Các lục địa ở một hành tinh khác “có mối liên hệ với Trái Đất"
Các nhà khoa học Úc cho biết họ đã "thực sự bối rối" vì điều vừa tìm thấy ở hành tinh được NASA cho là từng rất giống Trái Đất.
"Nghiên cứu này thách thức hiểu biết của chúng ta về cách các hành tinh tiến hóa" - nhà khoa học địa chất Fabio Capitanio của Đại học Monash (Úc) nói với Live Science.
Khu vực Ishtar Terra của hành tinh gần Trái Đất nhất, nơi các nhà khoa học tìm thấy điều gây bối rối - Ảnh: NASA
Các kết quả nghiên cứu vừa được TS Capitanio và các cộng sự công bố trên tạp chí khoa học Nature Geoscience cho biết các khối đá cổ nhất của Sao Kim có thể được hình thành thông qua các quá trình rất giống với quá trình tạo ra các lục địa đầu tiên của Trái Đất.
"Chúng tôi không ngờ rằng sao Kim, với nhiệt độ bề mặt thiêu đốt 460 °C và không có kiến tạo mảng, lại sở hữu các đặc điểm địa chất phức tạp như vậy" - TS Capitanio tiếp lời.
Vỏ Trái Đất của chúng ta khá phức tạp so với các hành tinh khác. Nó không liền mạch mà bị tách thành nhiều mảnh, gọi là mảng kiến tạo.
Các mảnh vỏ này nằm lỏng lẻo trên bề mặt, có thể cọ xát vào nhau, trượt xuống bên dưới nhau, cõng theo các mảng lục địa và đại dương bên trên liên tục dịch chuyển.
Đó là lý do các lục địa và đại dương trong lịch sử địa cầu đã nhiều lần thay hình đổi dạng, hợp thành siêu lục địa - siêu đại dương rồi lại tan rã.
Các phần lâu đời nhất của lớp vỏ lục địa Trái Đất là các vùng được gọi là "nền cổ", tức những vùng mà đá già, đặc và cứng hơn trong các mảng kiến tạo cõng lục địa.
Tổng cộng có khoảng 35 nền cổ được xác định trên khắp địa cầu và các nhà khoa học tin rằng chúng là những gì được hình thành đầu tiên của các lục địa, là phần bên trong nóng chảy của Trái Đất sơ khai được đẩy lên trong liên đại Hỏa Thành hàng tỉ năm trước.
Các nền cổ này khi đó giống như các hạt giống của lục địa. Vật liệu sâu này khi tìm lên mặt đất sẽ cứng lại và giúp các vật liệu khác của lục địa có chỗ bám vào, dần phát triển.
Lần này, các nhà khoa học Úc đã sử dụng bộ dữ liệu thú vị của tàu Magellan của NASA, vốn từng sử dụng đầu dò radar để lập bản đồ chi tiết bề mặt hành tinh.
Họ đã tập trung vào một vùng tesserae được gọi là Ishtar Terra, cao nguyên lớn nhất trên Sao Kim. Tesserae có nghĩa là "gạch khảm" trong tiếng Latin, chỉ các mảng địa chất phức tạp bất thường như được khảm vào lớp vỏ khá đơn điệu của hành tinh.
Kết quả cho thấy tesserae của Sao Kim đã được hình thành y hệt cách mà nền cổ ra đời trên Trái Đất.
Ảnh đồ họa mô tả Ishtar Terra dưới góc nhìn 3D - Ảnh: ESO
Theo các tác giả, phát hiện này cung cấp một góc nhìn mới hấp dẫn về Sao Kim và những mối liên hệ tiềm tàng của nó với Trái Đất thời kỳ đầu, ủng hộ giả thuyết rằng hai hành tinh đã được hình thành như một cặp song sinh sẵn sàng để chứa sự sống.
Quả thực, cùng với Trái Đất và Sao Hỏa, Sao Kim cũng nằm trong vùng sự sống Goldilocks của hệ Mặt Trời.
Các bằng chứng mới cho thấy nó có thể bắt đầu "cuộc đời" giống Trái Đất một cách hoàn hảo, sẵn sàng để có các lục địa và có thể là quá trình kiến tạo mảng phức tạp.
Nhiều nghiên cứu trước đó cũng cho thấy hiệu ứng nhà kính khắc nghiệt và vòng quay cực chậm khiến môi trường trở nên khó sống chỉ xảy ra khi Sao Kim đã ở một độ tuổi nào đó.
Lý do nó biến thành người anh em song sinh "ác quỷ" của địa cầu, còn là bí ẩn.
Các nhà khoa học đề xuất sử dụng AI và laser để liên lạc với người ngoài hành tinh.
Nguồn: [Link nguồn]