Cảnh giác thủ đoạn “sa bẫy” tín dụng đen khi truy cập vào các ứng dụng cho vay online
Đây là một hình thức vay tiền qua mạng bất hợp pháp núp bóng đằng sau là các đối tượng tín dụng đen với lãi suất “cắt cổ” hoạt động rầm rộ trong thời gian qua.
Thủ tục đơn giản, không cần thế chấp, chỉ với một chiếc điện thoại di động, điều cần làm cung cấp thông tin cá nhân, hình ảnh CMND, số tài khoản ngân hàng, cho phép truy cập danh bạ điện thoại, ... sau vài phút là có “tiền tươi thóc thật”, dường như những ứng dụng vay tiền online đã trở thành vị “cứu tinh” cho những ai đang gặp khó khăn về tài chính.
Với thủ đoạn này, rất nhiều người đã trở thành nạn nhân vướng vào cảnh nợ nần, tán gia bại sản, thậm chí là tự tử vì “sập bẫy” trước những lời quảng cáo của những ứng dụng vay tiền trên điện thoại. Đây là một hình thức vay tiền qua mạng bất hợp pháp núp bóng đằng sau là các đối tượng tín dụng đen với lãi suất “cắt cổ” hoạt động rầm rộ trong thời gian qua, Công an TP.Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) khẳng định.
Treo cổ tự tử vì vay tiền qua mạng
“Con đã mắc nợ rất nhiều, vay 3 ngân hàng với số tiền 45.000.000 và mười mấy cái app cho mượn tiền trên mạng. Con không có khả năng chi trả nữa, đã đi vào bước đường cùng... Hôm qua tụi “quỷ” đó đã đến tìm con nữa rồi...”. Gần 2 tháng kể từ ngày bà Trương Thị Ngọc B. (47 tuổi) ngụ tại tổ 43, khu phố 4, phường Tân Hạnh, TP.Biên Hòa phát hiện con gái mình là N.N.H (22 tuổi) treo cổ tự tử tại phòng ngủ của gia đình, bà B. chưa thể quên đi nỗi ám ảnh về cái chết của con gái.
Theo thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Công an tỉnh Đồng Nai (congan.dongnai.gov.vn), bà B. một mình nuôi con khôn lớn, hai mẹ con yêu thương nương tựa nhau trong căn nhà nhỏ. Từ một cô gái ngoan hiền, mức lương thu nhập mỗi tháng từ 7 - 8 triệu đồng, tháng nào H. cũng đưa tiền cho mẹ. Lúc con gái mất bà B. vẫn không hiểu tại sao con gái mình lại như vậy. Đến khi lực lượng Công an TP.Biên Hòa vào cuộc, khám nghiệm hiện trường mới phát hiện ra bức thư tuyệt mệnh mà H. để lại.
Ngay cả khi con đã chết, bà B. liên tục nhận được những cuộc gọi điện thoại từ số lạ gọi đến với những lời lẽ chửi bới, đe dọa, xúc phạm, lăng mạ bà B. yêu cầu trả tiền thay con gái. Một lần nữa bà B. phải nhờ công an can thiệp, chụp gửi hình ảnh giấy chứng tử cho các ứng dụng vay tiền, thì các đối tượng mới để yên. N.N.H. là một trong rất nhiều người đang hằng ngày trở thành nạn nhân vì bị “sa bẫy” của các đối tượng hoạt động tín dụng đen thông qua các ứng dụng vay tiền trên mạng xã hội.
Bức thư tuyệt mệnh của cô gái trẻ N.N.H (22 tuổi) được Cơ quan điều tra - Công an TP.Biên Hòa thu giữ tại phòng riêng của H.
Thủ đoạn “sa bẫy”, vay tiền ứng dụng sau trả nợ cho ứng dụng trước
Cũng theo congan.dongnai.gov.vn, với sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng công an trong toàn tỉnh Đồng Nai, nhiều băng nhóm tội phạm hoạt động cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự dần được triệt phá, điều tra làm rõ, từ đó những đối tượng cho vay nặng lãi bị đưa ra truy tố, xét xử, xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên trước sự vào cuộc mạnh mẽ của lực lượng chức năng, các đối tượng tín dụng đen lại càng có nhiều hình thức tinh vi, thủ đoạn hơn, sử dụng công nghệ 4.0 để hoạt động cho vay nặng lãi.
Những ứng dựng cho vay xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội mà bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng truy cập. Cả người cho vay lẫn người vay tiền đều không cần phải biết nhau, cũng không cần gặp nhau, tiền được chuyển qua tài khoản ngân hàng, hình thức trả tiền cũng qua chuyển khoản ngân hàng. Sau khi làm theo các yêu cầu của ứng dụng, chỉ sau vài phút, người vay có thể dễ dàng sở hữu được số tiền lên đến 10.000.000 đồng trong tài khoản.
Tuy nhiên sẽ bị ứng dụng trừ lại ngay một khoản tiền “quản lý” và tiền lãi tương ứng với thời hạn vay. Ví dụ người vay 5.000.000 đồng thì thực tế, người vay chỉ nhận được 3.000.000 đồng trong tài khoản, còn 2.000.000 đồng là phí dịch vụ tương ứng với 24% số tiền vay và tiền lãi suất là 4%/ngày trong thời hạn vay 4 ngày. Như vậy, những nạn nhân của các ứng dụng vay tiền này không hề biết rằng đang phải chịu mức vay với lãi suất “cắt cổ” lên đến 120%/tháng. Nếu hết thời hạn vay, khách vay không trả đủ số tiền gốc sẽ bị phạt thêm 4%/ngày.
Ứng dụng vay tiền online hoạt động công khai trên mạng điện thoại.
