Boeing lại gặp khó trong cuộc đua đưa người vào vũ trụ với công ty của tỷ phú Elon Musk
Trong nỗ lực bám đuổi SpaceX của tỷ phú Elon Musk, Boeing dự định lần thứ hai phóng tàu vũ trụ Starliner lên quỹ đạo để kết nối với trạm quốc tế (ISS) vào đêm nay. Nhưng có vẻ như Boeing vẫn chưa hết lận đận khi chuyến bay này lại bị “delay”.
Tàu vũ trụ không người lái Starliner dự kiến được tên lửa Atlas V đưa lên quỹ đạo từ bãi phóng Cape Canaveral (Florida, Mỹ) lúc 00h20 ngày 4/8 theo giờ Việt Nam. Nhưng đến đêm qua, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) đã ra thông báo lùi thời điểm phóng của Starliner lại.
Nguyên nhân được NASA giải thích là “phát sinh vấn đề về vị trí của các valve ở hệ thống lực đẩy”. Ngoài ra, NASA còn cho biết có một cơn bão từ xuất hiện ở khu vực phóng. Tuy nhiên, cơ quan này cũng hy vọng sự cố sẽ được giải quyết để Starliner có thể khởi hành vào ngày mai (5/8).
TàuStarliner và tên lửa đẩy Atlas V đã sẵn sàng trên bệ phóng nhưng buộc phải dời ngày khởi hành vì lỗi kỹ thuật.
Đây là lần thứ hai Boeing phải thay đổi kế hoạch phóng tàu trong chuyến bay thử nghiệm thứ hai của Starliner. Trước đó, Boeing định đưa con tàu trị giá 410 triệu USD này lên quỹ đạo vào ngày 30/7 năm nay nhưng lịch khởi hành sau đó phải hoãn lại vì thời tiết không đủ an toàn.
Trong khi đó, ở lần phóng thử thứ nhất năm 2019, tàu Starliner cũng không thể "cập bến" trạm ISS do lỗi phần mềm và các vấn đề thông tin liên lạc nên phải trở lại trái đất sớm hơn dự kiến. NASA sau đó phát hiện tới 80 lỗi kỹ thuật của Starliner và Boeing đã rất nỗ lực khắc phục để con tàu có thể cất cánh trở lại.
Phi hành gia Bob Behnken (áo sẫm) di chuyển từ tàu Crew Dragon của SpaceX vào trạm vũ trụ quốc tế (ISS) hồi tháng 5/2020.
Theo tính toán, nếu chuyến bay thứ hai này của Starliner thành công, Boeing sẽ tiến hành chuyến thứ ba có người lái vào năm 2022. Hiện đã có danh sách "hành khách" trong lần tới. Đó là các phi hành gia Sunita Williams, Josh Cassada và Jeannette Epps cùng nhà thám hiểm vũ trụ người Nhật Bản, Koichi Wakata.
Tàu Starliner được Boeing phát triển nhằm phục vụ Chương trình chở người thương mại (CCP) của NASA. Theo chương trình này, NASA đặt hàng hai tập đoàn là Boeing và SpaceX chế tạo những con tàu vận chuyển người và hàng hóa lên vũ trụ nhằm chấm dứt việc phụ thuộc vào tàu Soyuz của Nga.
Boeing lại gặp khó trong cuộc đua đưa người vào vũ trụ với công ty của tỷ phú Elon Musk.
Nhưng trong cuộc đua với SpaceX, Boeing đang bị đối thủ dẫn trước quá xa. Công ty của tỷ phú Elon Musk sớm hoành thành chuyến bay đầu tiên đưa người lên vũ trụ từ năm ngoái. Tháng 5/2020, tàu Crew Dragon của SpaceX đã kết nối thành công với ISS và đưa 2 phi hành gia NASA là Bob Behnken và Doug Hurley lên trạm vũ trụ này.
Từ đó đến nay, SpaceX đã tiến hành thêm 2 chuyến bay đưa tổng cộng 8 phi hành gia lên trạm ISS (mỗi chuyến 4 người). Ngược lại, Boeing cho đến lúc này vẫn loay hoay với những vấn đề kỹ thuật của Starliner. Với tốc độ triển khai hiện tại của Boeing, xem ra họ sẽ còn bị SpaceX bỏ xa hơn nữa trên đường đua chiếm lĩnh không gian.
Tuyến Karman ở độ cao 100.000m được xem là ranh giới giữa Trái Đất và không gian - nơi có môi trường không trọng lực.
Nguồn: [Link nguồn]