Cảnh giác trước hai chiêu trò hack Facebook đang rộ lên tại Việt Nam
Gắn thẻ vào các bài viết có nội dung giật gân, gây tò mò và gửi tin nhắn nhờ bình chọn là hai hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài khoản Facebook đang rộ lên ở Việt Nam.
Thời gian gần đây, nhiều người dùng Facebook cho hay họ liên tục bị một số người bạn gắn thẻ vào những bài viết có nội dung tang thương. Đáng chú ý, các bài viết đó đính kèm liên kết giống như bài báo về tai nạn giao thông.
Tuấn Vũ (ngụ quận 8, TP.HCM), người từng gặp phải tình trang này kể lại: "Thấy một người bạn gắn thẻ tôi vào bài viết nên mở ra xem. Dòng mô tả là thông tin một ai đó vừa qua đời kèm với liên kết trong giống bài báo về tai nạn giao thông. Có ngày tôi bị gắn thẻ đến 8 lần”.
Nhiều người dùng Facebook phàn nàn vì liên tục bị gắn thẻ vào những bài viết có nội dung tang thương đính kèm liên kết như một bài báo về tai nạn giao thông. Ảnh: Tri thức trực tuyến
Anh Vũ chia sẻ thêm sau khi nhấn vào liên kết, một trang web hiện ra yêu cầu người dùng nhập tài khoản Facebook để xác minh thì mới có thể đọc bài. Lý do được đưa ra là nội dung chỉ dành cho người trưởng thành. Nhận thấy có nhiều điểm khả nghi, anh Vũ đã dừng lại, không tiếp tục làm theo hướng dẫn.
Một người dùng Facebook khác ở Hà Nội cũng gặp tình trạng tương tư như anh Vũ cho hay, mỗi ngày bị gắn thẻ tới hàng chục lần khiến chị cảm thấy vô cùng phiền phức và hoang mang. Theo người dùng này, ngay cả khi đã chặn không cho gắn thẻ vào bài viết, chị lại bị gắn thẻ vào các bình luận.
Người dùng Khánh Như, một nhân viên văn phòng ở Bình Thạnh, TP.HCM lại tỏ ra hết sức khó hiểu khi liên kết hiển thị trông không khác gì trang tin uy tín nhưng khi nhấn vào lại ra một trang web khác, yêu cầu thông tin đăng nhập.
Một số chuyên gia cho hay, các liên kết mà người dùng được gắn thẻ gọi là Phishing – hình thức lừa đảo điều hướng người dùng tới những trang giả mạo nhưng hiển thị tên website và tiêu đề tin tức giống hệt như một trang tin uy tín.
"Hacker có thể code một vài dòng để liên kết đến trang Phishing hiển thị với ảnh bìa, tên liên kết và tiêu đề như một trang báo uy tín", ông Thái Sơn, một lập trình viên web chuyên nghiệp tại TP.HCM cho biết.
Việc liên tục bị gắn thẻ vào những bài viết như vậy khiến người dùng Facebook không khỏi thấy phiền phức và hoang mang.
Trên thực tế, đây không phải là thủ đoạn đánh cắp thông tin mới nhưng hacker đã khéo léo đánh vào tâm lý tin tưởng của người dùng đối với các trang tin lớn và uy tín. Hành động này không chỉ gây tổn hại cho người dùng mà còn ảnh hưởng tới giá trị những trang tin bị lợi dụng.
Chiêu trò thứ hai bên cạnh gắn thẻ vào bài viết là gửi các liên kết qua tin nhắn cho người dùng, thường là nhờ bình chọn cuộc thi. Để có thể vào bình chọn, người dùng phải nhập thông tin Facebook của mình để xác minh. Theo chuyên gia an ninh mạng Nguyễn Đức hiện làm việc tại Mỹ, chiêu trò này sở dĩ thành công là do lợi dụng lòng tin của người dùng đối với bạn bè của họ.
Người dùng sau khi nhấn vào liên kết được gắn thẻ phải nhập thông tin cá nhân với có thể xem được. Ảnh: GenK
Các tài khoản sau khi bị chiếm đoạt có thể được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau như làm công cụ để tiếp tục lừa đảo những người dùng khác, bán lại cho một bên nào đó với mức giá từ 2.000 – 7.000 đồng, mức giá sẽ cao hơn nếu tài khoản đã sử dụng lâu và có uy tín cao.
Trước tình trạng này, các chuyên gia an ninh mạng khuyến cáo người dùng nên hết sức thận trọng, kiểm tra kỹ lưỡng liên kết mình nhận được trước khi điền thông tin cá nhân vào đó. Ngoài ra, người dùng nên sử dụng bảo mật 2 lớp cho tài khoản Facebook của mình. Mã đăng nhập 2 lớp sẽ là “bức tường” ngăn hacker chiếm quyền kiểm soát tài khoản trong trường hợp người dùng lỡ nhập thông tin của mình vào trang web giả mạo.
Bên cạnh đó, người dùng cũng cần thận hơn khi sử dụng mạng xã hội, tránh vì tò mò mà nhấn vào những bài đăng câu view, đồng thời không nên ấn vào những liên kết được gắn thẻ hoặc gửi từ người lạ.
Nguồn: [Link nguồn]
Phần mềm gián điệp này được các đối tượng ngụy tạo, giả danh ứng dụng điện thoại (app) mang tên “Bộ Công an”.