Bộ TT&TT yêu cầu nhà mạng dỡ bỏ ngay các rào cản về chuyển mạng giữ số
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ đạo các nhà mạng cần ngay lập tức dỡ bỏ các rào cản về chuyển mạng giữ số để đến tháng 3/2019 tỉ lệ chuyển mạng thành công phải đạt 90%.
Theo thông tin trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong tháng 1/2019, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã tham gia đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ dự Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ. Bộ trưởng đã ký kết 02 thỏa thuận hợp tác về Cách mạng công nghiệp 4.0 với Diễn đàn Kinh tế thế giới Việt Nam là nước đầu tiên ký thỏa thuận với Diễn đàn Kinh tế thế giới về hợp tác xây dựng Trung tâm liên kết (Affiliate Center) về Cách mạng công nghiệp 4.0. Ngay sau khi ký thỏa thuận Đối tác Chính phủ, Việt Nam sẽ cùng Diễn đàn kinh tế thế giới hợp tác trong dự án Mobile Money.
Cũng trong tháng 1, Bộ đã tổ chức thành công Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, nhiều thành viên của Chính phủ và gần 700 đại biểu. Trong khuôn khổ của Hội nghị còn có Triển lãm công nghệ số với chủ đề “Make in Viet Nam” có sự tham gia của các doanh nghiệp công nghệ, công nghiệp ICT Việt Nam giới thiệu các sản phẩm về công nghệ cao (AI, IoT, an toàn an ninh mạng…).
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Bộ cũng đã cấp phép triển khai thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông 5G có giá trị trong vòng 01 năm cho Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel; Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông triển khai dịch vụ chuyển mạng thông tin di động giữ nguyên số thuê bao.
Ngoài ra, Bộ đã ban hành theo thẩm quyền Chỉ thị về định hướng phát triển ngành TT&TT năm 2019; Chỉ thị về tăng cường phòng chống mã độc và bảo vệ thông tin cá nhân trên không gian mạng; Quyết định ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.
Cũng tại Hội nghị, đại diện Cục Viễn thông, Cục An toàn thông tin, Vụ Quản lý doanh nghiệp… đã trực tiếp trả lời khoảng 20 kiến nghị của các doanh nghiệp, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực viễn thông và CNTT liên quan đến chuyển mạng giữ số, cấp phép thanh toán không dùng tiền mặt, dùng tài khoản viễn thông thanh toán dịch vụ nội dung, thử nghiệm 5G, an toàn thông tin…
Liên quan đến chuyển mạng giữ số, Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, tính đến ngày 12/2/2019, tỷ lệ thành công của các thuê bao khi chuyển mạng giữ số của các nhà mạng Viettel, VNPT và Mobifone lần lượt là: 84,2%, 68% và 23,2%, trong đó Mobifone là nhà mạng có tỉ lệ chuyển mạng thành công thấp nhất.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ đạo các nhà mạng cần ngay lập tức dỡ bỏ các rào cản về chuyển mạng giữ số để đến tháng 3/2019 tỉ lệ chuyển mạng thành công phải đạt 90%.
Đại diện cho các doanh nghiệp nội dung số, ông Nguyễn Thế Tân, Tổng Giám đốc VCCorp kiến nghị: Khi Bộ dự thảo xây dựng các văn bản pháp luật, nên mời các doanh nghiệp trong ngành và những doanh nghiệp có liên quan dể doanh nghiệp được cùng tham góp ý kiến. Bộ cũng nên thường xuyên tổ chức các hội nghị chuyên đề trong lĩnh vực nội dung số hay an ninh mạng có sự tham gia của các doanh nghiệp cốt lõi và các doanh nghiệp khác trong từng lĩnh vực để lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp, giải quyết các vấn đề doanh nghiệp đang vướng mắc khó khăn. Đồng thời, đại diện VCCorp cũng đề nghị Bộ TT&TT làm việc với Bộ Tài chính về việc giảm thuế thu nhập cá nhân cho những nhân lực hoạt động về công nghệ cao tại các doanh nghiệp công nghệ. Nhà nước đã có chủ trương về vấn đề này nhưng chưa có những văn bản hướng dẫn cụ thể nên chính sách chưa được triển khai trong thực tế.
Trả lời kiến nghị của VCCorp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, Bộ đã ra quy chế từ nay trở đi, trong tất cả các văn bản pháp luật do Bộ soạn thảo ban hành đều sẽ tham vấn ý kiến của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp, các hiệp hội cần chủ động thành lập bộ phận nghiên cứu chính sách để có thể tích cực đóng góp khi Bộ mời tham vấn.
