Apple sắp có một thay đổi táo bạo vì... bị FBI làm phiền
Bằng cách tự mình loại bỏ khả năng truy cập dữ liệu iCloud của người dùng, Apple hy vọng sẽ không còn gặp phiền phức với FBI.
Apple đang tỏ ra rất "cứng cựa" với FBI trước yêu cầu mở khóa iPhone của một trong những tay súng đã gây ra vụ xả súng kinh hoàng tại San Bernardino, làm 14 người thiệt mạng. Mới đây, nhiều nguồn tin cùng cho biết, Apple sắp có thay đổi để tránh xa những vụ việc phiền phức tương tự trong tương lai.
Apple sẽ tự mình hủy bỏ khả năng truy cập dữ liệu iCloud của khách hàng.
Theo đó, dữ liệu người dùng trên iCloud của Apple có thể khác biệt so với dữ liệu lưu trữ trên thiết bị. Chính Apple cũng nêu rõ trong cam kết quyền riêng tư rằng, dữ liệu được sao lưu trên iCloud không riêng tư như dữ liệu được lưu trữ cục bộ trên các thiết bị vật lý.
Mặc dù dữ liệu trên iCloud được mã hóa, nhưng Apple có nắm giữ chìa khóa giải mã - có nghĩa là công ty có thể trích xuất dữ liệu bất cứ lúc nào, và họ phải xem xét trao dữ liệu cho chính phủ khi có yêu cầu.
Khi Apple không còn giữ mã khóa thì không ai có thể xâm nhập dữ liệu của người dùng iPhone dù là trên iCloud hay thiết bị.
Trong tương lai, điều đó có thể sẽ sớm thay đổi. Cụ thể, Apple chuẩn bị làm cho dữ liệu được lưu trữ trên iCloud trở nên vô hình với cả các kỹ sư của công ty, theo Financial Times. Khi đó, tất nhiên người dùng vẫn sẽ sử dụng được dữ liệu của mình, nhưng bản thân Apple sẽ không thể thực hiện yêu cầu của chính phủ trong việc trích xuất dữ liệu lưu trữ trên iCloud.
Đây được xem là một động thái của Apple trong cuộc chiến với FBI. Theo AP, nếu Apple không thể truy cập dữ liệu iCloud của người dùng, thì tất nhiên dữ liệu đó cũng không thể giao cho chính phủ.
"Không ai có thể phục hồi nó, và không bao giờ có thể. Bạn không thể, FBI không thể, và người thừa kế của bạn khi bạn chết cũng không thể", Ross Anderson - Giáo sư Kỹ thuật an ninh tại Đại học Cambridge, nói với CNN Money.
"Trong một số trường hợp, chúng tôi được yêu cầu cung cấp nội dung iCloud của khách hàng, trong đó có thể bao gồm hình ảnh, email, các bản sao lưu thiết bị iOS, tài liệu, danh bạ, lịch và ghi chú", theo báo cáo minh bạch của Apple trong năm 2015.
Bằng cách tự mình "cắt đứt" hoàn toàn khả năng truy cập vào dữ liệu iCloud của khách hàng, Apple có thể tránh khỏi những yêu cầu cung cấp dữ liệu trong tương lai, theo Jeffrey Paul - một chuyên gia tư vấn về an ninh mạng và bảo mật dữ liệu.
"Chúng tôi thậm chí đã đưa dữ liệu ra xa khỏi tầm với của chúng tôi, bởi vì chúng tôi tin rằng các nội dung trên iPhone của bạn không có gì dành cho chúng tôi", Tim Cook - Giám đốc điều hành của Apple nói.
Trong năm 2015, Apple đã nhận được 2.727 yêu cầu truy cập vào tài khoản iCloud và iTunes của khách hàng từ các cơ quan thực thi pháp luật. Trong đó, Apple đã tiết lộ dữ liệu của khoảng 81% trường hợp, theo báo cáo minh bạch của công ty.
Trước đó, thẩm phán Sheri Pym của bang California đã ra lệnh cho Apple phải tạo ra một phần mềm chuyên dụng giúp FBI đột nhập vào một chiếc iPhone bị khóa. Đây là chiếc iPhone 5C được sử dụng bởi một tay súng đã gây ra vụ xả súng kinh hoàng làm 14 người thiệt mạng. Tuy nhiên, Apple đã có câu trả lời là "không". Hãng này giải thích rằng, "phần mềm đó không tồn tại" và "vụ việc có thể kéo theo hệ lụy làm ảnh huởng tới quyền riêng tư của khách hàng sau này". Theo Apple, nếu muốn hỗ trợ FBI, họ phải viết ra một phiên bản phần mềm mới. Tuy nhiên, không ai chắc chắn phần mềm đó sẽ không bị khai thác cho các mục đích xấu. Vụ việc này đang dần trở nên nóng hơn khi Apple đề nghị đưa ra Quốc hội. Ngày 1.3 tới đây, Giám đốc điều hành Apple - Tim Cook, Giám đốc FBI - James Comey cùng các nhà bảo mật và luật sư sẽ tham gia một buổi điều trần trước Quốc hội, với chủ đề "Mã hóa dữ liệu: Cân bằng giữa an ninh và quyền riêng tư của người dùng". |