8 thứ bạn không bao giờ nên lưu trữ trên điện thoại
Lưu trữ các thông tin cá nhân quan trọng trên điện thoại sẽ mang đến nhiều sự tiện lợi, tuy nhiên, đôi khi việc này cũng khiến người dùng phải trả giá.
Trước đây, khi rời khỏi nhà, thứ chúng ta cần mang theo bên mình thường sẽ là bóp, ví dùng để chứa tiền mặt, các loại giấy tờ tùy thân có ảnh, thẻ bảo hiểm, thẻ tín dụng… Tuy nhiên, hiện nay người dùng đã có thể tích hợp một số loại giấy tờ và lưu trữ trực tiếp trên điện thoại, mang đến nhiều sự tiện lợi.
Mặc dù vậy, vẫn có những thứ bạn không nên lưu trữ trên điện thoại để tránh bị xâm phạm quyền riêng tư, đánh cắp danh tính…
Những thứ liên quan đến thông tin cá nhân, giấy tờ thì không nên lưu trữ trên điện thoại. Ảnh: TIỂU MINH
1. Mật khẩu
Mật khẩu được phát minh ra nhằm đảm bảo an toàn cho dữ liệu của chúng ta, tuy nhiên, nhiều người vì không thể nhớ nổi mật khẩu nên đã ghi chú hoặc lưu lại chúng ngay trên điện thoại (không thông qua các biện pháp bảo mật).
Do đó, nếu chẳng may làm rớt hoặc cho người khác mượn điện thoại, họ có thể lén xem và đánh cắp mật khẩu của bạn.
Để hạn chế tình trạng trên, bạn nên sử dụng các phần mềm quản lý mật khẩu như Bitwarden, 1Password, LastPass…
2. Dấu vân tay
Nếu bạn muốn giữ an toàn cho điện thoại và các thông tin cá nhân, hãy hạn chế sử dụng dấu vân tay làm phương thức bảo mật. Trong thực tế, kẻ cướp có thể uy hiếp và buộc bạn sử dụng vân tay để mở khóa thiết bị. Ngoài ra, dấu vân tay cũng có khả năng bị đánh cắp.
3. Khuôn mặt của bạn
Một số báo cáo cho thấy, việc sử dụng khuôn mặt để mở khóa điện thoại sẽ kém an toàn hơn so với việc sử dụng mật khẩu.
4. Ảnh và video cá nhân
Nếu bạn có những bức ảnh mà bạn không muốn cha mẹ, vợ/chồng, con cái… xem được thì bạn không nên lưu trữ chúng trên điện thoại.
Thay vào đó, người dùng nên lưu trữ hình ảnh và video cá nhân trên đám mây hoặc máy tính, đồng thời sử dụng các phần mềm bảo vệ để đặt mật khẩu cho những nội dung này.
Bảo vệ hình ảnh, video riêng tư bằng mật khẩu. Ảnh: TIỂU MINH
5. Bất kỳ hình ảnh nào chứa thông tin cá nhân
Để tiết kiệm thời gian khi làm lại giấy tờ, nhiều người thường có thói quen chụp lại hình ảnh của thẻ tín dụng, các loại giấy tờ tùy thân… Tuy nhiên, việc này cũng vô tình tạo điều kiện cho kẻ gian có thêm thông tin để đánh cắp tiền hoặc giả mạo danh tính của bạn.
Do đó, người dùng nên lưu trữ những dữ liệu này trong một thư mục hoặc phần mềm được bảo vệ bằng mật khