Cách xem vật thể “có thể tấn công Trái đất” lướt ngang trời sáng 12-6
Vật thể 1994 XD, có đường kính khoảng 370-830 m và thuộc nhóm "có khả năng gây nguy hiểm".
Đó là một tiểu hành tinh đôi, bao gồm tảng đá không gian khổng lồ nói trên và một vật thể nhỏ gọn chuyển động quanh nó.
Theo Live Science, nó đang trên đường tiến tới một cú áp sát Trái đất, nhưng may mắn là chỉ lướt qua một cách an toàn với khoảng cách 3,1 triệu km.
Dù vậy, đây vẫn là một tiểu hành tinh được xếp vào nhóm vật thể có khả năng gây nguy hiểm.
1994 XD xuất hiện trong dữ liệu quan sát hồi cuối tháng 5 - Ảnh: DỰ ÁN KÍNH VIỄN VỌNG ẢO
Bất kỳ vật thể nào có đường kính 140 m và bay quanh địa cầu trong phạm vi 4,65 triệu km đều được xếp vào "nhóm nguy hiểm" này, cho dù chúng tạm có quỹ đạo an toàn. Bởi lẽ bất kỳ tác động bất ngờ nào cũng có thể thay đổi quỹ đạo của vật thể và đưa đến khả năng va chạm.
Các cơ quan vũ trụ hàng đầu thế giới luôn quan sát cẩn thận các vật thể này, thậm chí chuẩn bị các sứ mệnh phòng thủ hành tinh, mà nổi bật nhất là tàu cảm tử DART của NASA trong thí nghiệm đâm vào một tiểu hành tinh năm 2022 nhằm thay đổi quỹ đạo của nó.
Trở lại với 1994 XD, chưa có nghiên cứu nào chỉ ra khả năng va chạm trong tương lai gần của nó, tuy nhiên các nhà khoa học vẫn không ngừng theo dõi nó trong những lần bay gần Trái đất. Cú tiếp cận đầu tiên của nó mà chúng ta biết được là năm 1994.
Cú tiếp cận an toàn lần này đem thêm cơ hội vàng cho các nhà khoa học tìm hiểu thêm về nó. Bạn có thể chứng kiến lần tiếp cận này thông qua Dự án Kính viễn vọng ảo, một chương trình hợp tác quốc tế giúp mọi người có thể xem trực tuyến dữ liệu quan sát bằng kính thiên văn.
Xem phát sóng tại đây, bắt đầu vào lúc 20 giờ 50 phút tối 11-6 theo giờ miền Đông nước Mỹ, tương đương 8 giờ 50 phút sáng 12-6 giờ Việt Nam.
Một "chòm sao" nhân tạo với tầm nhìn cực xa vào không gian sâu được Cơ quan Quản lý vũ trụ quốc gia Trung Quốc (CNSA) kỳ vọng mở ra cánh cửa đi ngược về thời điểm...
Nguồn: [Link nguồn]