đến giao dịch an toàn, lại phát sinh nhiều áp lực cạnh tranh từ việc mua bán trên Facebook.

“Chiến lược đưa ra cần tập trung vào giao dịch bảo đảm, có chứng chỉ bảo mật cấp cao nhất PCI DSS để triển khai COD (mua hàng trả tiền mặt), đưa ra quy trình thanh toán thuận tiện, thân thiện với người dùng, phát triển dịch vụ khách hàng trả tiền khi đã nhận được sản phẩm ưng ý và có thể đổi trả sản phẩm...” - ông Linh gợi ý.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hòa Bình - Chủ tịch HĐQT PeaceSoft-Group, đơn vị chủ quản chodientu.vn - cho rằng trước làn sóng đầu tư ồ ạt vào TMĐT của nhiều DN trong và ngoài nước với chiêu bài chung là giảm giá, khuyến mại, dùng tiền để mua tăng trưởng, nhiều đơn vị không chịu nổi sức ép đã buộc phải đóng cửa và chấp nhận mất trắng hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu USD.

“Chợ Điện Tử đã chọn cách tăng trưởng theo chiều sâu và kiên trì theo đuổi, đầu tư vào các hạ tầng nền tảng để tạo giá trị lâu dài, tăng trưởng chất lượng dịch vụ cho người mua và người bán, phát triển thành một hệ sinh thái đa dịch vụ: cổng thanh toán - ví điện tử, cổng mua sắm xuyên biên giới, cổng chuyển phát hàng hóa và hợp tác với nền tảng hạ tầng hậu cần kho vận” - ông Bình cho biết.

Quyền lợi người tiêu dùng là ưu tiên hàng đầu

Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, nhìn nhận: “Báo cáo của Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) về Chỉ số TMĐT Việt Nam năm 2015 đã chỉ ra rằng quyền lợi của người tiêu dùng trực tuyến chưa được bảo vệ thỏa đáng. Đây là trở ngại lớn nhất cho TMĐT tại Việt Nam và cũng là một trong những vấn đề cần ưu tiên hàng đầu mà các DN TMĐT phải thực hiện nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trực tuyến trong những năm tới cũng như muốn cạnh tranh và tồn tại”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Chánh Trung ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN