"Bí kíp" để có việc tốt lương cao trong lĩnh vực CNTT
Tấm bằng đại học chỉ là một yếu tố trong rất nhiều yếu tố giúp sinh viên công nghệ mới ra trường có được việc làm tốt, lương cao.
Trong một talkshow về công nghệ vừa được tổ chức tại Trường ĐH Công nghệ thông tin - ĐH Quốc gia TP.HCM với chủ đề “You Can Make It” (Bạn cũng có thể làm được), gần 800 sinh viên đam mê công nghệ đã cùng nhau nghe và chia sẻ những kinh nghiệm học tập, làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT).
Lĩnh vực CNTT cũng có nhiều vị trí cho nữ giới. (Ảnh minh họa: Internet)
Tại sự kiện, 5 diễn giả là các chuyên gia công nghệ thuộc thế hệ cuối 8x đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn giúp họ phát triển sự nghiệp chỉ sau vài năm tốt nghiệp.
"Có rất nhiều sinh viên lo lắng học phần mềm ra trường sẽ “hot” hơn phần cứng, quan niệm này không đúng. Bản thân mình đã từng làm cho công ty sản xuất chip, sau đó chuyển sang làm về hệ thống. Điều quan trọng nhất là khi được giao một công việc khó phải không nóng vội. Có rất nhiều con đường để giải một thuật toán, hãy tìm nhiều cách giải rồi chọn lựa. Sự khác biệt của bạn chính là thái độ làm việc cẩn trọng, tư duy và tầm nhìn", anh Nguyễn Hùng Cường - một lập trình viên cấp cao tại FPT Software chia sẻ.
Chẳng hạn, theo anh Cường, khi thiết lập một hệ thống quản lý bán hàng, nhà phát triển phải tính tới cả yếu tố an toàn, an ninh cho cửa hàng khi có kẻ xấu đột nhập. Lúc đó, chắc chắn giải pháp sẽ được khách hàng, sếp đánh giá cao hơn.
"Khi ngồi trên ghế nhà trường, không nhất thiết bạn phải tham gia quá nhiều dự án; nhưng với mỗi dự án, khi trình bày trước nhà tuyển dụng, bạn phải thể hiện bạn hiểu nó và làm chủ được dự án của mình. Hãy có ước mơ và biến ước mơ đó thành sự thật. Đó là lúc bạn chiến thắng bản thân mình, đó là lúc bạn thành công", anh Cường nói.
Sự kiện thu hút gần 800 sinh viên đam mê công nghệ.
Trước những băn khoăn nên học ngôn ngữ lập trình nào sẽ theo kịp xu hướng, giới nữ có nên theo ngành CNTT hay không, chuyên gia công nghệ Phan Trung Kiên cho rằng, ngoài kiến thức thì kỹ năng mềm cũng rất quan trọng. Trong đó, quan trọng nhất là phải chứng tỏ với nhà tuyển dụng rằng bạn có khả năng chủ động học hỏi.
Theo anh Kiên, hiện tại có rất nhiều cơ hội việc làm trong ngành CNTT dành cho phái nữ như BrSE - kỹ sư cầu nối. Lý do là giới nữ có ưu điểm về khả năng thấu hiểu khách hàng, khả năng giao tiếp, giải quyết vấn đề cũng như sự mềm mỏng, linh hoạt.
Làm việc trong lĩnh vực CNTT đòi hỏi nhiều kỹ năng. (Ảnh minh họa: Internet)
Còn theo anh Trần Nguyễn Đăng Khoa, chàng trai đã có bằng lập trình viên từ khi còn học phổ thông, bật mí những bí quyết học tập cho các bạn sinh viên cùng ngành: "Cái nào là nền tảng, là học thuật thì không nên tra Google, ỷ lại, bởi nó sẽ làm bạn mau quên. Nếu có tra Google thì đừng chỉ sao chép code vào và chạy, mà nên tìm thử các code liên quan, đọc thông tin bàn luận xoay quanh, thậm chí là đóng góp, trao đổi lại cùng các anh em trong cộng đồng công nghệ. Khi đó, bạn sẽ biến một vấn đề đang phải tìm hiểu thành kiến thức của mình. Những người đi trước bạn chẳng qua cũng là nhờ điều này - họ biết chuyển hoá kiến thức thành của mình và giải thích được cho người khác".
Hiện đang là kiến trúc sư nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới như Cloud, IoT, Big Data, anh Khoa nhận định từ khoá của ngành CNTT trong những năm sắp tới là S.M.A.C (Social - xã hội (S), Mobile - di động (M), Analytics - phân tích dữ liệu (A) và Cloud - đám mây (C)).
Với Đỗ Hoàng Nam, một trưởng nhóm chuyên triển khai các dự án thị trường Mỹ và Úc, người làm công nghệ không cần phải có bằng giỏi nhưng ngoại ngữ thì vô cùng quan trọng. Có được khả năng ngoại ngữ, giao tiếp được với khách hàng là bạn đã hơn được người khác một bậc. Chẳng hạn tại FPT Software, cùng là sinh viên mới ra trường nhưng nếu bạn có tiếng Nhật trình độ trung cấp thì mức lương có thể cao hơn các bạn khác trung bình 2 - 3 triệu đồng/tháng.
Là một nhân vật tiến rất nhanh lên vị trí lãnh đạo và trải qua nhiều vị trí làm việc khác nhau, anh Đặng Quang Khoa - Quản lý đội sản xuất thị trường nói tiếng Anh chia sẻ: "Cứ khi nào sếp hỏi "em có làm được không" thì hãy coi đó là cơ hội mới chứ không phải áp lực. Bên cạnh việc cố gắng có được tấm bằng giỏi, yếu tố “ăn điểm” của sinh viên mới ra trường còn là kỹ năng và tinh thần chủ động học hỏi. Khi mới đi làm, hãy cố gắng hỏi sếp thật nhiều vì kinh nghiệm của họ chính là cuốn từ điển Google sống gần với các vấn đề bạn đang gặp phải nhất".