Bitcoin sẽ tiếp tục bùng nổ trong năm 2018
Năm 2018, Bitcoin sẽ còn tiếp tục “bùng nổ”, mang lại nhiều lợi nhuận khổng lồ, song cũng chứa không ít rủi ro, mạo hiểm.
Sự trồi sụt của Bitcoin tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao cho nhà đầu tư.
Theo báo cáo “Blockchain và tương lai nghề kế toán” vừa được Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) công bố cuối năm 2017, có 4 nền tảng ứng dụng công nghệ blockchain đang được sử dụng phổ biến trong kinh doanh - thương mại là Bitcoin, giao dịch ngân hàng, kế toán - kiểm toán và hợp đồng thông minh. Điểm chung của các ứng dụng này là hoạt động dựa trên nền tảng blockchain với sự tin tưởng mà không cần bên trung gian, bảo mật cao và có thể giám sát được các giao dịch từ bên trong hệ thống mạng lưới kết nối.
Bitcoin - cơn sốt hay là “bong bóng”?
Kể từ khi có làn sóng bitcoin vào năm 2014 với giá hơn 1.000 USD/ Bitcoin, đến cuối năm 2017, giới đầu tư và tài chính mới được chứng kiến sự “trỗi dậy” của đồng tiền kỹ thuật số này khi giá trị không ngừng tăng lên tới 20.000 USD.
Các chuyên gia dự kiến năm 2018 Bitcoin sẽ còn tiếp tục “bùng nổ”, mang lại nhiều lợi nhuận khổng lồ, song cũng chứa không ít rủi ro, mạo hiểm.
Ông Trần Hữu Đức, Giám đốc FPT Ventures kiêm giám đốc VIISA, Chủ nhiệm CLB Fintech Việt Nam nhận định Bitcoin có thể coi là cách mạng thời công nghệ, có thể truyền được giá trị từ người này sang người kia. Đó là điểm quan trọng nhất của Bitcoin dưới nền tảng ứng dụng công nghệ blockchain.
Bitcoin được coi là sản phẩm đầu tiên của công nghệ mang tên blockchain. Ông Dominik Weil, đồng sáng lập Bitcoin VN khẳng định, Bitcoin là một mạng ngang hàng để chuyển giá trị giữa người này với người kia.
Bitcoin cũng giống các công cụ đầu tư khác, một hình thức tài sản mới, được mọi người mua vào khi xuống giá và bán ra khi lên giá. Chính bởi vậy việc định giá đồng bitcoin và dự đoán tương lai của đồng tiền này là rất khó.
Rất nhiều chuyên gia công nghệ tài chính đã đặt ra dự đoán về giá trị của đồng Bitcoin trong tương lai.
Tuy có nhiều cơ sở để cho rằng bitcoin có thể tăng giá lên 50.000 USD, song người ta đang đặt ra một số lo ngại về sự cạnh tranh của các đồng tiền khác như Ethereum (ETH), Litecoin (LTC)…, hay một số nguy cơ vỡ “bong bóng” bitcoin.
Khả năng trồi sụt của Bitcoin là điều có thể xảy ra bất cứ lúc nào và đến ngày 26/12/2017 vừa rồi, giá đồng Bitcoin đã giảm xuống còn ở mức 11.000 USD/Bitcoin do nhiều nguyên nhân khác nhau. Vì thế, giá trị của đồng Bitcoin hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường và giới đầu tư.
Công nghệ blockchain đảm bảo tính bảo mật cao trong hệ thống.
Blockchain đóng góp không nhỏ trong ngành ngân hàng
Công nghệ blockchain được kỳ vọng mang lại những thay đổi tích cực và đóng góp không nhỏ trong hoạt động tài chính ngân hàng nhờ khả năng thay đổi các quy trình nghiệp vụ truyền thống, giúp đẩy nhanh tốc độ giao dịch, giảm thiểu chi phí vận hành và đảm bảo tính bảo mật cao trong hệ thống.
Nhiều ngân hàng lớn trên thế giới như Morgan Stanley, BNY Mellon, HSBC… đã và đang nghiên cứu áp dụng công nghệ blockchain trong các hoạt động của mình và xu hướng này cũng đang có chiều hướng gia tăng.
Cũng theo báo cáo của ICAEW về “Blockchain và tương lai của nghề kế toán”, nhiều nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực ngân hàng đang hậu thuẫn cho R3 (nhóm phát triển công nghệ tương tự như blockchain cho các hãng tài chính) nghiên cứu việc sử dụng một sổ cái phân phối giống như blockchain cho các cuộc đối chiếu liên ngân hàng và các ứng dụng tài chính khác.
