Bị tấn công, Trái Đất từng "rơi" khỏi hệ Mặt Trời?
Tổ tiên của chúng ta từng phải đối diện với một thời kỳ khốc liệt khi Trái Đất bất ngờ không còn được nhật quyển che chở.
Theo Sci-News, một nghiên cứu mới cho thấy một đám mây lạnh giữa các vì sao đã từng tấn công hệ Mặt Trời và khiến Trái Đất bị "rơi" khỏi vòng tay bảo vệ của ngôi sao mẹ.
Điều đó xảy ra mới khoảng 2 triệu năm trước, hoặc lâu nhất là 3 triệu năm trước, theo tính toán của các nhà khoa học từ Đại học Boston (Anh), Đại học Harvard và Đại học Johns Hopkins (Mỹ).
Trái Đất từng trở thành "kẻ cô độc", không còn được sao mẹ bảo vệ? - Ảnh AI: Anh Thư
Những năm gần đây, một số tàu NASA đã đạt đến bước đột phá là thoát khỏi hệ Mặt Trời, tiến vào không gian của các vì sao, tức thoát khỏi cái gọi là "nhật quyển".
Nhật quyển là một "bong bóng" khổng lồ bao bọc Mặt Trời và các hành tinh của nó, cũng như một số cấu trúc ngoài rìa bao gồm các hành tinh lùn như Sao Diêm Vương và các vật thể ngoài quỹ đạo Sao Hải Vương khác.
Nhật quyển được tạo thành từ plasma và từ trường Mặt Trời, là cái kén nơi mọi vật thể bên trong nhận được sự bảo vệ của ngôi sao mẹ khỏi các bức xạ vũ trụ khắc nghiệt từ bên ngoài.
Sự bảo vệ này kết hợp với sự bảo vệ của từ quyển mà Trái Đất tự có, được là yếu tố cực kỳ quan trọng giúp sự sống phát triển, cũng như các quá trình tiến hóa hành tinh được ổn định, an toàn suốt nhiều năm nay.
Nhưng 2 triệu năm trước, trong vụ tấn công của đám mây lạnh mà các nhà khoa học Anh - Mỹ vừa xác định, Trái Đất đã bị tước bỏ sự bảo vệ của nhật quyển.
Theo bài công bố trên Nature Astronomy, nhóm tác giả sử dụng các mô hình máy tính phức tạp để hình dung vị trí của Mặt Trời 2 triệu năm trước, tình trạng của nhật quyển và những thứ trong đó.
Họ cũng lập bản đồ đường đi của hệ thống Dải mây lạnh cục bộ, một chuỗi các đám mây lớn, dày đặc, rất lạnh, chủ yếu được tạo thành từ các nguyên tử hydro, trôi nổi giữa các vì sao.
Mô phỏng của họ cho thấy một trong những đám mây ở gần cuối dải mây đó, được đặt tên là Đám mây lạnh Local Lynx, có thể đã va chạm với nhật quyển.
Cú va chạm này khiến nhật quyển bị nén lại, thay vì bao bọc rất xa bên ngoài quỹ đạo Sao Diêm Vương thì chỉ còn là một chiếc bong bóng nhỏ xíu bọc lấy khu vực trung tâm.
Rất không may, Trái Đất đã nằm ngoài bán kính của quả bóng nhỏ bé này.
Kết quả này phù hợp với bằng chứng địa chất cho thấy sự gia tăng đồng vị sắt-60 và plutonium-244 trong đại dương, trên Mặt Trăng, tuyết ở Nam Cực và lõi băng trong khoảng thời gian đó.
Các đồng vị đó cho thấy địa cầu bị "tắm" bởi bức xạ khắc nghiệt trong môi trường liên sao, và có thể đã trải qua một kỷ băng hà khắc nghiệt trước khi đám mây đi xa và nhật quyển một lần nữa bao bọc tất cả.
"Local Lynx có thể đã liên tục chặn nhật quyển trong vài trăm năm đến một triệu năm, tùy thuộc vào kích thước của đám mây” - GS Avi Loeb từ Đại học Havard, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.
Chắc chắn sự sống trên Trái Đất gặp khó khăn vào thời điểm đó, bao gồm các loài tổ tiên của chúng ta. Nhưng sự khắc nghiệt này có thể cũng là thứ thúc đẩy tiến hóa.
Hai triệu năm trước là thời gian nhân loại xuất hiện loài Homo erectus, tức "người đứng thẳng", được cho là loài đầu tiên đi bộ thẳng lưng như chúng ta ngày nay và biết sử dụng công cụ, có tổ chức xã hội.
GS Loeb cũng dự đoán sự kiện "rơi" khỏi nhật quyển có thể tái diễn vào khoảng 1 triệu năm tới.
Các nhà khoa học tin rằng cứ 5 ngoại hành tinh quay quanh các ngôi sao khác thì sẽ có một cái giống Trái Đất.
Nguồn: [Link nguồn]