Bực mình cuộc gọi quấy nhiễu
Sau khi tin nhắn rác bị siết thì việc thực hiện các chiến dịch quảng bá, tiếp thị chuyển sang gọi điện trực tiếp.
Sau thời gian nỗ lực ngăn chặn của các cơ quan chức năng, lượng tin nhắn rác (TNR) giảm đáng kể thì các cuộc gọi rác (CGR) chào mời người dùng mua sản phẩm, căn hộ, sử dụng dịch vụ... lại tăng lên gây rất nhiều phiền toái cho người dùng. Các chuyên gia và người dùng mong muốn các cơ quan chức năng cần phải mạnh tay xử lý ngay từ chính các tổ chức, doanh nghiệp (DN) thực hiện các CGR.
Bị chào mời, chèo kéo
Anh Trần Thanh Phong (quận Tân Bình, TP HCM) cho biết: “Ngày nào tôi cũng nhận vài cuộc gọi chào mời mua căn hộ chung cư, đất nền rồi đến mời tập gym, mua vé du lịch, đặt phòng khách sạn, mua bảo hiểm... Nhiều lúc tôi đang họp thì nhận những cuộc gọi kiểu này rất phiền toái. Tôi đã chặn các số gọi trên nhưng vẫn liên tục nhận nhiều cuộc gọi từ nhiều số khác, có ngày tôi phải nhận vài ba cuộc gọi chào mời mua sản phẩm từ một công ty. Nhiều lúc bực mình tôi đã to tiếng nhưng họ vẫn gọi “dai như đỉa”. Nhiều bạn đọc chia sẻ trên Facebook gần đây TNR giảm xuống thì phải nhận nhiều CGR. Chặn cuộc gọi này trên máy cá nhân rất khó vì họ liên tục đổi sim, “chuyền tay” số điện thoại của “nạn nhân” để tiếp tục gọi.
Người dùng vẫn tiếp tục bị quấy nhiễu từ những cuộc gọi rác Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Ông Nguyễn Khoa Hồng Thành, Phó Giám đốc Công ty Emerald Digital Marketing, cho biết: “Nhiều cá nhân, DN lấy lý do thực hiện hoạt động tiếp thị, quảng bá sản phẩm, thương hiệu nên không ngại làm phiền. Ở các nước, muốn thực hiện marketing qua tin nhắn, cuộc gọi phải có sự đồng ý của người dùng mới được thực hiện, nếu không sẽ bị xử phạt rất nặng trong khi ở nước ta thì chưa có biện pháp xử lý triệt để”.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, cho biết: “Hiện pháp luật đã có các quy định, chế tài để ngăn chặn TNR. Chính phủ đã ban hành Nghị định 90/2008/NĐ-CP về chống thư rác đã được sửa đổi và bổ sung bởi Nghị định 77/2012/NĐ-CP để điều chỉnh vấn đề này. Tuy nhiên, tôi cho rằng mức xử phạt tại các nghị định này còn tương đối nhẹ, chưa đủ sức răn đe, không tương xứng với lợi ích bất hợp pháp mà cá nhân, tổ chức vi phạm đạt được do thực hiện hành vi gửi, phát tán TNR, CGR”. Cũng theo luật sư Hậu, Nghị định 90/2008/NĐ-CP và Nghị định 77/2012/NĐ-CP cũng chưa có quy định điều chỉnh, biện pháp cụ thể để kiểm soát, xử lý vi phạm đối với các cá nhân không đăng ký hoạt động quảng cáo. Cụ thể là chưa quy định một cá nhân trong ngày chỉ được gửi tối đa bao nhiêu tin nhắn, số lần gửi tin nhắn, gửi cho bao nhiêu người.
Phải xử lý từ gốc
Chuyên gia an ninh mạng Lê Thành Nhân cho biết: “Luật chưa có các quy định cụ thể về việc tiếp thị theo phương thức spam qua điện thoại. Khi người dùng phản ứng thì nhiều DN “chống chế”, đổ thừa do các công ty làm marketing bên ngoài hay các bên thứ ba thực hiện chứ không thừa nhận lỗi về mình. Bên cạnh đó, tiếng nói của các hiệp hội bảo vệ người dùng còn quá yếu nên vấn nạn này vẫn tiếp tục tồn tại”.
Luật sư Hậu cho rằng trong thời gian tới, cần tăng mức chế tài xử lý các hành vi vi phạm đối với CGR; mức chế tài phải được thiết chế sao cho tương xứng hoặc nhiều hơn mức lợi bất hợp pháp mà tổ chức, cá nhân vi phạm để tránh tình trạng coi thường pháp luật. Cũng cần quy định rõ hơn về trách nhiệm của nhà mạng, của cơ quan chuyên ngành về thông tin và truyền thông. Bên cạnh các giải pháp kỹ thuật, việc ngăn chặn CGR cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, quy định xử lý hành vi chuyển giao thông tin của người tiêu dùng một cách bất hợp pháp. Các nhà mạng phải có cơ chế quản lý cơ sở dữ liệu thông tin cá nhân của khách hàng, không để cơ sở dữ liệu này bị lợi dụng một cách bất hợp pháp.
Tại hội nghị giao ban quản lý nhà nước quý I/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông diễn ra mới đây, Cục Viễn thông cho biết sau một thời gian siết chặt các biện pháp quản lý, đặc biệt là việc thu hồi sim kích hoạt sẵn trên hệ thống của các nhà mạng, lượng TNR gửi đến người dùng đã giảm mạnh, phần lớn chỉ còn tin nhắn thông báo từ các đầu số chính thức của DN, nhãn hàng. Tuy nhiên, các CGR lại gia tăng, có ngày người dùng nhận tới cả chục cuộc gọi mời mua bất động sản của cùng một dự án. Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu Cục Viễn thông tiếp tục tăng cường xử lý; tổ chức các cuộc làm việc với DN quảng cáo, DN bất động sản để xử lý hiệu quả.
Sim kích hoạt sẵn vẫn còn tràn lan Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết qua thống kê, kết xuất dữ liệu cho thấy tháng 1-2017, Viettel có 434.246 sim kích hoạt, đăng ký thông tin thuê bao trả trước sai quy định, VinaPhone có 235.124 sim và MobiFone có 38.964 sim. Trong tháng 1-2017, Viettel, VinaPhone, MobiFone đã phát hiện 5.203 tài khoản của hàng ngàn đại lý sim thẻ đăng ký, kích hoạt sim sai, vi phạm quy định về đăng ký thông tin, kích hoạt thuê bao trả trước. Theo cam kết với Bộ Thông tin và Truyền thông, 3 nhà mạng này phải cắt hợp đồng với các đại lý này. Sim kích hoạt sẵn được xem là nguồn cơn của TNR, CGR. |