Hiện nay, hàng triệu đô la mỗi năm được chi cho việc điều hòa các sổ cái giữa các ngân hàng, tuy nhiên, nếu có một giải pháp phân phối sổ cái có thể xử lý khối lượng lớn giao dịch giữa các ngân hàng, thì chi phí này sẽ được giảm đáng kể.
Những thay đổi trong hoạt động kế toán, kiểm toán đến từ blockchain
Công nghệ blockchain được kỳ vọng sẽ làm thay đổi mạnh mẽ lĩnh vực kế toán – kiểm toán, giúp hạn chế các sai sót trong hoạt động đối chiếu thông tin, giao dịch phức tạp từ nhiều nguồn khác nhau, đảm bảo minh bạch, thống nhất và bảo mật, sẽ không thể sửa chữa hoặc thay đổi.
Báo cáo “Blokchain và tương lai nghề kế toán” cũng chỉ ra rằng blockchain mở ra cơ hội mới với những tác động tích cực đối với ngành tài chính kế toán, song có nhiều lo ngại sẽ ảnh hưởng tới sự sụt giảm nhân sự trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, sự thật là công nghệ này sẽ chỉ góp phần hỗ trợ cho các kế toán viên làm việc hiệu quả hơn. Điều quan trọng là họ cần hiểu về cách hoạt động của blockchain, làm thế nào để áp dụng và xem xét tác động của công nghệ này đến các doanh nghiệp và khách hàng, từ đó nhanh chóng thích ứng với những thay đổi đặt ra.
Các kế toán viên cũng cần mở rộng kỹ năng và nâng cao hiểu biết về các tính năng và chức năng chính của blockchain.
Ông David Lyford Smith, Giám đốc kỹ thuật ICAEW cho biết: “Để cập nhật những xu hướng công nghệ mới trong ngành tài chính - kế toán, blockchain sẽ được chúng tôi đưa vào giới thiệu trong chương trình giảng dạy của ICAEW cho các kế toán, kiểm toán viên tương lai”.
Blockchain là một công nghệ nền tảng của tương lai, sử dụng trong nhiều ứng dụng thông minh
Nền tảng cho những “hợp đồng thông minh”
Jeff Garzik, một trong những nhà phát triển xây dựng lên blockchain cho rằng, thông thường các chuỗi cung ứng bị cản trở do vấn đề thủ tục giấy tờ, quy trình xin ký duyệt tốn thời gian. Blockchain vô hiệu hóa điều này bằng cách cung cấp một phiên bản kỹ thuật số an toàn, có thể truy cập đến tất cả các hệ thống giao dịch, đồng thời tự động hóa các nhiệm vụ và thanh toán.
Cách dễ hiểu nhất để mô tả hợp đồng thông minh là hình dung công nghệ này như một máy bán nước tự động.
Thông thường người làm hợp đồng phải tìm đến luật sư hay công chứng, trả tiền cho họ và chờ đợi để lấy giấy tờ tài liệu. Với hợp đồng thông minh, bạn chỉ cần thả tiền vào máy bán hàng tự động (nền tảng blockchain) với giá trị tương ứng với món hàng bạn mua và bất cứ thứ gì bạn yêu cầu sẽ được máy trả lại cho bạn sản phẩm bạn cần.
Trên thực tế, hợp đồng thông minh đang có những ảnh hưởng làm thay đổi một số ngành như luật, tín dụng, kế toán, kiểm toán.
Hợp đồng thông minh trên nền tảng blockchain có thể cung cấp cho các ngân hàng nhiều lợi ích trên diện rộng bao gồm giảm thiểu rủi ro, giao dịch đúng thời hạn, bớt trung gian và giảm chi phí.
Công nghệ này có thể kích hoạt giao dịch bằng tiền giấy từ một tài khoản ngân hàng với đầy đủ chức năng như đổi tiền, chuyển khoản được tiến hành tự động khi điều kiện giữa hai bên được đáp ứng, đã được báo cáo với cơ quan thuế và xác minh tuân thủ theo yêu cầu của cơ quan chính quyền.
Như vậy, có thể nói blockchain là một công nghệ nền tảng của tương lai, sử dụng trong nhiều ứng dụng thông minh.
Ông David Lyford-Smith, Giám đốc kỹ thuật ICAEW dự đoán rất có thể blockchain sẽ tạo nên một bước thay đổi cơ bản trong hoạt động thương mại trên thế giới.
Mỗi Bitcoin đã có giá hơn 15.000 USD từ chiều tối 7/12/2017 (giờ Việt Nam).