Bằng chứng James Webb có khả năng chụp "nhà" người ngoài hành tinh
Siêu kính viễn vọng James Webb mà các nhà thiên văn kỳ vọng có khả năng soi rọi trực tiếp vào các thế giới có sự sống vừa chứng minh nó sẽ không "phụ lòng": Đem về hình ảnh trực tiếp đầu tiên về hành tinh ngoài hệ Mặt Trời.
Các hình ảnh về ngoại hành tinh - tức hành tinh ngoài hệ Mặt Trời - chúng ta nhìn thấy trước đây đều là hình ảnh được đồ họa lại, dựa trên dữ liệu quang phổ hiếm hoi mà các kính thiên văn thu thập được từ "đường cong ánh sáng" của ngôi sao mẹ, khi hành tinh vô tình bay ngang khoảng không giữa sao mẹ và Trái Đất. Bởi chúng đều quá xa xôi.
Nhưng trong nghiên cứu vừa công bố trực tuyến trên aXirv ngày 2-9, một nhóm khoa học gia đã xác định được trong kho dữ liệu mà siêu kính viễn vọng James Webb gửi về Trái Đất hình ảnh trực tiếp đầu tiên của một hành tinh ngoài hệ Mặt Trời.
Chân dung ngoại hành tinh đầu tiên được chụp ảnh trực tiếp của nhân loại qua 4 bộ lọc khác nhau - Ảnh: NASA/ESA/CSA/UCSC/STScI
James Webb chính là siêu kính viễn vọng 9 tỉ USD được điều hành chính bởi NASA, với sự cộng tác của ESA và CSA (cơ quan vũ trụ của châu Âu và Canada), vừa hoạt động vài tháng nay.
Trước đó, ngoài nhiệm vụ chính là quan sát những vùng không gian sâu để xác định những vật thể kỳ thú trong vũ trụ, nó được kỳ vọng sẽ tận dụng "thiên lý nhãn" của mình để soi vào những thế giới mà dữ liệu sơ khai trước đây nghi ngờ rằng có sự sống.
Hình ảnh thay đổi lịch sử thiên văn mà nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi nhà vật lý thiên văn Sahaa Hinkley từ Đại học Exeter - Anh và nhà thiên văn Aarynn Carter của Trường Đại học California ở Santa Cruz vừa phân tích đã chứng minh nếu có "nhà" của người ngoài hành tinh ở đó, James Webb sẽ chụp được.
Qua 4 bộ lọc khác nhau, hành tinh mang tên HIP 65426b cách chúng ta 350 năm ánh sáng hiện ra khá mờ nhạt, nhưng với các nhà khoa học, bấy nhiêu đã đủ đem đến vô vàn dữ liệu.
Tầm quan sát siêu việt này một lần nữa khẳng định khả năng nắm bắt các dấu hiệu hóa học của những hợp chất liên quan đến sự sống có thể tồn tại trong bầu khí quyển của ngoại hành tinh. Đó mới là thứ các nhà sinh học thiên văn tìm kiếm, chứ không phải một tấm chân dung theo nghĩa đen của người ngoài hành tinh.
HIP 65426b được phát hiện lần đầu năm 2017 bằng một công cụ mang tên SPHERE đặt trên Kính viễn vọng Very Large của Đài thiên văn Nam Âu (ESO), có khối lượng gấp 7,1 lần Sao Mộc.
"Có được hình ảnh này giống như chúng ta đang đào thấy kho báu trong không gian. Tôi nghĩ điều thú vị nhất là chúng ta chỉ mới bắt đầu. Có rất nhiều hình ảnh về các ngoại hành tinh đợi khám phá, giúp chúng ta hiểu biết tổng thể về vật lý, hóa học và sự hình thành của chúng" - tiến sĩ Carter nói.
NASA cho biết sẽ một lần nữa thực hiện việc phóng tên lửa thế hệ mới lên Mặt Trăng vào ngày 3/9.
Nguồn: [Link nguồn]