Các tổ chức tài chính và chứng khoán Trung Quốc đề xuất giới hạn NFT
3 tổ chức đại diện cho ngành chứng khoán, ngân hàng và tài chính Internet Trung Quốc đã ra tuyên bố về sử dụng NFT trong ngành, với nhiều giới hạn ngăn ngừa rủi ro.
Hiệp hội Chứng khoán Trung Quốc (SAC), Hiệp hội Tài chính Internet Trung Quốc (NIFA) và Hiệp hội Ngân hàng Trung Quốc (CBA) đã ra tuyên bố chính thức về giới hạn sử dụng NFT. Theo tuyên bố này, NFT sẽ không được sử dụng cho mục đích chứng khoán hóa hay được mua bán bằng tiền mã hóa.
Tuyên bố chung của 3 tổ chức cho rằng vấn đề chính của NFT là rủi ro tài chính nó mang lại và cảnh báo về nguy cơ thổi giá, rửa tiền và nhiều hoạt động tài chính bất hợp pháp khác liên quan đến NFT.
Tuy nhiên, 3 tổ chức này cũng thừa nhận lợi ích NFT có thể mang lại cho nền kinh tế số và kinh tế sáng tạo của Trung Quốc, chẳng hạn như việc cho phép nghệ sĩ nắm giữ tốt hơn quyền kiểm soát tác phẩm của mình.
Để giảm thiểu rủi ro tài chính từ NFT và tận dụng lợi ích từ công nghệ đứng sau hình thức sở hữu này, SAC, NIFA và CBA đã đề xuất một bộ quy tắc cho ngành tài chính. Theo đó, tài sản đứng sau NFT không nên bao gồm trái phiếu, bảo hiểm, chứng khoán, kim loại quý và các tài sản tài chính khác.
Các nền tảng cũng không nên cung cấp dịch vụ giao dịch tập trung NFT và cần có quá trình xác minh nhân thân và ghi lại giao dịch kỹ càng nhằm ngăn ngừa rửa tiền.
Bên cạnh đó, NFT không được phép giao dịch bằng tiền mã hóa, và tính không thể thay thế - điểm chính yếu của NFT - không được phép suy yếu với mục đích gián tiếp tạo điều kiện cho hoạt động chào bán tiền mã hóa lần đầu (initial coin offering, ICO). Các tổ chức và thực thể tài chính cũng không được phép hỗ trợ tài chính trực tiếp hoặc gián tiếp cho các khoản đầu tư NFT.
Trước đó, Trung Quốc đã cấm chào ICO, giao dịch và đào tiền mã hóa. Việc loại bỏ khả năng sử dụng NFT trong các giao dịch tài chính sẽ tiếp tục đưa Trung Quốc rời xa làn sóng tiền mã hóa và NFT tại nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Dù vậy, chính phủ Trung Quốc vẫn xem công nghệ blockchain là một hạ tầng then chốt nhằm xây dựng nền kinh tế số. Các tập đoàn công nghệ lớn như Bilibili, Tencent và Alibaba đều đã xây dựng blockchain được cấp phép tách riêng khỏi mạng Ethereum, trong đó người dùng có thể tạo và bán tác phẩm của mình.
Giao dịch trên các blockchain này chỉ được thực hiện bằng đồng NDT; người tham gia cũng không cho phép bán lại trên các sàn giao dịch khác như OpenSea. Các tập đoàn Trung Quốc cũng sử dụng tên gọi “vật phẩm sưu tầm kỹ thuật số” nhằm tách biệt với thuật ngữ NFT được sử dụng trong giới tiền mã hóa.
Nguồn: [Link nguồn]
CEO của YouTube Susan Wojcicki cho biết trang web này sẽ mở rộng theo hướng giúp các nhà sáng tạo nội dung kiếm tiền từ những công nghệ mới như NFT.