Châu Âu quyết định phạt Apple số tiền "khủng" chưa từng có
Lịch sử các án phạt của Liên minh châu Âu chưa có con số nào "khủng" như vậy.
Theo Business Insider, Liên minh châu Âu vừa đưa ra phán quyết phạt Apple 14,5 tỉ USD (thấp hơn so với mức 19 tỉ USD dự tính ban đầu) vì Apple đã vi phạm luật pháp EU. Cụ thể là Apple đã thỏa thuận với chính phủ Ireland để đóng một mức thuế thấp hơn bất kỳ công ty nào. Nếu như mức thuế Apple phải nộp trong năm 2003 là 1% thì tới năm 2014 chỉ là 0,005%.
Công ty Apple do CEO Tim Cook điều hành.
Theo Margrethe Vestager (một ủy viên của EU), nếu các nước thành viên trong EU tự ý đưa ra mức thuế cho một công ty nước ngoài nào đó thì đã vi phạm luật pháp EU. Cuộc điều tra của Ủy ban châu Âu kết luận Ireland đã cho Apple những lợi thế về thuế trái phép.
Trong lịch sử các án phạt của EU, liên minh này chưa bao giờ yêu cầu một công ty nào phải trả một con số "khủng" như vậy. Trước đó, án phạt kỷ lục là 1,6 tỉ USD mà EU đưa ra đối với công ty năng lượng EDF của Pháp, sự việc xảy ra vào năm ngoái.
Trước quyết định này của EU, cả hãng Apple, Bộ Tài chính Mỹ và chính phủ Ireland đều lên tiếng phản đối mạnh mẽ và khẳng định sẽ có kháng cáo.
Phản ứng trước đó khi xuất hiện thông tin EU dự định đòi phạt Apple 19 tỉ USD, Apple từng khẳng định: "Vấn đề chính là Liên minh châu Âu cáo buộc Chính phủ Ireland cho chúng tôi một thỏa thuận đặc biệt. Tuy nhiên, Chính phủ Ireland đã phủ nhận điều này".
Phía sau Apple, Bộ Tài chính Mỹ hay nói rộng hơn là Chính quyền Tổng thống Obama cũng có những động thái bảo vệ công ty này. Theo đó, Bộ Tài chính Mỹ vừa có một quyết định về việc bảo vệ các công ty Mỹ hoạt động ở nước ngoài, bao gồm Apple, Starbucks, Amazon,...
"Bộ Tài chính Mỹ đang tiếp tục xem xét những phản ứng của Ủy ban châu Âu. Một kết quả có lợi cho đôi bên sẽ tạo thuận lợi cho mối quan hệ hợp tác quốc tế về tiền thuế giữa Mỹ và các nước thành viên trong Liên minh châu Âu", quyết định của Bộ Tài chính Mỹ nêu rõ.
Bộ Tài chính Mỹ cũng cáo buộc Ủy ban châu Âu đang áp đặt quyền lực và đối xử không công bằng với các công ty Mỹ.