Ảnh độc từ ESA: "Thế giới người khổng lồ" giữa chòm sao Thiên Đàn
Siêu kính viễn vọng James Webb đã cung cấp cái nhìn rõ nét nhất từ trước đến nay về vùng không gian chứa đầy các vật thể lớn hơn Mặt Trời 2.000 lần.
Trong hình ảnh vừa được công bố bởi Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), một cụm siêu sao cách Trái Đất 12.000 năm ánh sáng đã hiện lên như một thế giới kỳ ảo của những quái vật vũ trụ cực to, cực sáng.
Cụm siêu sao này mang tên Westerlund 1, nằm giữa chòm sao Thiên Đàn.
Cụm siêu sao Westerlund 1 là một thế giới đầy những ngôi sao siêu khổng lồ giữa chòm sao Thiên Đàn - Ảnh: NASA/ESA/CSA
Westerlund 1 đã được biết đến trước đó, nhưng giờ đây sự ngoạn mục của nó mới được lột tả thông qua "mắt thần" của kính viễn vọng trẻ tuổi nhất và mạnh nhất thế giới James Webb.
Kính viễn vọng này đang được đồng điều hành bởi NASA, ESA và CSA (các cơ quan vũ trụ của Mỹ, châu Âu và Canada).
Theo ESA, Westerlund 1 là một "nhà máy thiên hà có quy mô hoành tráng".
Nó có thể được nhìn thấy khá rõ từ Nam bán cầu của Trái Đất, hiện ra ngay bên dưới đuôi của chòm sao Bọ Cạp và gần lõi của thiên hà Miky Way (Ngân Hà) chúng ta.
Đây là một trong những cụm sao lớn nhất được biết đến và so với những thế giới như hệ Mặt Trời của chúng ta, các ngôi sao bên trong Westerlund 1 như những người khổng lồ.
Rất nhiều "siêu sao" trong cụm này lớn hơn Mặt Trời của chúng ta đến 2.000 lần, khiến tổng khối lượng cả cụm lên tới 50.000 đến 100.000 lần Mặt Trời.
Trong khi đó, các cụm siêu sao khác thường chỉ nặng gấp 10.000 lần khối lượng Mặt Trời.
Nếu một ngôi sao trong Westerlund 1 được thế chỗ với Mặt Trời, nó sẽ vương xa tới quỹ đạo của Sao Thổ và có độ sáng hơn Mặt Trời tới 1 triệu lần.
Và nếu Trái Đất quay quanh một ngôi sao trong cụm này, chúng ta sẽ có một bầu trời đêm với hàng trăm vật thể sáng cỡ trăng tròn mọc cùng lúc.
Tuy vậy, các siêu sao thường đoản mệnh.
Các nhà thiên văn học cho rằng trong vòng 40 triệu năm tới, hơn 1.500 siêu tân tinh - là các ngôi sao chết đi và phát nổ - sẽ chiếu sáng Westerlund 1.
Hiện tại, cụm sao này có tuổi đời khoảng 3,5 triệu đến 5 triệu năm.
Nguồn: [Link nguồn]
Một nhóm nghiên cứu đa quốc gia vừa khám phá nguồn gốc những "quả bom vũ trụ" cực hiếm: Siêu tân tinh loại Ic.