Bùng nổ tội phạm công nghệ trong đại dịch Covid-19
Tội phạm công nghệ cao đã lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 để lừa đảo khắp toàn cầu trong năm 2021, bao gồm cả nhiều thủ đoạn tinh vi ở Việt Nam
Cảnh sát Ấn Độ năm 2021 đã triệt phá một đường dây lừa đảo qua điện thoại tại khu ngoại ô Malad West của TP Mumbai. Nhà báo Jayesh Dubey, người đã theo dõi tổ chức này và báo tin cho cảnh sát, cho hay: "Cùng trong một tòa nhà mà đã có đến 6-7 văn phòng được bọn lừa đảo sử dụng và có khoảng 50 - 70 đối tượng ngồi trong cùng một phòng gọi điện liên tục. Chỉ một buổi tối, chúng có thể kiếm từ 70.000 đến 80.000 USD".
"Chiêu bài" mà các đối tượng này thường lừa nạn nhân đưa tiền để "cò mồi" là tìm giúp máy thở và bình khí oxy. Trong bối cảnh Ấn Độ thiếu hụt thiết bị y tế nghiêm trọng dẫn đến tình trạng 2-3 người phải thở chung một máy, không ít bệnh nhân và thân nhân của họ đã mắc bẫy bọn lừa đảo. Thậm chí, một số trường hợp cả tin còn mất cả thông tin lẫn số tài khoản cá nhân.
Ngoài lừa đảo người trong nước, các đối tượng ở Ấn Độ còn gọi điện ra nước ngoài để thực hiện hành vi bất lương. Mục tiêu của chúng không đơn giản là tiền mà còn cả thông tin cá nhân.
Tội phạm công nghệ sử dụng mạng xã hội quảng bá các sản phẩm mạo nhận có khả năng phòng ngừa và chữa trị Covid-19. (Ảnh NCSC)
Người dân Ấn Độ khốn khổ vì Covid-19, còn những kẻ lợi dụng dịch bệnh để lừa đảo lại giàu to. (Ảnh CAND)
Theo điều tra của cảnh sát Mumbai, ổ nhóm lừa đảo qua điện thoại đã tập hợp được một danh sách đến hơn 3.000 người ở Mỹ, Canada, Anh và Úc. Thực chất, ngoài tên, tuổi và điện thoại, bọn chúng còn lấy được các thông tin cá nhân quan trọng như địa chỉ, số căn cước công dân, số an sinh xã hội…
Trong bối cảnh các hoạt động hành chính, tài chính chủ yếu được thực hiện qua mạng nhằm phòng chống đại dịch, có được những thông tin nói trên cũng giống như "đào trúng mỏ vàng".
Chỉ riêng trong quý II/2021, Bộ Tư pháp Mỹ đã nhận được gần 589.000 khiếu nại về việc bị đánh cắp thông tin cá nhân. Trong đó, 73% số vụ sử dụng thông tin đánh cắp để mua nợ tiền hàng. Khoảng 18% số vụ đã trục lợi tiền hỗ trợ của nhà nước. Ước tính, các nạn nhân bị mất 545,3 triệu USD.
Chính quyền bang Los Angeles năm 2021 cũng đã bắt giữ và đưa ra xét xử nhóm lừa đảo do Richard Ayvazyan (42 tuổi) cầm đầu. Richard đã mua thông tin cá nhân của người dân sống tại Los Angeles, từ các đối tượng lừa đảo ở Ấn Độ và Philipine. Sau đó, nhóm lừa đảo mạo danh những "khổ chủ" gửi yêu cầu được nhận tiền hỗ trợ đại dịch hoặc rút tiền trong ngân hàng dưới danh nghĩa chủ tài khoản.
Nhóm của Richard Ayvazyan đã lừa được tổng cộng 18 triệu USD. Số tiền này được chúng dùng để mua biệt thự ven biển, vàng bạc, đá quý, quần áo hàng hiệu và một chiếc xe máy hiệu Harley-Davidson.
