Bộ TT&TT đề nghị thành lập tổ công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 đến tận phường, xã
Nếu chúng ta có thể thành lập được các tổ công nghệ cộng đồng đến tận phường, xã để hỗ trợ triển khai với sự tham gia của lực lượng thanh niên, của các doanh nghiệp thì sẽ rất hiệu quả.
Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến "Phổ biến kinh nghiệm triển khai các nền tảng công nghệ phòng, chống dịch COVID-19" trên phạm vi toàn quốc. Trong đó, Bộ TT&TT đề nghị thành lập Tổ Công nghệ cộng đồng phòng, chống dịch COVID-19 đến tận phường, xã để phát huy vai trò của công nghệ.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại hội nghị.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng nhận định, công nghệ là để phục vụ cuộc sống, là để giải quyết các vấn đề của xã hội. Vấn đề lớn nhất và ngay lập tức của đất nước hiện nay là đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 trên toàn quốc. Với sức lây lan nhanh của chủng Delta, chắc chắn công nghệ là công cụ không thể thiếu nếu chúng ta muốn chống dịch hiệu quả.
"Bộ Y tế, Bộ TT&TT đã thống nhất, đồng lòng, cùng triển khai Trung tâm công nghệ quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. Vì vậy, ở địa phương, đề nghị Sở Y tế, Sở TT&TT nhanh chóng tham mưu, đề xuất với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh nhanh chóng phân công một lãnh đạo tỉnh trực tiếp chỉ đạo triển khai công nghệ, thành lập tổ công nghệ do Sở Y tế, Sở TT&TT đồng chủ trì", thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nói.
Đặc biệt, theo ông Dũng, nếu chúng ta có thể thành lập được các tổ công nghệ cộng đồng đến tận phường, xã để hỗ trợ triển khai với sự tham gia của lực lượng thanh niên, của các doanh nghiệp thì sẽ rất hiệu quả.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ TT&TT cho rằng, công nghệ không bao giờ là lời giải duy nhất. "Tự thân nó, công nghệ không thể giải quyết vấn đề. Công nghệ phải kết hợp với các biện pháp quản lý hành chính, biện pháp nghiệp vụ khác mới trở thành một giải pháp trọn vẹn", ông nhấn mạnh.
Ngoài ra, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đề nghị công nghệ phải có sự bắt buộc, phải có sự triển khai thống nhất trên toàn quốc. Đây là sự khác biệt cơ bản giữa thời bình và thời chiến. Ở thời bình, chúng ta có thể triển khai theo cách đa dạng ứng dụng, theo hướng liên thông dữ liệu. Nhưng ở thời chiến, chúng ta bắt buộc phải triển khai một số nền tảng thống nhất trên toàn quốc.
Giải thích cho đề nghị này, ông nói: "Vì dịch bệnh là toàn quốc, người dân ở TP.HCM có thể di chuyển đến Bình Dương hoặc ngược lại, nên chúng ta phải có dữ liệu toàn quốc. Và vì dịch bệnh diễn biến rất nhanh, không có thời gian cho chúng ta ngồi lại để bàn bạc chuyện liên thông".
"Những nỗ lực triển khai công nghệ của chúng ta sẽ không bao giờ là uổng phí. Chúng ta hãy mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong việc dùng công nghệ để phòng, chống dịch bệnh. Sau khi dịch bệnh qua đi, kỹ năng số và dữ liệu số sẽ vẫn còn đó, để chúng ta thực hiện chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số vì một tương lai tốt đẹp hơn", ông Dũng chia sẻ thêm.
Liên quan tới những đề nghị như trên của lãnh đạo Bộ TT&TT, hiện đã có nhiều tỉnh, thành phố thành lập Tổ Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 cấp tỉnh. Chẳng hạn tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Tổ Công nghệ vừa được thành lập với 14 thành viên, do ông Lê Văn Tuấn - Giám đốc Sở TT&TT tỉnh này làm tổ trưởng.
Nguồn: [Link nguồn]
Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ TT&TT được giao nhiệm vụ phải nằm trong tổ công tác đặc biệt, ứng trực 24/7 như...