Một ngày trước khi hết thời gian trả nợ, người vay liên tục nhận được điện thoại của các đối tượng tự xưng là nhân viên của ứng dụng vay tiền online yêu cầu trả nợ. Nếu không thể trả được tiền vay đúng hẹn thì các đối tượng sẽ hướng dẫn nạn nhân truy cập hoặc cài đặt ứng dụng vay tiền khác, gợi ý người vay tham gia vay tiếp để lấy tiền trả nợ. Vô hình chung, rất nhiều người đã bị đưa vào “tròng” của các đối tượng tín dụng đen. Vay tiền ứng dụng sau để trả tiền cho ứng dụng trước.
Cứ thế nạn nhân phải truy cập hàng chục ứng dụng vay tiền để tìm cách trả nợ. Đến khi không thể trả nổi tiền nữa thì các đối tượng liên tục sử dụng các số điện thoại lạ nhắn tin, gọi điện đe dọa nạn nhân, dọa báo cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp biết, khủng bố, đăng hình nói xấu công khai trên mạng xã hội,... làm mọi cách để người vay phải trả tiền cho các đối tượng. Khi đã vướng vào bẫy của các đối tượng tín dụng đen, người vay rất khó để thoát ra khỏi cảnh nợ nần.
Một trong những nạn nhân của ứng dụng online sử dụng mạng xã hội để đăng hình ảnh nói xấu yêu cầu trả nợ.
Sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng
Theo cơ quan điều tra, các ứng dụng vay tiền online là những ứng dụng hoạt động bất hợp pháp trái quy định của Nhà nước, rất khó có thể kiểm soát được vì việc đăng ký ứng dụng trên điện thoại lại không cần thông qua sự quản lý của Nhà nước để hoạt động. Phương thức thủ đoạn của hoạt động cho vay này lại rất tinh vi, sự thỏa thuận giữa con nợ và chủ nợ lại không được chứng thực, cả người vay lẫn người cho vay đều không cần phải biết nhau, không cần gặp nhau.
Đa số các ứng dụng có một "ông chủ" đứng đằng sau điều hành. Và khi người vay chậm trả nợ hoặc mất khả năng thanh toán, các "ông chủ" cho đòi nợ thông qua "nhân viên đòi nợ thuê". Từ đó phát sinh các hành vi trái luật như đe dọa, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật,...
Khoản 1 Điều 201 Bộ luật hình sự về xử lý hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự quy định: “Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm”.
Tuy nhiên trên thực tế, hiện nay chưa có những quy định rõ ràng cũng như những chế tài quản lý đối với những ứng dụng hoạt động trái với quy định của pháp luật về vay nợ dân sự. Với phương thức biến tướng của hành vi cho vay lãi nặng qua ứng dụng điện thoại thì việc xử lý các đối tượng tín dụng đen gặp nhiều khó khăn do người vay không hề biết được đối tượng cho vay là ai cũng như địa chỉ cụ thể của các đối tượng. Tất cả giao dịch đều được thực hiện trên mạng điện thoại.
Đối tượng cho vay sử dụng nhiều số điện thoại lạ để gọi điện, nhắn tin đe dọa khủng bố tinh thần các nạn nhân để yêu cầu trả tiền. Việc chứng minh số tiền thu lợi bất chính gặp nhiều khó khăn vì trong quá trình vay nợ, đối tượng hướng dẫn các con nợ đăng ký nhiều tài khoản cũng như truy cập nhiều ứng dụng vay tiền khác nhau để chia nhỏ số tiền cho vay cũng như sử dụng tiền từ ứng dụng này để trả nợ cho ứng dụng khác.
Trong thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Ban lãnh đạo Công an TP.Biên Hòa, các đội nghiệp vụ cũng triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ để điều tra làm rõ xử lý các đối tượng cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự cũng như ngăn chặn kịp thời hậu quả của các loại hình biến tướng của hình thức cho vay xảy ra đối với xã hội. Tại mỗi đơn vị công an địa phương, việc tiếp nhận, giải quyết tin báo tố giác tội phạm có liên quan hoạt động “tín dụng đen”, các hành vi cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, gây rối trật tự công cộng... đã được chú ý nhằm xử lý triệt để.
Đồng thời, việc tuyên truyền trong nhân dân để người dân nhất là người dân tại những khu nhà trọ công nhân, người lao động nghèo, kém hiểu biết về các quy định của pháp luật đã được chú trọng, quá trình tuyên truyền đã giúp bà con hiểu rõ và nắm bắt kịp thời các thủ đoạn mới của các loại hình cho vay nặng lãi để phòng ngừa. Song song kết hợp với tuyên truyền là tổ chức các hoạt động kiểm tra hành chính liên ngành trên địa bàn dân cư được đẩy mạnh thực hiện đồng bộ từ đó, qua công tác kiểm tra đã phát hiện để xử lý cũng như ngăn chặn kịp thời các loại tội phạm đang trở thành tâm điểm “nhức nhối” của xã hội.
Qua đây, Công an TP.Biên Hòa cảnh báo người dân phải thật tỉnh táo và cảnh giác trước các hình thức vay tiền online để tránh “sa bẫy” của các đối tượng hoạt động tín dụng đen. Người dân khi phát hiện các vụ việc, băng nhóm nghi vấn liên quan hoạt động tín dụng đen cần trình báo đến cơ quan có thẩm quyền để ngăn chặn kịp thời, tuyệt đối không vay tiền theo thông tin quảng cáo của các đối tượng, tổ chức không rõ danh tính, địa chỉ để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Nguồn: [Link nguồn]
Ba nghi phạm bị cáo buộc tấn công mạng để lấy trộm số tiền ảo trị giá khoảng 87 triệu USD đã bị Trung Quốc bắt...