Tại Việt Nam, trong 2 năm qua cũng có nhiều vụ lừa đảo nhắm trực tiếp vào người dùng internet, đặc biệt là với những người dùng các dịch vụ tài chính, bảo hiểm...
Ghi nhận từ hệ thống Viettel Cyber Security cho thấy số lượng tên miền lừa đảo trong năm 2021 tăng hơn nhiều so với các năm trước, trung bình khoảng 600 - 700 tên miền mỗi quý. Như vậy, trung bình mỗi ngày có 5 - 10 website lừa đảo ra đời, nhắm vào người dùng internet tại Việt Nam.
Theo đại diện Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), từ khi đợt dịch Covid-19 thứ tư bùng phát tại Việt Nam, lừa đảo trực tuyến tăng rất mạnh. Có tháng, NCSC đã xử lý hàng ngàn website liên quan đến lừa đảo, giả mạo các dịch vụ trực tuyến của ngân hàng, sàn thương mại điện tử...
Làm gì để tránh bẫy lừa đảo?
Chúng ta có thể bảo vệ bản thân, người thân và doanh nghiệp của mình khỏi các bẫy lừa đảo liên quan đến dịch Covid-19 bằng nhiều cách. Cách tốt nhất là gia tăng nhận thức của mọi người về cách thức lừa đảo của tội phạm.
Cảnh giác với các thư điện tử lừa đảo, mạo nhận chuyên gia để chia sẻ thông tin quan trọng về Covid-19. Không nhấp vào các liên kết hoặc tệp tin đính kèm khi không rõ nguồn gốc hoặc không xác minh được người gửi.
Khi nhận thư điện tử có nội dung liên quan đến Covid-19, cần kiểm tra những dấu hiệu đáng ngờ của địa chỉ hộp thư, như lỗi chính tả hoặc ký hiệu bất thường. Tội phạm lừa đảo thường dùng địa chỉ hộp thư gần giống với địa chỉ của các tổ chức mà chúng mạo danh.
Cẩn trọng với các website bán hàng trực tuyến sử dụng các phương thức thanh toán phi truyền thống như thông qua ví điện tử, thẻ quà tặng hoặc tiền ảo.
Kiểm tra lai lịch của các tổ chức từ thiện hoặc các chiến dịch gây quỹ cộng đồng. Cảnh giác với các tổ chức doanh nghiệp, tổ chức từ thiện hoặc cá nhân kêu gọi quyên góp bằng tiền mặt, chuyển khoản hoặc các kênh bất thường khác.
Thiết lập các thủ tục kiểm soát về công nghệ. Bảo đảm thường xuyên cập nhật các chương trình diệt vi-rút và mã độc trong thiết bị điện tử. Không cài đặt các phần mềm miễn phí do các phần mềm này có thể có chứa mã độc.
Luôn truy cập mạng qua đường truyền băng thông rộng hoặc từ các cổng Wi-Fi bảo mật.
Không sử dụng các trang web chia sẻ dữ liệu, trừ trường hợp đặc biệt được chấp thuận theo chính sách nội bộ của công ty.
Thiết lập các thủ tục kiểm soát để phát hiện và ứng phó với sự cố. Không bỏ qua bất kỳ sự cố hoặc vi phạm nào vì các sự cố nhỏ có thể là dấu hiệu của những vấn đề nghiêm trọng.
Trong trường hợp phát sinh sự cố tấn công mạng, thực hiện ứng phó và điều tra nguyên nhân sự cố nhằm ngăn chặn các sự cố tương tự có thể xảy ra.
Người dân cần nâng cao cảnh giác, đề phòng trước các thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao để tự bảo vệ mình. Nếu nghi ngờ lừa đảo, hãy phối hợp với cơ quan chức năng, gửi đường link đến địa chỉ canhbao.ncsc.gov.vn.
Dùng ảnh có tỉ lệ và kích thước phù hợp sẽ giúp trang Facebook đẹp hơn.
Nguồn: [Link nguồn]