Cách nhận biết smartphone đã bị nhiễm virus
Smartphone đang ngày càng trở nên phổ biến hơn bao giờ hết, chính vì vậy những thiết bị này luôn là miếng mồi béo bở của tội phạm mạng. Làm thế nào để nhận biết smartphone đã bị nhiễm virus?
Nếu smartphone hoạt động chậm, nhanh hết pin, chất lượng cuộc gọi kém, tiền điện thoại bị trừ không rõ lý do, tiền cước 3/4G tăng đột biến... là những dấu hiệu cho thấy thiết bị có thể đã bị nhiễm virus hoặc phần mềm độc hại.
1. Ứng dụng thường xuyên bị treo
Bạn đang chơi game, xem phim hoặc mở ứng dụng, đột nhiên điện thoại bị treo. Nếu việc này xảy ra thường xuyên, bạn nên bắt đầu nghi ngờ vì virus thường làm xáo trộn các hoạt động trên thiết bị. Do đó, hãy đảm bảo bạn đã cập nhật cơ sở dữ liệu mới nhất cho trình chống virus trên smartphone.
2. Cước 3/4G tăng đột biến
Dấu hiệu đầu tiên cho thấy điện thoại của bạn bị nhiễm virus là dữ liệu 3/4G nhanh hết. Điều này cũng không có gì khó hiểu khi phần mềm độc hại sẽ liên tục chạy ngầm và kết nối Internet. Nếu không sử dụng gói dữ liệu (data plan) không giới hạn dung lượng, người dùng sẽ phải đối mặt với hóa đơn tiền điện thoại "khủng" mỗi tháng.
3. Xuất hiện quảng cáo tràn lan
Rất nhiều trang web có chứa quảng cáo kiểu bung ra (pop-up) để giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, bài viết liên quan... Tuy nhiên, nếu thấy các cửa sổ pop-up xuất hiện ở khắp mọi nơi, đặt biệt với các sản phẩm hay dịch vụ có vẻ đáng ngờ, người dùng nên kiểm tra ngay điện thoại. Lưu ý, không nhấp vào các pop-up quảng cáo dù đó là gì.
Để hạn chế tình trạng trên, bạn hãy vô hiệu hóa tính năng hiển thị pop-up trên trình duyệt Chrome bằng cách mở ứng dụng, bấm vào biểu tượng menu ở góc trên bên phải và chọn Settings (cài đặt) > Site settings (cài đặt trang web) > Pop-ups và vô hiệu hóa tùy chọn Pop-ups.
Nếu đang sử dụng trình duyệt Firefox, bạn cần phải cài đặt thêm tiện ích uBlock tại https://mzl.la/2KTw593. Tiện ích được cung cấp hoàn toàn miễn phí, giúp người dùng ngăn chặn quảng cáo độc hại, pop-up phiền phức, tạo các quy tắc quản lý đối với nhiều trang web khác nhau…
4. Các khoản chi phí không rõ ràng
Quảng cáo pop-up và việc ứng dụng bị treo thường xuyên là những thứ rất phiền toái. Tuy nhiên, có một thứ còn nghiêm trọng hơn đó là các khoản chi phí bất thường phát sinh trong tài khoản điện thoại. Dấu hiệu này thường xuất hiện phổ biến với những người dùng Android bởi phần mềm độc hại sẽ âm thầm gửi tin nhắn SMS đến các đầu số tính phí.
Ngoài ra vẫn còn rất nhiều cách mà nhà mạng sử dụng để “âm thầm” đăng ký dịch vụ dùm khách hàng, đơn cử như gửi tin nhắn hoặc gọi điện mời dùng thử các dịch vụ như nhạc chờ, thông báo cuộc gọi nhỡ, chuyển vùng quốc tế… Khi không có nhu cầu, bạn cần phải soạn tin nhắn hủy theo cú pháp được gửi kèm, nếu không dịch vụ sẽ tự động gia hạn khi hết thời gian dùng thử và trừ tiền đều đặn mà không cần có sự đồng ý từ phía người dùng.
Để mọi thứ có thể khách quan và “minh bạch” hơn, bạn hãy cài đặt ứng dụng Whypay tại địa chỉ https://whypay.vn/ (tương thích các thiết bị Android và iOS). Khi hoàn tất, người dùng chỉ cần lựa chọn nhà mạng tương ứng và gói cước đang sử dụng. Tại giao diện chính, bạn hãy chạm vào mục Quét các D.V trừ ngầm > Kiểm tra dịch vụ VAS (giá trị gia tăng) và gửi tin nhắn theo cú pháp được soạn sẵn. Khi có kết quả, người dùng chỉ cần nhắn tin hủy bớt các dịch vụ không cần thiết để tránh bị mất tiền oan uổng.
5. Xuất hiện các ứng dụng lạ
Đúng như tên gọi, Trojan (chương trình độc hại ngụy trang) trông không khác gì những ứng dụng thông thường. Chúng được ngụy trang rất tinh vi dưới vỏ bọc của các ứng dụng phổ biến để tránh bị phát hiện. Nếu bạn thấy một ứng dụng trông rất quen nhưng bạn không biết mình có cài đặt nó hay không, hãy xóa nó ngay lập tức.
6. Pin tụt nhanh
Tất cả hoạt động kể trên đều làm tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Điện thoại không chỉ sử dụng dữ liệu di động nhiều hơn mà còn nhanh hết pin hơn. Dấu hiệu nhận biết cuối cùng chính là việc smartphone nhanh hết pin so với bình thường. Để hạn chế tình trạng trên, bạn hãy truy cập vào Settings (cài đặt) > Apps (ứng dụng) và kiểm tra các ứng dụng đáng ngờ, sau đó nhấn Uninstall để gỡ bỏ.
Về cơ bản, các triệu chứng trên iPhone và Android khác nhau nhưng cách xử lý thì gần như tương tự. Để hạn chế, người dùng cần chủ động trong việc bảo mật dữ liệu, tránh cài đặt các ứng dụng bên ngoài Google Play hoặc App Store.
Nhìn chung, trên đây chỉ là một số dấu hiệu cơ bản để nhận biết smartphone đã bị nhiễm phần mềm độc hại. Tất nhiên, không phải tất cả thiết bị đều có dấu hiệu giống nhau, do đó người dùng cần phải thực sự cẩn trọng khi cài đặt ứng dụng và hạn chế truy cập vào các trang web bậy bạ.
Có nhiều tổ chức độc lập chuyên kiểm nghiệm các phần mềm bảo mật, trong đó có NSS Labs.