Vấn nạn bắt nạt trực tuyến: Biến tướng, phức tạp!
Điển hình là các hành vi được gán mác ‘khẩu nghiệp’ hay lập các hội nhóm tẩy chay chuyên nghiệp, nói xấu ẩn danh.
Vấn nạn bắt nạt trực tuyến
Trong một buổi livestream mới đây, Á hậu Quốc tế Thúy Vân đã kể lại một kỷ niệm đáng buồn khi trở thành nạn nhân của nạn bắt nạt trực tuyến: “Vân đã trải qua từ khi học lớp 10 - thời điểm đó các nền tảng chưa phổ biến. Vân bị đăng hình lên diễn đàn của trường và bị chính những người mình quen biết nói xấu. Có thể nói thời cấp 3 của Vân không mấy tốt đẹp”.
Còn ở thời hiện tại - giai đoạn Thuý Vân đã đạt được nhiều thành tựu trong cuộc sống, khi đối diện với bắt nạt trực tuyến, nàng Á hậu có buồn phiền vì “những công sức của mình không được công nhận, đôi lúc cảm thấy nghi ngờ về bản thân, mất đi sự vô tư”. Tuy nhiên, đến nay, cô đã tìm được cách cân bằng và có bản lĩnh để vượt qua, không còn khó khăn như hồi cấp 3.
Á hậu Quốc tế Thúy Vân với một số clip trên TikTok.
Sau khi nghe Thúy Vân chia sẻ trong buổi livestream, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Võ Huệ Anh cho biết, bắt nạt trực tuyến “là một hình thức bắt nạt hoặc quấy rối bằng các phương tiện điện tử, mang đến sự tổn thương lâu dài, âm ỉ về tinh thần cho người bị tác động”.
Còn Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững - bà Nguyễn Phương Linh bổ sung: “Thực trạng đáng buồn là bắt nạt trực tuyến ngày nay có thể gọi là một vấn nạn, với vô số hình thức biến tướng, phức tạp. Điển hình là các hành vi được gán mác ‘khẩu nghiệp’ hay lập các hội nhóm tẩy chay chuyên nghiệp, nói xấu ẩn danh...”.
Theo bà Linh, ngoài những trạng thái như buồn bã, mệt mỏi, stress, mất ngủ, mất động lực… thì còn có một cảm giác nghiêm trọng hơn - đó là khi nạn nhân cảm thấy như tất cả mọi người đang quay lưng lại với mình.
"Trong tình trạng xấu hơn, tới một giai đoạn, nạn nhân sẽ cảm thấy không thể chia sẻ với ai khác, thậm chí không cố gắng để giải quyết vấn đề. Trong những trường hợp nghiêm trọng nữa, một người bị bắt nạt, đe dọa trực tuyến có thể dẫn đến hành vi tự kết liễu cuộc sống", bà Nguyễn Võ Huệ Anh cảnh báo.
Làm gì để "miễn nhiễm" với bắt nạt trực tuyến?
Thường xuyên nhận được những bình luận mang tính quấy rối từ cộng đồng mạng, Á hậu Quốc tế Thuý Vân đã có kinh nghiệm trong việc cư xử để không ảnh hưởng tiêu cực quá lớn tới bản thân và công việc. Cô tìm đến những phương pháp thư giãn sâu, tập thể dục hay làm việc nhà để phân tán sự chú ý.
Thuý Vân cho biết, cô cũng không ngại trò chuyện với gia đình hay bạn bè để được giải toả. Lời khuyên của cô nàng dành cho các nạn nhân là hãy nói đúng lúc, đúng người, chia sẻ với bạn bè nhưng không nhất thiết phải phản bác lại tất cả các chủ đích tiêu cực của kẻ bắt nạt.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, chúng ta cũng nên “tạo một vỏ bọc” và ẩn, chặn những người dùng tác động tiêu cực, quấy rối mình trên mạng. Đồng thời đọc nhiều bình luận tích cực để tiếp năng lượng, tránh giữ cảm giác bức bối, buồn phiền, gây ảnh hưởng tới công việc và cuộc sống.
TikToker Nam Cơ Phó cũng là nạn nhân của bắt nạt trực tuyến.
Bà Nguyễn Phương Linh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững cho rằng: "Không thể phủ nhận vai trò của công nghệ trong đời sống ngày nay, nhưng sự phát triển luôn đi kèm mặt trái. Với người bị bắt nạt, để bảo vệ bản thân, bạn nên có những chỗ dựa tinh thần ngoài đời, chủ động tránh tiếp xúc với những tấn công hay nguồn tin tiêu cực".
Theo bà, hành động cấp thiết hơn có thể làm là báo cáo hành vi của kẻ bắt nạt trên nền tảng trực tuyến khi thấy những hành vi vi phạm Tiêu chuẩn Cộng đồng. Các nền tảng như TikTok đều có những cơ chế xét duyệt, xử lý kịp thời khi có báo cáo từ người dùng.
Hành vi của mỗi người trên môi trường mạng có thể quyết định nhân dạng của người đó ngoài đời. Vậy nên, với người dùng mạng nói chung, trước hết phải hiểu đúng về các hành vi bắt nạt trực tuyến, có ý thức trách nhiệm với hành động của mình và đặt mình vào vị trí của người khác. Khi hiểu đúng, cộng đồng nên chung tay đẩy lùi bắt nạt trực tuyến, lên án những hành vi tiêu cực.
Chiến dịch #CreateKindness trên TikTok là một cách góp phần lan toả sự tử tế trên môi trường mạng. Những video với các hashtag liên quan đến sự tử tế như #giupdo (giúp đỡ) thu hút hơn 170 triệu lượt xem, #tuthien (từ thiện) đạt 35 triệu lượt xem và #thiennguyen (thiện nguyện) với 23 triệu lượt xem.
Nhiều nghệ sĩ, nhà sáng tạo đã tích cực tham gia chiến dịch #CreateKindness, bằng cách lan toả các video nâng cao nhận thức...
Nguồn: [Link nguồn]