Các mạng xã hội cố tình gây nghiện cho người sử dụng

Theo thông tin từ nhiều cựu nhân viên tại thung lũng Silicon, các mạng xã hội đang tính toán kỹ lưỡng việc thu hút người dùng cho các sản phẩm của mình nhằm nâng cao lợi nhuận kinh tế.

Các mạng xã hội cố tình gây nghiện cho người sử dụng - 1

(Nguồn: Internet)

Theo Aza Raskin, cựu nhân viên của Mozilla và Jawbone, "điều đó giống như họ tạo ra một loại cocaine hành vi và tung ra trên khắp giao diện các mạng xã hội, khiến cho bạn phải quay lại liên tục. Đằng sau mỗi khung hình di động, có tới hàng nghìn kỹ sư đang tập trung nghiên cứu cách thức gây nghiện nhiều nhất". Vào năm 2006, chính Raskin, một kỹ sư công nghệ hàng đầu đã thiết kế hiệu ứng infinite scroll, một trong những tính năng được các app triển khai nhiều nhất. Vào lúc đó, kỹ sư này đang làm việc cho Humanized, một công ty tư vấn giao diện người dùng máy tính.

Infinite scroll cho phép người dùng kéo xuống các nội dung vô tận mà không cần click chuột. Nếu bạn không để thời gian cho não suy nghĩ, bạn sẽ tiếp tục kéo xuống nội dung tiếp theo. Theo tác giả tính năng này sẽ thôi thúc người dùng nhìn vào điện thoại nhiều hơn cần thiết. Raskin bày tỏ sự dằn vặt khi đã tạo ra một ứng dụng với mục đích ban đầu không phải gây nghiện cho người sử dụng. Nhưng nhiều lập trình viên hay thiết kế bị dồn vào thế phải tạo ra các tính năng ứng dụng gây nghiện bởi mô hình kinh doanh của những công ty lớn họ đang phục vụ. "Để vượt qua được vòng hút vốn đầu tư tiếp theo, cũng như nâng giá cổ phiếu, thời gian người dùng dành cho ứng dụng của bạn cũng phải tăng", theo Raskin, "chính áp lực từ những con số đó khiến cho bạn phải nỗ lực tìm kiếm các phương thức mới để giữ chân khách hàng".

Một cựu nhân viên của Facebook cũng chia sẻ quan điểm tương tự, "Mạng xã hội gần giống một chiếc máy đánh bạc". Sandy Parakilas đã rời công ty cũ vào năm 2012 và luôn cố gắng không sử dụng mạng xã hội này từ đó. "Tôi đã cảm giác giống như tôi phải cai nghiện thuốc lá vậy". Các đồng nghiệp của Parakilas cũng nhận biết được sự nguy hiểm từ thói quan dùng mạng xã hội như anh. Facebook tuyên bố các sản phẩm của mình được phát triển với mục đích đem mọi người gần hơn với bạn bè, gia đình và những thứ họ quan tâm và khẳng định họ không hề muốn đưa yếu tố gây nghiện vào quá trình đó.

Một trong những khía cạnh cám dỗ của mạng xã hội đối với người dùng chính là "like" - yêu thích thể hiện bằng dấu hiệu ngón tay màu xanh, trái tim hay lần chia sẻ. Leah Pearlman, đồng sáng tạo ra nút Like của Facebook, cho biết bản thân bà dần trở nên nghiện mạng xã hội này khi tự mình phát hiện ra mức độ đánh giá bản thân dựa trên số lượng like mà bà nhận được. Hầu hết các cảm xúc và trạng thái tâm lý đều được giải quyết bằng việc lướt Facebook hay cắm mặt vào điện thoại, như sự xác thực, trạng thái cô đơn, hay không an toàn. Nhân viên này cũng khẳng định mình đã gặp khó khăn khi ngừng sử dụng Facebook sau khi rời khỏi công ty này.

Nhiều nghiên cứu cho thấy có mối liên hệ giữa việc sử dụng quá nhiều mạng xã hội và bệnh trầm cảm, sự cô đơn và một số bệnh lý thần kinh khác. Tại Anh, thanh thiếu niên dành trung bình 18 tiếng một tuần cho điện thoại, chủ yếu để sử dụng mạng xã hội. Bà Pearlman tin tưởng rằng những người đã nhận ra nhiều vấn đề của mạng xã hội nên xem xét việc ngừng sử dụng các ứng dụng nói trên.

Trong khi đó, Sean Parker, cái tên gắn liền với Facebook với tư cách chủ tịch, đã tuyên bố mạng xã hội này đang tìm cách tiêu tốn thời gian của người dùng càng nhiều càng tốt, theo cách gọi là "tận dụng một phần nhạy cảm trong tâm lý học con người". "Các nhà sáng lập hoàn toàn thấu hiểu điều này và chúng tôi đã quyết định theo hướng như vậy". Còn quản lý cấp cao Ime Archibong của Facebook cho biết: "Chúng tôi đang làm việc với các bên thứ ba về các hành vi tạo thành thói quen, trên cả nền tảng của chúng tôi hay mạng Internet nói chung, nhằm tìm ra các nhân tố có thể đem lại nguy hại cho con người. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ củng cố và đầu tư nhằm đảm bảo sự an toàn cho người dùng".

Có một số báo cáo cho biết Facebook đang nghiên cứu các tính năng cho phép người dùng nhìn thấy lượng thời gian họ đã sử dụng ứng dụng này trong vòng 7 ngày gần nhất và đặt giới hạn thời gian sử dụng. Các mạng xã hội khác, Twitter từ chối đưa ra bình luận về vấn đề này, còn Snapchat phủ nhận việc họ sử dụng các mẹo đánh lừa thị giác để đạt được tần suất sử dụng thường xuyên.

Coi chừng mất Facebook vì bộ gõ Unikey giả

Việc dùng bộ gõ giả mạo có thể khiến thiết bị bị dính virus, malware, keylooger… dẫn đến việc mất thông tin tài khoản...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo A.M/BBC ([Tên nguồn])
Mạng xã hội Facebook Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN