A.I sẽ là cánh tay nối dài nhưng con người vẫn là yếu tố cốt lõi
Tại sự kiện VSMCamp & CSMOSummit 2024, ông Hoàng Nam Tiến - Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT khẳng định trong kỷ nguyên AI, mỗi cá nhân cần có một “trợ lý AI” để hỗ trợ học tập và phát triển.
Sân chơi lớn nhất ngành sales và marketing tại Việt Nam quay trở lại với chủ đề “FORWARD+ Chiến lược sales và marketing trong kỷ nguyên phát triển bền vững”. Hơn 60 diễn giả, chuyên gia đã quy tụ tại đại hội sales và marketing toàn quốc, đóng góp gần 50 nội dung tham luận, các bài phát biểu và phiên thảo luận hấp dẫn.
Các nội dung được bàn luận tại sự kiện mang đã đến bức tranh toàn cảnh về tương lai của truyền thông - marketing trong xu hướng phát triển bền vững, nơi giá trị con người được đặt ở trung tâm và công nghệ đóng vai trò như một động lực thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới. Đặc biệt, chủ đề công nghệ và đổi mới sáng tạo được các diễn giả “mổ xẻ” ở nhiều góc nhìn mang tính thời sự đã thu hút sự quan tâm của người tham dự.
Toàn cảnh sự kiện VSMCamp & CSMOSummit 2024
Ứng dụng A.I tối ưu và hiệu quả trong bối cảnh phát triển bền vững
Là người trình bày bài tham luận “7 câu hỏi về bền vững, A.I và hiệu quả”, GS. Laurent El Ghaoui - Hiệu phó phụ trách Nghiên cứu và Đổi mới sáng tạo, VinUni đã mang đến những chia sẻ đột phá, xoay quanh 7 câu hỏi cốt lõi kết nối giữa bền vững, trí tuệ nhân tạo (AI) và hiệu quả. Ông nhấn mạnh sự phức tạp của vấn đề bền vững khi giao thoa giữa công nghệ, xã hội và con người. Với góc nhìn của một nhà công nghệ, GS. Laurent El Ghaoui không chỉ đặt ra những câu hỏi quan trọng về cách nhìn nhận thách thức và cơ hội của việc ứng phó với biến đổi khí hậu, mà còn đưa ra gợi ý cụ thể về vai trò của AI trong việc tối ưu hóa các quy trình, đo lường hiệu quả và xây dựng những giải pháp thực tiễn cho Việt Nam. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đo lường hiệu quả thực sự, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng đổi mới sáng tạo và hợp tác quốc tế để xây dựng hệ sinh thái bền vững và nâng cao hình ảnh quốc gia trên bản đồ thế giới.
Giáo sư Marc Kramer - Giảng viên chuyên ngành Khởi nghiệp, đồng Giám đốc chương trình Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh VinUni
Chia sẻ về “Tác động của AI đến tiếp thị bền vững: 5 năm tới”, Giáo sư Marc Kramer - Giảng viên chuyên ngành Khởi nghiệp, đồng Giám đốc chương trình Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh VinUni đã nhấn mạnh, trí tuệ nhân tạo (AI) ngày nay đã trở nên vô cùng quan trọng trong đời sống và các công cụ hiện đại, giúp chúng ta cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng, phát triển các ý tưởng bền vững và giảm thiểu tác động môi trường. Trong đó, các công nghệ như thực tế ảo (AR), thực tế ảo tăng cường (VR) và Metaverse đã mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong việc lên chiến lược tiếp thị đến khách hàng mục tiêu. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ, vấn đề đạo đức và quyền riêng tư của người dùng cũng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Doanh nghiệp cần đặc biệt chú ý đến sự riêng tư và những nội dung cá nhân hoá, khi người dùng luôn mong muốn có được những trải nghiệm đáp ứng với nhu cầu mà không xâm phạm đến quyền riêng tư của họ.
GS. Laurent El Ghaoui - Hiệu phó phụ trách Nghiên cứu và Đổi mới sáng tạo, VinUni
Chấp nhận và đón đầu là chìa khóa để tồn tại trong cuộc cách mạng A.I
Là một trong những phiên thảo luận được mong chờ nhất tại đại hội năm nay, bài tham luận về chủ đề “Phát triển bền vững trong thời đại AI” của ông Hoàng Nam Tiến - Phó Chủ tịch FPT Education đã thu hút sự quan tâm của khán giả. Ông Tiến đã mở ra góc nhìn sâu sắc về tác động của AI đến các ngành nghề và xã hội, đồng thời nhấn mạnh vai trò của giáo dục trong việc chuẩn bị cho tương lai. Ông nhấn mạnh rằng, trong kỷ nguyên AI, mỗi cá nhân cần có một “trợ lý AI” để hỗ trợ học tập và phát triển. Tương lai của xã hội, theo ông Tiến, không chỉ phụ thuộc vào việc chấp nhận AI mà còn là khả năng sáng tạo, cảm xúc và sự tò mò của con người. AI sẽ là cánh tay nối dài, nhưng con người vẫn là yếu tố cốt lõi quyết định. Ông cũng đề cập đến sự thay đổi trong phương pháp dạy học và cách học.
Trong một thế giới mà AI có thể giải quyết các công việc trí tuệ, việc học viết chữ hay các kỹ năng truyền thống có còn ý nghĩa? Chính vì vậy, việc "un-learn" và "re-learn" trở thành chìa khóa cho sự tồn tại và phát triển trong kỷ nguyên AI. Cuối cùng, ông kêu gọi tất cả mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ, cần có một mindset mới, luôn học hỏi và phát triển kỹ năng tư duy phản biện để không bị bỏ lại phía sau trong cuộc cách mạng AI.
Ông Hoàng Nam Tiến - Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT chia sẻ tại sự kiện
Trong bối cảnh phát triển bền vững đang trở thành xu hướng tất yếu, chiến lược sales và marketing của các doanh nghiệp cũng phải thích ứng và đổi mới để đáp ứng những yêu cầu đang thay đổi của thị trường và xã hội. VSMCamp và CSMOSummit 2024 được tổ chức nhằm mục tiêu đồng hành cùng những người hoạt động trong lĩnh vực sales, marketing và truyền thông cũng như các chủ doanh nghiệp tự tin đón đầu xu thế phát triển bền vững. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp thích ứng với xu hướng toàn cầu mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh, xây dựng thương hiệu mạnh mẽ và tạo dựng giá trị lâu dài cho cả doanh nghiệp và xã hội.
Qua 8 lần triển khai, Ban Tổ chức đã chứng kiến nhu cầu được giao lưu, kết nối để chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của những người hoạt động trong ngành là rất lớn. Có thể nói, VSMCamp và CSMOSummit đã trở thành sân chơi uy tín và chất lượng của giới sales, marketing và truyền thông tại Việt Nam, là nơi đón đầu những xu hướng mới nhất, nóng nhất, tạo điều kiện cho những người làm nghề có thể kết nối với các chuyên gia hàng đầu dày dặn kinh nghiệm, qua đó kịp thời nắm bắt được những bí quyết "làm chủ" cuộc chơi sales và marketing đầy thách thức và cơ hội.
VSMCamp và CSMOSummit là sự kiện chuyên ngành về sales và marketing, quảng cáo và truyền thông thường niên uy tín và được mong chờ nhất năm do CLB các Giám đốc Sales & Marketing Việt Nam (CSMO) cùng Công ty Le Bros tổ chức. Sự kiện là nơi kết nối những người trong ngành, nâng cao năng lực chuyên môn và cập nhật những xu thế chung của thế giới.
Nguồn: [Link nguồn]