Các chuyên gia nói gì về những khó khăn khi học online?
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhiều trường học tại TP.HCM đã phải chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến, điều này đã vô tình tạo ra một số thách thức mới đối với phụ huynh và cả ngành giáo dục.
Học online trong mùa dịch, khó khăn đủ đường
Theo khảo sát gần đây của Kaspersky, 55% trẻ em trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương phải chuyển sang hình thức học trực tuyến vì dịch bệnh. Báo cáo cho thấy 74% trẻ không thích nghi được với việc học trực tuyến vì phải dành quá nhiều thời gian trước màn hình. 57% học sinh thấy bài giảng khó hiểu hơn so với việc học trên lớp trên lớp.
Ngồi quá nhiều trước các thiết bị điện tử sẽ có hại cho mắt, não và các bộ phận khác của cơ thể. Bên cạnh đó, tâm lý của trẻ cũng sẽ không ổn định, dễ cáu gắt, giảm khả năng tập trung và trí nhớ.
Mới đây, Sở GDĐT TP.HCM phối hợp với Sở KHCN TP.HCM, Công viên phần mềm Quang Trung, Trung tâm hỗ trợ tư vấn Chuyển đổi số TP.HCM và STEAMZONE tổ chức buổi hội thảo “Chuẩn bị tâm thế cho trẻ học trực tuyến sẵn sàng bước vào năm học mới” nhằm hướng dẫn phụ huynh hỗ trợ con học trực tuyến hiệu quả hơn, và các phương pháp cải thiện chất lượng giảng dạy cho thầy cô.
Ông Lê Duy Tân - Trưởng phòng Phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho biết, bậc tiểu học có hơn 31.247 học sinh (từ lớp 1 đến lớp 5) không có điều kiện học trên Internet. Trong khi đó con số này ở bậc THCS (từ lớp 6 đến lớp 9) và THPT (từ lớp 10 đến lớp 12) lần lượt là 26.355 và 15.037 học sinh.
Ngoài ra, TP.HCM vẫn còn hơn 8.000 học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 không thể học online trong thời gian này vì nhiều lý do, đơn cử như đang là F0 hoặc đang điều trị ở bệnh viện, gia đình đông anh em nhưng chỉ có 1 máy tính hoặc 1 điện thoại thông minh, thiết bị hư chưa sửa chữa được do giãn cách…
TP.HCM đã ban hành phương án dạy học trực tuyến có thể đến hết học kì I. Đây có thể được xem là giải pháp tối ưu trong bối cảnh hiện nay, bởi vì các địa phương không thể chờ đợi đến khi khống chế hết dịch bệnh mới dạy và học trực tiếp.
Ngoài những vấn đề khó khăn hiện hữu, ông Hà Duy Bình - Giám đốc Công ty Cổ phần Mạng Trực Tuyến Việt Sin (VsionGlobal), Chuyên gia nghiên cứu công nghệ giáo dục cũng khuyến cáo phụ huynh không nên cài đặt các phần mềm lạ, không trả lời email hoặc nhấp chuột vào các liên kết không rõ nguồn gốc.
Những giải pháp giúp trẻ có thêm hứng thú khi học online
Để các buổi học online luôn được suôn sẻ và tạo hứng thú cho trẻ, bà Nguyễn Thị Phương Hoa - Giám đốc Trung tâm đào tạo ngắn hạn, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, Chuyên gia tư vấn giáo dục cho biết: "Phụ huynh phải dành thời gian nghiên cứu chương trình và bài học của con, nếu được, lên mạng chọn thêm những hình ảnh và các clip để minh họa tốt hơn cho con có hứng thú trong học tập, nhất định phải cùng con học tập cho đến khi việc học trực tuyến của con vào nề nếp".
Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần kết nối chặt chẽ với giáo viên (đặc biệt là học sinh lớp 1) để có cách giúp con học tập tốt nhất.
Để tạo cảm hứng cho học sinh, thầy cô nên giảm thời gian thuyết trình, tăng cường cách thức tương tác với học sinh, sử dụng nhiều hình ảnh trực quan sinh động để mô tả, mô phỏng nội dung học, đồng thời nhắc lại những nội dung trọng tâm cho mỗi lần lên lớp.
Ông Nguyễn Thanh Hải - Tiến sĩ chuyên về giáo dục STEM - Viện nghiên cứu giáo dục STEM, Đại học Missouri (Mỹ) cho rằng chúng ta đang đứng trước cơ hội để thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục, thời gian đầu chắc chắn có nhiều khó khăn cho mọi người, nhưng về lâu dài mọi người sẽ thích nghi và triển khai dễ dàng hơn. Ai thích nghi nhanh thì cơ hội thành công trong tương lai sẽ cao hơn.
Nguồn: [Link nguồn]
Nguyên nhân laptop phát nổ thường thấy là do người dùng chủ quan, sử dụng máy trong lúc đang cắm sạc.