Alibaba cam kết chi 15,5 tỷ USD hướng đến mục tiêu "thịnh vượng chung"
Tập đoàn Alibaba là doanh nghiệp mới nhất cam kết đóng góp cho mục tiêu "thịnh vượng chung" của Chủ tịch Tập Cận Bình, sau Tencent và Pinduoduo.
Alibaba thông báo vào ngày 3/9 rằng tập đoàn này sẽ sử dụng khoản tiền khổng lồ 100 tỷ NDT (15,5 tỷ USD) trước năm 2025 cho 5 ưu tiên: đổi mới công nghệ, phát triển kinh tế, tạo “việc làm chất lượng cao”, giúp đỡ các cộng đồng yếu thế và lập ra một quỹ phát triển đặc biệt.
Tập đoàn này cũng lập danh sách 10 mục tiêu cụ thể, từ tăng cường đầu tư công nghệ vào những vùng kém phát triển hơn trong nước, cải thiện an sinh cho nhân viên lao động tự do cho đến tăng tốc phát triển các doanh nghiệp nhỏ và nền nông nghiệp.
Alibaba đồng thời đang lập ra một “Ủy ban Công tác Thúc đẩy Thịnh vượng”, đứng đầu là Chủ tịch và CEO của tập đoàn Trương Dũng (Daniel Zhang).
Trong tuyên bố vào ngày 3/9, ông Trương nói: “Alibaba đã hưởng lợi từ tiến bộ mạnh mẽ về kinh tế và xã hội của Trung Quốc trong 22 năm qua. Chúng tôi tin chắc rằng nếu xã hội và kinh tế đều phồn vinh thì Alibaba cũng sẽ phát triển”. Ông nói thêm: "Chúng tôi sẵn sàng đóng góp phần của mình nhằm giúp đỡ hiện thực hóa mục tiêu thịnh vượng chung thông qua phát triển có chất lượng”.
Cổ phiếu Alibaba giảm giá nhẹ vào cuối phiên ở sàn giao dịch New York ngày 2/9 sau khi tin tức được đăng lên lần đầu trên Nhật báo Chiết Giang. Ở sàn giao dịch Hồng Kông, cổ phiếu tập đoàn giảm 3.5% vào ngày 3/9.
Cam kết của Alibaba được tuyên bố chỉ một tuần sau khi một công ty thương mại điện tử lớn khác ở Trung Quốc, Pinduoduo, hứa hẹn sẽ sử dụng toàn bộ lợi nhuận quý trước cho các dự án phát triển nông thôn trong nước. Vào ngày 24/8, Pinduoduo tuyên bố sẽ đóng góp 372 triệu USD nhằm phát triển ngành nông nghiệp và nông thôn Trung Quốc, cùng với kế hoạch cho đi tổng số tiền 10 tỷ NDT (1,5 tỷ USD) cho các mục tiêu tương tự. Quyết định này có ý nghĩa đáng kể với công ty đã được niêm yết tại Mỹ khi Pinduoduo vừa công bố có lợi nhuận lần đầu tiên với tư cách công ty đại chúng vào quý II năm 2021.
Tương tự, Tencent tuyên bố vào tháng trước sẽ dành 50 tỷ NDT (7,7 tỷ USD) để hướng tới mục tiêu “thịnh vượng chung” của Bắc Kinh. Tập đoàn này nói rằng sẽ nhắm đến mục tiêu tăng thu nhập cho người nghèo, giải quyết bất bình đẳng trong giáo dục và nhiều sáng kiến khác.
Mục tiêu cuối cùng
Chủ trương "thịnh vượng chung" của Chủ tịch Tập Cận Bình đang làm giới siêu giàu Trung Quốc phải thận trọng. Minh họa: Otto Dettmer
Gần đây, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của “thịnh vượng chung” với tư cách là mục tiêu của Đảng Cộng sản Trung Quốc; truyền thông nhà nước cũng vì thế mà làm nổi bật tầm quan trọng của tái phân phối của cải.
Bản thân cụm từ này có ý nghĩa lịch sử đáng kể ở Trung Quốc và cách ông Tập nói đến cụm từ làm người ta nhớ lại cách Chủ tịch Mao Trạch Đông đã dùng nó vào thế kỷ trước. Vào lúc đó, ông Mao Trạch Đông đã chủ trương dùng “thịnh vượng chung” làm khẩu hiệu huy động tầng lớp nông dân lấy lại quyền lực từ tay phú nông và địa chủ.
Trong những năm gần đây, một trong các mục tiêu chính sách quan trọng của ông Tập Cận Bình là giảm nghèo trong cả nước Trung Quốc. Chỉ thị mới nhất của ông Tập đã tăng thêm sức ép lên các doanh nghiệp và cá nhân giàu nhất Trung Quốc trong lúc họ đang phải đối phó với nhiều quy định chặt chẽ hơn khi Bắc Kinh muốn kiểm soát quyền lực của khu vực kinh tế tư nhân.
Đầu năm nay, Alibaba đã bị phạt mức kỷ lục 2,8 tỷ USD do hành vi độc quyền. Kể từ đó, tập đoàn này đã liên tục phải đối mặt với sự dò xét từ cơ quan quản lý, dù các lãnh đạo tập đoàn cố thuyết phục công chúng rằng mọi vấn đề đã được dàn xếp ổn thỏa.
Cẩm nang điện tử phòng, chống dịch COVID-19 là nơi tổng hợp các dữ liệu, hình ảnh, văn bản và công nghệ về phòng, chống...
Nguồn: [Link nguồn]