Bộ GTVT: Các địa phương sẽ quyết định việc dừng hay tiếp tục thí điểm xe hợp đồng kiểu Grab, Uber
Trước kiến nghị của Hiệp hội taxi Hà Nội về việc đề nghị dừng khẩn cấp kế hoạch thí điểm các xe hợp đồng điện tử kiểu Grab, Uber, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho rằng vấn đề này các địa phương sẽ xem xét quyết định dừng hay tiếp tục.
Các dịch vụ của Grab, Uber đang phát triển mạnh tại Việt Nam
Trao đổi với báo giới về quan điểm của Bộ Giao thông Vận tải trước đơn kiến nghị của Hiệp hội taxi Hà Nội đề nghị dừng khẩn cấp kế hoạch thí điểm các xe hợp đồng điện tử kiểu Grab, Uber do những bất an gây ra cho xã hội, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2017, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông nêu rõ: Loại hình vận tải có sử dụng công nghệ quản lý vận tải, kết nối đã phổ biến ở Việt Nam từ vài năm nay.
“Chúng ta đã quen dùng Uber, Grab taxi, nhưng thực tế hiện có 10 hãng áp dụng công nghệ kết nối, không chỉ bằng điện thoại mà còn trên hiều nền tảng công nghệ khác, mang lại thuận lợi cho người sử dụng”, ông Nguyễn Ngọc Đông nói.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, về thẩm quyền, Thủ tướng đã cho thí điểm và đang triển khai tại các đô thị. Theo Luật Giao thông đường bộ, UBND các tỉnh, thành phố quản lý giao thông trên địa bàn, gồm phát triển hạ tầng giao thông, tổ chức quản lý giao thông, trong đó có cả quản lý quy hoạch giao thông (quy hoạch phát triển hạ tầng, quy hoạch lượng xe, tổ chức các loại hình vận tải…).
Tất cả các yếu tố này phải được xác định từ quy hoạch phát triển hạ tầng, từ mức độ phát triển hạ tầng hiện hữu…, số lượng sẽ được xác định thông qua quy hoạch. Việc kiểm soát số lượng phương tiện theo loại hình nào là thẩm quyền của các địa phương.
“Đây là kiến nghị của hiệp hội vận tải, địa phương sẽ xem xét, tuỳ theo điều kiện hạ tầng giao thông cụ thể của các địa phương, có thể quyết định dừng hay tiếp tục cấp phép trên cơ sở đáp ứng được nhu cầu của người dân, phù hợp với điều kiện phát triển hạ tầng của địa phương”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh.
Chiếc xe taxi của hãng Thanh Nga dán decal in dòng chữ: "Chúng tôi phản đối kế hoạch thí điểm Quyết định 24 của Bộ GTVT có nhiều sai phạm. Yêu cầu dừng ngay việc cấp phù hiệu xe thí điểm vì phá vỡ quy hoạch, gây ùn tắc giao thông". Ảnh: Nguyên Đức.
Trước đó, hôm 26/9/2017, Hiệp hội taxi Hà Nội đã có đơn kiến nghị gửi Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội… đề nghị dừng khẩn cấp kế hoạch thí điểm các xe hợp đồng điện tử kiểu Grab hay Uber do những bất an gây ra cho xã hội.
Đơn kiến nghị do Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội Đỗ Quốc Bình ký nêu rõ, với 44.000 xe hoạt động tại Hà Nội và 36.000 chiếc tại TP.HCM, tổng lượng xe taxi và xe hoạt động như taxi dưới hình thức xe hợp đồng điện tử đã vượt xa so với quy hoạch.
Hiệp hội taxi Hà Nội yêu cầu báo cáo các sai phạm của chương trình thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng được Bộ Giao thông Vận tải ban hành bằng Quyết định 24 ngày 7/1/2016.
Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng Quyết định 24 đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sai trái của Uber và Grab, do đó phải dừng khẩn cấp Kế hoạch thí điểm trong tháng 9/2017, tiến hành tổng kết đánh giá ngay các hệ lụy của kế hoạch thí điểm được cho là đang gây ra nhiều bất an cho xã hội.
Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải phải ban hành ngay văn bản để các địa phương dừng cấp phù hiệu các xe tham gia thí điểm chứ không phải việc dừng mở rộng các doanh nghiệp tham gia thí điểm.
Cũng theo Hiệp hội taxi Hà Nội, bản chất của Uber, Grab là kinh doanh dịch vụ phần mềm tham gia hoạt động vận tải là loại hình kinh doanh có điều kiện (xe dưới 9 chỗ hoạt động như taxi). Do đó Uber, Grab phải thành lập công ty tại Việt Nam, có giấy phép cung cấp dịch vụ hoạt động vận tải và tuân thủ các điều kiện kinh doanh vận tải tại Việt Nam.
Phải đặt máy chủ tại Việt Nam, sử dụng tên miền Internet của Việt Nam, dữ liệu phải được kết nối với hệ thống giám sát của Bộ Giao thông Vận tải. Định kỳ các công ty công nghệ phải truyền tải thông tin tự động theo chuẩn về Tổng cục Đường bộ và Sở Giao thông Vận tải nơi quản lý để phân tích dữ liệu tập trung.
Ngoài ra, trước khi có quy định quản lý chính thức để quản loại hình kinh doanh này, cơ quan quản lý cần ban hành quy định cụ thể về kích thước, màu sắc, vị trí dán logo... của các xe thí điểm đảm bảo rõ ràng, dễ nhận biết…
Đề án thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử trong loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng chính thức được Chính phủ đồng ý cho phép triển khai từ tháng 1/2016 và áp dụng với tất cả các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng đối với xe dưới 9 chỗ, các đơn vị cung cấp dịch vụ ứng dụng khoa học công nghệ (hợp đồng điện tử) phối hợp với đơn vị vận tải.
Không chỉ có Grab, Uber mà còn có nhiều đơn vị khác tham gia cung ứng dịch vụ tương tự như Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (V.CAR), Công ty Cổ phần Vận tải 57 Hà Nội (Thanh Cong Car), Công ty Cổ phần Sun Taxi (S.CAR), Công ty Cổ phần Phát triển Thương mại và Du lịch quốc tế Ngôi Sao (VIC car), Công ty Cổ phần Hợp tác đầu tư và Phát triển (Home Car), Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh (M.car), Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại và dịch Linh Trang (taxi Long Biên; LB.car).
Hiệp hội taxi Hà Nội vừa có đơn kiến nghị gửi Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc...