Cáp quang biển quốc tế AAG bị dò nguồn cách trạm cập bờ Vũng Tàu 35,89 km
Trong thông tin mới nhất từ nhà mạng Viettel, sự cố xảy ra sáng7/11/2017 đã được xác định là do dò nguồn (lỗi shun fault) giữa trạm cập bờ VTU và BU4, cách trạm cập bờ Vũng Tàu (VTU) khoảng 35,89 km.
Chỉ tính riêng từ đầu năm 2017 đến nay, tuyến cáp quang biển quốc tế AAG đã 5 lần gặp sự cố (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)
Như ICTnews đã đưa tin, Từ 9h15 sáng ngày 7/11/2017, tuyến cáp quang biển quốc tế Asia America Gateway - AAG gặp sự cố lần thứ năm trong năm nay. Tại thời điểm trưa ngày 7/11, VNPT cho biết sự cố xảy ra trên cáp nhánh của AAG từ TP.HCM đi quốc tế và nhà mạng này đang phối hợp với đối tác quốc tế để xác định nguyên nhân và có biện pháp xử lý, khắc phục sự cố xảy ra trên tuyến cáp quang biển quốc tế AAG từ TP.HCM đi quốc tế.
Trong thông tin chia sẻ với ICTnews vào đầu giờ chiều nay, ngày 9/11/2017, Viettel cho biết, sự cố xảy ra sáng 7/11 trên tuyến cáp quang biển AAG là lỗi dò nguồn (lỗi shun fault) giữa trạm cập bờ VTU và BU4, cách trạm cập bờ Vũng Tàu (VTU) khoảng 35,89 km.
Đồng thời, đại diện nhà mạng này cũng cho hay, tuy tuyến cáp AAG đang gặp sự cố nhưng kết nối Internet đi quốc tế của Viettel vẫn được đảm bảo và mức độ ảnh hưởng là không đáng kể. Tổng dung lượng bị mất trên cáp AAG chỉ chiếm 18% tổng dung lượng mạng đang có của Viettel.
Ngay sau khi cáp AAG gặp sự cố, Viettel đã lập tức bổ sung phần dung lượng còn thiếu qua các hệ thống cáp khác của Viettel là cáp IA, APG và hệ thống cáp đất liền Việt Nam -Trung Quốc-Hong kong. Do đó, các khách hàng sử dụng mạng cáp quang của Viettel hầu như không bị ảnh hưởng gì, tốc độ và đường truyền vẫn vẫn đảm bảo 100%.
Những năm gần đây, nhận thấy có khá nhiều sự cố trên tuyến cáp quang biển AAG nên Viettel đã giảm đầu tư trên tuyến cáp này. Về định tuyến dung lượng, Viettel không coi cáp AAG là tuyến chính mà chỉ đổ tải một phần dung lượng trên đó.
Thời điểm hiện tại, dung lượng của Viettel chủ yếu qua các hệ thống cáp khác ổn định hơn là cáp IA, APG, AAE-1 và hệ thống cáp đất liền Trung Quốc HK. Trong đó, cáp AAE1 là một trong các tuyến cáp chủ lực của Viettel kết nối từ Việt Nam đi các Hub IP đi Châu Á như Singapore, Hồng Kong và các Hub IP lớn tại Châu Âu như Pháp,…AAE-1 đã chính thức đưa vào khai thác một phần từ tháng 7/2017 vừa qua.
Viettel đã đầu tư 50 triệu USD để chủ trì xây dựng tuyến cáp này. Viettel sở hữu tổng dung lượng tới 2Tbps trên tuyến cáp AAE-1, góp phần quan trọng vào hạ tầng kết nối quốc tế của Viettel, đáp ứng sự tăng trưởng mạnh mẽ về băng thông Internet quốc tế cho thị trường Việt Nam cũng như phục vụ việc kết nối các quốc gia tại châu Phi mà Viettel đầu tư như Tanzania, Burundi đến Châu Âu.
Hơn nữa, việc kết nối với hệ thống cáp AAE-1 đóng vai trò to lớn trong đảm bảo an toàn mạng lưới kết nối quốc tế của Viettel cũng như an ninh thông tin quốc gia, góp phần đảm bảo thông tin liên lạc của Việt Nam với thế giới không bị gián đoạn.
Cáp quang biển quốc tế AAG có tổng chiều dài 20.000 km và dung lượng thiết kế đạt đến 2 Terabit/giây, kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ. Được đưa vào vận hành từ tháng 11/2009, tuyến cáp quang này bắt đầu từ Malaysia và kết cuối tại Mỹ, với các điểm cập bờ tại Mersing (Malaysia), Changi (Singapore), Sri Racha (Thái Lan), Tungku (Bruney), Vũng Tàu (Việt Nam), Currimao (Philippines), South Lantau (Hong Kong), Guam (Mỹ), Hawaii (Mỹ)... Nhánh cáp rẽ vào Việt Nam nằm trong đoạn S1 có chiều dài 314 km. Từ khi được đưa vào khai thác đến nay, AAG đã nhiều lần gặp sự cố. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2017 đến nay, tuyến cáp biển này đã 5 lần gặp sự cố, lần lượt vào các ngày 8/1, 18/2, 27/8, 12/10 và gần đây nhất là vào sáng ngày 7/11/2017. |
So với những lần đứt cáp AAG trước kia, sự cố lần này có thể không quá lớn.