Ảnh độc từ NASA: Những gì chúng ta trải qua 4,6 tỉ năm trước
Bức ảnh mà NASA gọi là "pháo hoa vũ trụ" có thể giúp chúng ta hình dung về cách mà các thế giới mới bắt đầu.
Theo NASA, kính viễn vọng không gian James Webb do cơ quan này phát triển và điều hành chính vừa ghi lại được "pháo hoa vũ trụ" hiện ra bên trong đám mây phân tử L1527 thuộc chòm sao Kim Ngưu.
Tiền sao trong chòm Kim Ngưu đang tạo ra hình ảnh giống như pháo hoa - Ảnh: NASA
Những gì xuất hiện trong hình ảnh - giống như một chiếc đồng hồ cát rực lửa - là một tiền sao mới chỉ 100.000 năm tuổi.
Nói cách khác, NASA đã ghi lại được một ngôi sao chỉ vừa mới chào đời. Bởi 100.000 năm là một khoảng thời gian rất ngắn trong cuộc đời một thiên thể.
Trong hình ảnh nói trên, vật thể bé nhỏ ngay chỗ thắt của đồng hồ cát chính là ngôi sao sơ sinh, vẫn còn trong giai đoạn tiền sao.
Nó đang cố gắng tích tụ vật liệu để tạo ra một đĩa tiền hành tinh mỏng, nơi mà sau này sẽ ra đời các hành tinh.
Các khu vực được tô màu xanh lam trong hình ảnh, bao gồm hầu hết đồng hồ cát, là những gì tiền sao này nhả ra sau khi tiêu thụ vật chất.
Bản thân tiền sao và lớp bụi dày đặc cùng hỗn hợp khí bao quanh nó được thể hiện bằng màu đỏ.
Khi tiền sao tiếp tục già đi và giải phóng các tia năng lượng, nó sẽ tiêu thụ, phá hủy và đẩy đi phần lớn đám mây phân tử này, và nhiều cấu trúc mà chúng ta thấy ở đây sẽ bắt đầu mờ dần.
Cuối cùng, khi nó hoàn thành việc tích tụ khối lượng, màn trình diễn ấn tượng này sẽ kết thúc, và bản thân ngôi sao sẽ trở nên rõ ràng hơn, ngay cả với kính thiên văn ánh sáng khả kiến của chúng ta.
Gần 4,6 tỉ năm trước, Mặt Trời cũng từng là một tiền sao mới ra đời, với một đĩa tiền hành tinh mong manh xung quanh là nơi mà Trái Đất sau này sẽ được hoài thai.
Vì vậy, hình ảnh về tiền sao 100.000 tuổi nói trên cũng là bản sao của hình ảnh quá khứ về chính thế giới mà chúng ta đang tồn tại.
Nguồn: [Link nguồn]
Cực quang đáng chú ý vào đầu tháng 5 vừa qua đã chứng minh sức mạnh mà các cơn bão mặt trời có thể phát ra dưới dạng bức xạ, nhưng đôi khi mặt trời còn có sức tàn phá lớn hơn nhiều. Được gọi là "sự kiện hạt mặt trời", những luồng proton này trực tiếp từ bề mặt mặt trời có thể bắn ra ngoài như đèn pha vào không gian.