Ảnh độc từ NASA: Lỗ đen "hóa kiếp" vật thể khác thành sát thủ

Sự kiện: Khám phá vũ trụ
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Đài quan sát tia X Chandra của NASA đã bắt được khoảnh khắc kinh dị nhất về một lỗ đen quái vật cách chúng ta 210 triệu năm ánh sáng.

Theo Space.com, dữ liệu mới nhất về thiên hà AT2019qiz cách chúng ta 210 triệu năm ánh sáng cho thấy một cấu trúc được mô tả là "nghĩa địa" đang bao vây lấy lỗ đen quái vật ở trung tâm.

"Nghĩa địa" quanh lỗ đen là một đĩa vật chất kỳ quái đang xoáy quanh lỗ đen này và tấn công một ngôi sao khác không may đến gần.

Ảnh nhỏ cho thấy dữ liệu bất thường về lỗ đen trung tâm thiên hà AT2019qiz, trong khi ảnh lớn mô tả lại cách lỗ đen xé nát một ngôi sao và dùng chính đĩa vật chất từ ngôi sao này phá hủy vật thể khác - Ảnh: NASA

Ảnh nhỏ cho thấy dữ liệu bất thường về lỗ đen trung tâm thiên hà AT2019qiz, trong khi ảnh lớn mô tả lại cách lỗ đen xé nát một ngôi sao và dùng chính đĩa vật chất từ ngôi sao này phá hủy vật thể khác - Ảnh: NASA

Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà thiên văn học Matt Nicholl của Đại học Queen's Belfast (Anh) đã phân tích dữ liệu và kể lại câu chuyện thực đằng sau cụm cấu trúc không gian đáng sợ này.

Thứ chúng ta đang thấy là một lỗ đen quái vật đã xé nát một ngôi sao và biến phần còn lại của ngôi sao đó thành sát thủ đồng hành, tiếp tục tấn công một ngôi sao khác.

Ngôi sao ban đầu đã không may đến gần lỗ đen và bị phá hủy trong một sự kiện TDE, tức "lỗ đen xé sao", tạo nên bởi một lực thủy triều tàn khốc đến mức thay vì cả ngôi sao bị kéo vào lỗ đen, nó toạc ra giữa đường.

Vì vậy, một phần của ngôi sao này đã mắc kẹt lại xung quanh lỗ đen, tạo thành một đám mây dẹt bao vây lấy lỗ đen.

Đống đổ nát của ngôi sao này đã mở rộng đến mức một ngôi sao khác quay quanh lỗ đen liên tục va chạm với nó.

Các vụ va chạm này đã làm tổn hại nghiêm trọng ngôi sao thứ hai, tạo ra các luồng tia X mạnh mẽ mà Chandra bắt được.

Chính các luồng tia X đó - lặp đi lặp lại mỗi 48 giờ - đã khiến các nhà khoa học chú ý đến hệ thống này.

Dữ liệu quan sát bổ sung từ kính viễn vọng không gian Hubble đã cho phép các nhà khoa học xác định chiều rộng của đĩa bồi tụ xung quanh hố đen siêu khối này.

Họ nhận thấy nó đã lan rộng đủ để cho phép bất kỳ vật thể nào quay quanh hố đen trong chu kỳ khoảng một tuần hoặc ít hơn đâm xuyên qua đĩa và gây ra các vụ phun trào.

Đồng tác giả Andrew Mummery từ Đại học Oxford (Anh) cho biết phát hiện này là một bước đột phá lớn trong nghiên cứu về lỗ đen.

Trước đây, các nhà khoa học từng ghi nhận các luồng tia X tương tự trào ra theo chu kỳ từ phía các lỗ đen quái vật khác, nhưng không biết được bản chất.

Nghiên cứu về loại vật thể đóng vai trò sao mẹ của các ngoại hành tinh gần Trái Đất nhất đã đem đến sự thật rùng mình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Thư ([Tên nguồn])
Khám phá vũ trụ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN