CEO Microsoft Việt Nam: “Nếu chậm chân ứng dụng AI, doanh nghiệp và cả nền kinh tế sẽ đánh mất lợi thế cạnh tranh”

Sự kiện: Công nghệ

Ngày 22/3/2019, Microsoft Việt Nam tổ chức hội nghị “FUTURE NOW” đem đến thông điệp chuyển đổi số luôn là lợi thế cạnh tranh lớn đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là khi có sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (AI) như một nền tảng cho chuyển đổi số.

CEO Microsoft Việt Nam: “Nếu chậm chân ứng dụng AI, doanh nghiệp và cả nền kinh tế sẽ đánh mất lợi thế cạnh tranh” - 1

Ông Phạm Thế Trường, Tổng Giám Đốc Microsoft Việt Nam chia sẻ: nếu chậm chân trong hành trình ứng dụng AI, các doanh nghiệp và cả nền kinh tế sẽ đánh mất những lợi thế cạnh tranh chỉ dành riêng cho những tổ chức tiên phong ứng dụng”.

Ông Phạm Thế Trường, Tổng Giám Đốc Microsoft Việt Nam chia sẻ: “ngày nay, công ty nào cũng là công ty phần mềm, và theo xu hướng gia tăng, mỗi tương tác sẽ đều là số hóa. Để thành công, các tổ chức cần phải nhanh chóng trong việc ứng dụng công nghệ mới, đồng thời xây dựng khả năng số của riêng mình. Chậm chân trong hành trình ứng dụng AI, các doanh nghiệp và cả nền kinh tế sẽ đánh mất những lợi thế cạnh tranh chỉ dành riêng cho những tổ chức tiên phong ứng dụng.”

Microsoft Việt Nam cho rằng, hai yếu tố quan trọng nhất tạo nên lợi thế cạnh tranh trên thị trường hiện nay là hiệu suất làm việc và cải tiến kĩ thuật. Vì vậy, không ngạc nhiên khi các nhà lãnh đạo nhận ra tầm quan trọng của các công nghệ mới, như trí tuệ nhân tạo AI (bao gồm cả Cognitive Service (Dịch vụ nhận thức) và Robot), IoT (Internet Vạn Vật), và những công nghệ khác, đối với sự phát triển doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc tập trung vào phân tích dữ liệu lớn để khai thác dữ liệu phục vụ cho những quyết định kinh doanh luôn là đề tài ưu tiên của doanh nghiệp.

Tại sự kiện, Microsoft tập trung giới thiệu các giải pháp và dịch vụ tích hợp AI trên nền điện toán đám mây mang tính hỗ trợ cao cho quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp. Điển hình như dịch vụ nhận thức (Azure Cognitive Services). Đây là một phần của nền tảng Microsoft AI cho phép các nhà phát triển ứng dụng dễ dàng thêm các tính năng về nhận diện như nhận diện khuôn mặt, giọng nói và hình ảnh; nhận diện ngôn ngữ và giọng nói – vào trong các ứng dụng của họ. Mục tiêu của Azure Cognitive Services là giúp các nhà phát triển tạo ra những ứng dụng có thể nhìn, nghe, nói, hiểu và truyền tải lại nhu cầu của người dùng thông qua các phương thức giao tiếp tự nhiên.

Microsoft cũng giới thiệu văn phòng thông minh (Mordern workplace). Đây là sự hợp nhất của thế giới vật lý với các mạng và ứng dụng kỹ thuật số tạo ra các môđun mới về hợp tác, chia sẻ thông tin và hiệu quả kinh doanh. Phần quan trọng của Văn phòng thông minh là việc ứng dụng các công nghệ về hiệu suất trên nền tảng điện toán đám mây, dưới dạng Office 365, xuyên suốt trong mọi hoạt động của văn phòng.

Trong không gian của Văn phòng thông minh, nhân viên có quyền truy cập không giới hạn các dữ liệu đã được “dân chủ hoá” nhưng vẫn rất bảo mật. Họ có thể làm việc linh hoạt về thời gian và cách thức, có thể sử dụng nhiều công cụ kĩ thuật số khác nhau trong công việc. Việc giao tiếp và chia sẻ thông tin là liền mạch, và không chỉ giới hạn ở nơi làm việc mà mở rộng tới tầm xuyên quốc gia, khi các nhóm văn phòng sử dụng chung một hệ sinh thái đám mây.

Cùng ngày, Microsoft Việt Nam tuyên bố hợp tác chiến lược với SAP – một trong những nhà cung ứng hàng đầu thế giới về phần mềm doanh nghiệp. Hợp tác chiến lược lần này sẽ hỗ trợ cho Công nghiệp 4.0 tại Việt Nam thông qua việc cung cấp các dịch vụ tích hợp từ 2 công ty tới các doanh nghiệp Việt Nam, nhằm thúc đẩy quá trình đổi mới kinh doanh trên nền tảng điện toán đám mây. Sự hợp tác này cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh doanh điện toán đám mây của SAP và Microsoft tại Việt Nam.

Với vai trò là những người đi đầu trong lĩnh vực phần mềm doanh nghiệp, SAP và Microsoft hi vọng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam có hướng đi an toàn và tin cậy nhất trong quá trình chuyển đổi số. Cả SAP và Microsoft đều đang nỗ lực đưa các dịch vụ và phần mềm và dịch vụ của SAP lên Azure, cũng như sẽ hợp tác để đưa ra các giải pháp hàng đầu và cung cấp các dịch vụ tích hợp nhằm bảo đảm cho khách hàng dịch vụ điện toán đám mây tốt nhất.

SAP HANA® Enterprise Cloud – dịch vụ điện toán đám mây doanh nghiệp SAP HANA– chạy trên Microsoft Azure cho phép người dùng vận hành SAP S/4HANA trong môi trường bảo mật. Từ đó khách hàng sẽ có được những trải nghiệm tốt nhất từ 2 nhà cung ứng: quản lý ứng dụng và sản phẩm chuyên môn từ SAP và điện toán đám mây bảo mật và thông minh Microsoft Azure, bao gồm cả các dịch vụ điện toán đám mây.

Ông Phạm Thế Trường, cho biết, “Hợp tác chiến lược với SAP là cột mốc quan trọng với Microsoft bởi nó không chỉ tăng thêm hiệu suất cho Microsoft, mà còn giúp khách hàng của chúng tôi quản lý hiệu quả hơn các dữ liệu công việc quan trọng nhất với SAP /4HANA trên Microsoft Azure”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo PV ([Tên nguồn])
Công nghệ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN