Báo động nạn dùng phần mềm "lậu" ở Việt Nam: Sẽ thanh tra, xử phạt
Tất cả các vi phạm bị phát hiện sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Liên minh Phần mềm (BSA) là tổ chức bảo vệ quyền lợi cho ngành phần mềm toàn cầu, đặc biệt là vấn đề vi phạm bản quyền. Có trụ sở chính đặt tại Washington, DC, Mỹ và hoạt động tại hơn 30 quốc gia, BSA tiên phong trong các chương trình tuân thủ bản quyền, nhằm khuyến khích sử dụng phần mềm hợp pháp.
Mới đây, BSA vừa lên tiếng kêu gọi lãnh đạo các doanh nghiệp và giới chức trách Việt Nam chung tay tăng cường kiểm tra và thực thi các hành động liên quan đến việc sử dụng phần mềm không bản quyền trong doanh nghiệp. Lời kêu gọi này được đưa ra trong bối cảnh tình trạng sử dụng phần mềm không bản quyền của các doanh nghiệp Việt Nam đang gia tăng đáng kể.
Phần mềm "bẻ khóa" là một trong những cánh cửa rước hacker vào nhà. (Ảnh minh họa)
Ngoài việc sử dụng phần mềm không bản quyền là bất hợp pháp, nó còn liên quan trực tiếp đến tỷ lệ các cuộc tấn công bằng mã độc xảy ra. Gần đây, các cuộc tấn công mạng trong nước đang có xu hướng nhắm vào các ngành nghề quan trọng như năng lượng, dầu khí và ngân hàng. Những cuộc tấn công này có thể khiến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bị gián đoạn và thông tin mật bị rò rỉ.
Ông Adam Coates - Tổng Cố vấn của BSA cảnh báo, việc sử dụng phần mềm không bản quyền dẫn đến nhiều tác động tiêu cực. Hành động này sẽ làm giảm tính bảo mật dữ liệu, khiến các doanh nghiệp rơi vào tầm ngắm của những cuộc tấn công mạng, rò rỉ thông tin và dễ dàng nhiễm phần mềm độc hại. Ông Coates nhấn mạnh, những sự cố này không chỉ gây thiệt hại về tài chính mà còn ảnh hưởng đến lòng tin của khách hàng, đối tác và các bên liên quan, và hệ quả lớn hơn là gây thiệt hại cho toàn bộ nền kinh tế.
“Việc sử dụng phần mềm không bản quyền vẫn tiếp tục phổ biến ở Việt Nam là điều đáng báo động. Chúng ta cần phải giải quyết vấn đề này một cách quyết liệt thông qua việc tăng cường kiểm tra xử phạt và các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng. Chúng tôi kêu gọi các nhà chức trách Việt Nam và lãnh đạo doanh nghiệp hãy hành động ngay lập tức để ngăn chặn tình trạng này. Thực tế chỉ ra rằng, việc sử dụng phần mềm được cấp phép là tuyến phòng thủ đầu tiên tốt nhất chống lại các mối đe dọa an ninh mạng”, ông Adam Coates bày tỏ.
Ông Adam Coates lưu ý thêm, một số phần mềm chuyên dụng trong thiết kế cho ngành xây dựng và kỹ thuật thường được sử dụng không bản quyền ở Việt Nam. Điều này gây ra rủi ro cho tính toàn vẹn và chất lượng của các dự án lớn.
Trước đây, BSA đã hợp tác với các cơ quan chức năng địa phương để triển khai các chiến dịch nhằm đảm bảo các công ty và tổ chức sử dụng phần mềm có bản quyền, trong đó nổi bật là “Legalize and Protect” vào năm 2020. Những nỗ lực này đã đạt được một số kết quả khả quan, son ông Coates nhấn mạnh các giải pháp khuyến khích sử dụng phần mềm có bản quyền và tăng cường an ninh mạng cần được duy trì thường xuyên và phối hợp chặt chẽ để thực sự mang lại hiệu quả.
Trong năm 2024 này, BSA đang thảo luận với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để thúc đẩy các nỗ lực nhằm tăng cường số lượng phần mềm hợp pháp sử dụng trong các doanh nghiệp và tổ chức tại Việt Nam.
Ông Lê Thanh Liêm - Chánh thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ: “Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với BSA và các cơ quan liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm bản quyền phần mềm. Tất cả các vi phạm bị phát hiện sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Chúng tôi đề nghị các doanh nghiệp đảm bảo việc sử dụng phần mềm có bản quyền hợp pháp ngay từ bây giờ!”.
Ông Adam Coates cho biết, trước các đợt thanh tra sắp tới của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đây là thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp hợp thức hóa phần mềm và tránh những rắc rối pháp lý nếu vi phạm quy định. Để giảm thiểu rủi ro pháp lý, an ninh mạng và uy tín thương hiệu liên quan đến việc sử dụng phần mềm không bản quyền, ông Coates một lần nữa kêu gọi các nhà lãnh đạo doanh nghiệp chủ động kiểm tra các phần mềm đang được sử dụng trong tổ chức của mình.
Nguồn: [Link nguồn]
Mới đây trang Twitter chính thức WinRAR đã chia sẻ sự vui sướng vì đã bán được đến 4 bản quyền phần mềm trong tuần.