Bộ trưởng hoàn toàn nhất trí với đề xuất tổ chức các hội nghị chuyên đề trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ và chỉ đạo các Cục, Vụ liên quan (Cục Viễn thông, Cục An toàn thông tin, Vụ CNTT) định kỳ tổ chức hai lần hội nghị chuyên đề một năm trong các lĩnh vực mình quản lý. Các doanh nghiệp cũng cần chủ động, tích cực đề xuất các vấn đề sẽ được bàn thảo tại các hội nghị để những hội nghị này thực sự hiệu quả, đem lại lợi ích cho cả cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT khẳng định, năm 2019 là một năm tốt cho Việt Nam. Vận nước đang lên, hào khí đang lên. Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều sẽ tổ chức tại Việt Nam sẽ thu hút hơn 3.000 phóng viên quốc tế đến Việt Nam đưa tin. Đây là cơ hội thuận lợi để báo chí quốc tế đưa các thông tin về hoạt động phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Đây cũng là cơ hội cho Việt Nam quảng bá hình ảnh của mình ra cộng đồng quốc tế.
Bộ trưởng nhắc lại lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo ngành TT&TT năm 2019 cần phải tốt hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2018.
Về lĩnh vực Viễn thông, Bộ trưởng nhận định trong tháng 1, các doanh nghiệp viễn thông đã tăng trưởng tốt trong bối cảnh thị trường viễn thông đã bão hòa. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho biết, trong năm 2019 Bộ sẽ rất mạnh tay để chấn chỉnh SIM rác. Tình hình SIM rác phải cơ bản được giải quyết trong 6 tháng đầu năm 2019. Chủ tịch, Tổng Giám đốc các công ty di động phải chịu trách nhiệm cá nhân trước Chính phủ và Bộ trưởng Bộ TT&TT về nạn SIM rác, Bộ trưởng quyết liệt chỉ đạo.
Ngành viễn thông cũng cần nghiên cứu thành lập hiệp hội các doanh nghiệp viễn thông. Các lĩnh vực khác như an toàn thông tin, phần mềm đều đã có hiệp hội trong khi ngành viễn thông với các doanh nghiệp lớn lại chưa có, Bộ trưởng nêu vấn đề.
Trong lĩnh vực ICT, Bộ sẽ cố gắng ban hành sớm Đề án chuyển đổi số quốc gia trong nửa đầu năm 2019 nhằm tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp ICT. Trong 5 năm tới, cần đặt ra mục tiêu có 100 nghìn doanh nghiệp ICT so với con số 50 nghìn doanh nghiệp hiện nay, Bộ trưởng mong muốn.
Về an toàn thông tin, trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng yêu cầu năm 2019 phải bảo đảm an toàn thông tin cho các cơ quan Đảng, Nhà nước; Cục ATTT trong tháng 2 phải trình lên Thủ tướng dự thảo Chỉ thị về việc các cơ quan Đảng, Nhà nước đều phải có một công ty hỗ trợ việc đảm bảo ATTT.
Trong lĩnh vực báo chí, Bộ trưởng nhấn mạnh sứ mạng của báo chí là phải thể hiện dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận, niềm tin xã hội và khát vọng Việt Nam hùng cường. Một đất nước muốn vươn lên thì sức mạnh chính là sức mạnh tinh thần. Báo chí phải tạo ra sức mạnh tinh thần đó. Dù là đưa tin tiêu cực hay tích cực thì vẫn phải với mục tiêu khích lệ Việt Nam, làm cho Việt Nam mạnh lên, ổn định, chứ không phải làm xói mòn sức mạnh của đất nước.
Năm 2019 cũng là năm Cục PTTH-TTĐT có nhiều nhiệm vụ nặng nề: Đó là thực thi luật pháp Việt Nam đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, Bộ trưởng chỉ đạo.
Quy hoạch báo chí sẽ được ký ban hành trong tháng 2 năm nay và cơ bản sẽ được hoàn thành trong năm 2019 nhưng trong quá trình triển khai cần lưu ý đến quyền lợi của người lao động, Bộ trưởng lưu ý.
Ngoài ra, cần xây dựng KPI cho từng lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, triển khai hoạt động thi đua khen thưởng nhằm tôn vinh các đơn vị, doanh nghiệp trong từng lĩnh vực.
Về hoạt động hợp tác quốc tế, ngành TT&TT Việt Nam cần phấn đấu hướng tới vai trò dẫn dắt, đi đầu trong khối ASEAN trong lĩnh vực 5G, sáng kiến một giá cước cho toàn khối ASEAN, trở thành trung tâm về ATTT…
Vụ Hợp tác quốc tế cần đóng vai trò chủ động hơn trong việc thu hút các doanh nghiệp công nghệ lớn, các công ty liên doanh, trung tâm nghiên cứu của quốc tế về Việt Nam, Bộ trưởng chỉ đạo.
Bộ Thông tin và Truyền thông đang xem xét đề xuất của các nhà mạng về việc điều chỉnh mức trần khuyến mại cho thuê...