AI được ứng dụng ra sao trong dạy và học trực tuyến?
Trên thế giới đang có rất nhiều công cụ học trực tuyến ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để nhận diện cảm xúc, trình độ của học sinh và tự động đưa ra chương trình đào tạo phù hợp.
Tại hội thảo trực tuyến TechForStudy #2 nằm trong chuỗi sự kiện "TechForStudy: Giải quyết nhức nhối khi học online bằng sức mạnh công nghệ và phong cách mới", các chuyên gia công nghệ và giáo dục đã chia sẻ nhiều thông tin thú vị về việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào học trực tuyến.
AI đang được tận dụng để tối ưu hóa nội dung, hỗ trợ việc dạy và học trực tuyến. (Ảnh minh họa)
Sau khi thảo luận về những rào cản trong học trực tuyến, trong đó cảm xúc buồn chán có thể ảnh hưởng việc tiếp thu bài học và dẫn tới hổng kiến thức, TS. Bùi Hải Hưng - Viện trưởng VinAI (thuộc tập đoàn Vingroup) cho rằng, công nghệ sẽ đem lại rất nhiều cách để khắc phục phần nào. Điều TS. Hưng nhấn mạnh là đánh giá cảm xúc của học sinh thông qua hình ảnh webcam.
"Việc nhận diện cảm xúc, mức độ tập trung của học sinh hiện giờ đang ở thang điểm bao nhiêu (chẳng hạn đánh giá từ 1 - 10), AI có thể đưa ra được dự tính và hiển thị các thông số này. Nhờ đó, có thể đánh giá những học sinh nào trong lớp đang tập trung - điểm số gần 10, học sinh nào đang không tập trung - điểm số gần 1, và đánh giá việc tập trung của cả lớp đang như thế nào,... để giáo viên có hành động phù hợp", ông Hưng nêu ví dụ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Phan Dũng - CEO Clevai Math chia sẻ về một công nghệ cụ thể là Amazon Rekognition. Công nghệ này giúp nhận diện 8 loại cảm xúc của học sinh: Hứng thú, buồn, vui, giận dữ, chán nản, bình tĩnh hay ngạc nhiên,...
Trong quá trình thử nghiệm, ông nhận thấy rằng, công nghệ này giúp ích rất nhiều cho giáo viên trong việc truyền tải kiến thức, giúp cô giáo trợ giúp được ngay lập tức cho các học sinh một cách hiệu quả. Ngoài ra, thiết bị đo sóng não giúp đo độ tập trung của các học sinh, nếu được ứng dụng thực tế cũng sẽ là thiết bị tiềm năng.
AI giúp xác định cảm xúc của một người qua camera.
Cùng chia sẻ tại hội thảo, ThS. Phạm Nữ Thanh Tú (cô giáo tiếng Anh sở hữu kênh TikTok hơn 110.000 người theo dõi) cho biết: Lúc dịch bệnh COVID-19 ập đến, phải dạy trực tuyến là sự khủng hoảng với nhiều thầy cô chưa được đào tạo cho việc này. Trước kia, muốn biết học sinh hổng kiến thức hay không thì chỉ việc cho kiểm tra miệng, làm bài kiểm tra bất ngờ trong lớp; nhưng online thì điều này rất khó.
"Vì mình gọi tên thì rất lâu sau các em mới trả lời, mà khi trả lời thì các em mở vở ra đọc mất tiêu rồi. Với lại mình cũng không biết được các em có hiểu hay không. Các em ngại hỏi khi mà học online nữa. Qua đó, mình nhận ra là không thể nào sử dụng cách thông thường được nữa", ThS. Tú chia sẻ.
Để giải quyết bài toán này, cô Tú đã sử dụng các dịch vụ như Kahoot, Quizzes. Những ứng dụng này đưa ra câu hỏi để học sinh trả lời trực tiếp theo thời gian thực, với nội dung và giới hạn thời gian do cô đặt ra. Ngoài ra, cô Tú cho hay, còn có những ứng dụng như Booklet, Quizlet,... có thể tạo ra game cho học sinh vừa học vừa chơi.
"Nếu mình tận dụng được AI thì thậm chí tốt hơn cả ở trên lớp, vì trên lớp rất khó để chơi được như vậy. Ví dụ trong game mà học sinh phải thẩy xúc xắc thì trên công nghệ đã làm sẵn rồi, các học sinh chỉ việc vào chơi, thi đua với nhau luôn rất thú vị", ThS. Tú nhận định.
Quizlet Learning sử dụng kỹ thuật máy học và lượng dữ liệu rất khổng lồ của hơn 64 môn học nhằm mục đích tạo ra lộ trình hợp lý nhất cho người học. Tùy theo chủ đề, môn học mà nó có các học liệu tương ứng với từng cá nhân một, ông Nguyễn Phan Dũng - CEO Clevai Math bổ sung thêm cho phần trình bày của cô Tú.
ThS. Văn Đinh Hồng Vũ (tốt nghiệp tại Trường Đại học Stanford) thì nhắc tới ứng dụng học tiếng Anh tích hợp AI rất nổi tiếng hiện nay là Elsa. "Dựa vào vào kết quả bài học vừa rồi và dựa vào thông tin các bài học trong vòng 1 - 2 tháng vừa rồi mà ứng dụng sẽ gợi ý bài tiếp theo nên học là gì", bà Vũ nói và đánh giá thuật toán AI tích hợp trong Elsa làm khá tốt việc này.
Cuối cùng, chia sẻ góc nhìn chung về AI trong giáo dục hiện nay, các chuyên gia cho rằng, Trung Quốc có thể là nước đi đầu trong mảng này; nhưng nó cũng gây ra những bàn cãi ở quốc gia tỉ dân vì theo dõi con người... Còn ở Việt Nam, công nghệ này còn quá mới và phải đầu tư nhiều cả về công nghệ lẫn đào tạo người sử dụng nếu muốn ứng dụng rộng rãi.
Nguồn: [Link nguồn]
Đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến học sinh, sinh viên tại nhiều tỉnh, thành phố không thể đến trường, phải...