Cảnh báo rủi ro khi đầu tư tiền ảo Pi: Cẩn thận kẻo mất thông tin cá nhân!

Cầm đầu “băng đảng” tiền ảo, Bitcoin đang làm mưa làm gió thị trường tài chính khi tăng tới… hơn 5 triệu lần, kéo theo hàng loạt đồng tiền kỹ thuật số khác phi mã. Ngoài hàng nghìn đồng tiền đang “ăn theo” Bitcoin, mới đây, thị trường tài chính xuất hiện một mạng lưới gọi là "Pi Network" được quảng cáo là sẽ thay thế Bitcoin trong tương lai.

Ra đời từ năm 2009, Bitcoin ban đầu chỉ có giá chưa đầy 1 USD. Trong 12 năm qua đã có hàng trăm bài viết dự đoán bong bóng Bitcoin sẽ vỡ vì cho rằng nó không bản vị giá trị thật nào cả. Thế nhưng, bất chấp mọi “trù ẻo”, Bitcoin vẫn ngày một lên những đỉnh cao mới, lập đỉnh ở mức 58 nghìn USD/1 coin và hiện đang đứng ở mức 1 coin “ăn” 51 nghìn USD.

Theo tính toán của các chuyên gia, nếu vào tháng 6-2009, bỏ ra có 2 USD (36 ngàn VNĐ) thì bây giờ đã có 1.023 tỷ USD-  lãi hơn 511 triệu lần. Lãi suất khủng khiếp như thế nên những ngày gần đây, cơn sốt giá Bitcoin đã kéo theo tâm lý đầu tư vào tiền điện tử lên cao. Bên cạnh những dự án rõ ràng về lợi nhuận, nhiều nhà đầu tư đang bị lôi kéo vào một mạng lưới gọi là "Pi Network".

Các chuyên gia cảnh báo tiền ảo Pi là lừa đảo.

Các chuyên gia cảnh báo tiền ảo Pi là lừa đảo.

Theo quảng cáo, người dùng chỉ cần cài đặt ứng dụng trên điện thoại, đăng nhập và "điểm danh" sau mỗi 24h, đã có thể thu về những con số với đơn vị là Pi. Vì độ khó thuật toán thấp nên Pi được khai thác trên điện thoại. Sau cài đặt phần mềm trên điện thoại, tốc độ “đào” Pi Coin mặc định sẽ là 0,12 Pi/h. Để tăng tốc độ, người dùng sẽ phải tiến hành PV KYC (xác thực danh tính cá nhân với các thông tin như số điện thoại, email, ảnh chụp passport…) và giới thiệu thêm thành viên.

Pi cũng được nhà phát triển nền tảng tặng cho cộng đồng giống như Bitcoin cách đây 10 năm. Các thành viên của nhóm Pi Network tại Việt Nam cho biết, đồng tiền này sẽ được niêm yết trên các sàn giao dịch quốc tế và khi đó, giá trị của nó sẽ tăng đến hàng trăm thậm chí hàng chục nghìn USD. Khi đó, Pi sẽ là đồng tiền điện tử thế hệ mới, thay thế Bitcoin.

Hiện các đồng tiền ảo này được tải khá nhiều trên Play Store cũng như App Store và đến nay đã thu hút được khoảng 13 triệu người dùng. Thậm chí đã có một số thành viên khoe nhau việc giao dịch Pi để đổi lấy tài sản lớn như nhà, xe hơi. Những giao dịch này chỉ là các trao đổi ngang hàng, tự phát vì Pi chưa hề được định giá hay lên sàn.

Theo TS. Đặng Minh Tuấn, chuyên gia Blockchain đang làm việc tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Pi Network thiếu tính minh bạch của một dự án về blockchain. "Nguyên tắc bất di bất dịch của blockchain là tính minh bạch. Pi Network có ứng dụng trên di động và các máy chủ xử lý thực tế, vậy tại sao không mở mã nguồn để cộng đồng xem xét mà phải đóng?", ông Tuấn nghi ngờ.

Ông Tuấn cho rằng đồng tiền Pi có nhiều vấn đề vì người dùng Pi có tài khoản, nhưng không có địa chỉ ví và khóa bí mật, như vậy, sau này sẽ không thể chuyển tiền hay tiêu được. Tiền chỉ được lưu trên điện thoại hoặc server tập trung, người quản trị có thể thay đổi và tạo ra bao nhiêu tiền tùy theo ý muốn. "Khi đó, đồng tiền cũng không còn giá trị gì. Sau khi tìm hiểu, cài app, đọc white paper thì có thể nói có rất nhiều dấu hiệu là một dự án scam, lừa đảo”, ông Tuấn nói.

Phân tích lợi hại khi tham gia vào Pi, TS Đặng Minh Tuấn cho rằng, cái chắc chắn mà người tham gia sẽ mất đó là thông tin cá nhân (họ tên, số điện thoại hoặc facebook ID..., thông tin xác thực eKYC), mất thời gian, mất tài nguyên của điện thoại và có thể mất thêm thông tin khác trong máy (vì app yêu cầu nhiều quyền can thiệp vào máy), mất công sức để lôi kéo người khác vào cái gọi là "vòng tròn tin tưởng" khá giống đa cấp.

“Đổi lại, cái được sẽ là ước mơ sẽ giàu lên vào một ngày nào đó (biết đâu đấy). Nhưng tôi thì không tin”, ông Tuấn khẳng định và ví những người tham gia vào Pi giống như hàng ngày đi nhặt sỏi đá về nhà và có thể ước mơ đến ngày nào đó biết đâu đấy thế giới sẽ công nhận sỏi đá đó có giá trị như vàng, “nhưng hãy cân nhắc những được mất tôi phân tích ở trên”, ông Tuấn cảnh báo.

Trở lại với kênh đầu tư tiền ảo nói chung, cho đến nay, vẫn còn nhiều ý kiến chưa đồng thuận về giá trị thực và khả năng phát triển trong tương lai của tiền ảo. Ngay những tỷ phú giàu nhất thế giới như Bill Gates cũng nghi ngờ về giá trị đồng tiền Bitcoin và cho rằng nó là phát minh thừa thãi. Và chỉ sau phát biểu này, cùng với băn khoăn của tỷ phú Elon Musk cho rằng, đồng Bitcoin đang có giá “hơi cao, Bitcoin đã lao dốc từ đỉnh cao xuống, mất hơn 10 nghìn USD/coin, dù trước đó, đồng tiền số này tăng giá vì vị tỷ phú giàu nhất thế giới này “ôm” 1,5 tỷ USD.

Điều này cho thấy sự tăng giá của tiền ảo đang phụ thuộc nhiều vào kỳ vọng, vào niềm tin, thậm chí là chỉ nhận xét của một “cá mập”. Thực tế trong 12 năm ra đời đến nay, Bitcoin đã nhiều lần cho thấy tính rủi ro cực lớn đối với nhà đầu tư khi đổ tiền vào: từ việc lao dốc không phanh cho đến sập sàn không thể giao dịch, mất toàn bộ tài khoản…

Đặc biệt, ở Việt Nam, tiền ảo chưa được pháp luật thừa nhận. Do đó, nếu người dân tham gia vào mua bán tiền ảo trên mạng, sẽ rất dễ trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo. Người tham giao dịch, thanh toán tiền điện tử nếu gặp rủi ro hoặc xảy ra tranh chấp sẽ không được pháp luật bảo vệ, thậm chí còn liên đới chịu trách nhiệm khi giao dịch với tội phạm. “Việc sở hữu, tham gia mua bán, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác như một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ”, Ngân hàng Nhà nước khẳng định.

Nguồn: [Link nguồn]

Tiền ảo Bitcoin bất ngờ tăng ”sốc” x3 trong 8 tháng, nhưng... coi chừng ”cá mập”

Các chuyên gia khuyến cáo, không có điều gì đảm bảo tính pháp lý cho các đồng tiền ảo, nên việc làm giá của “cá mập”...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà An ([Tên nguồn])
Tiền điện tử Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN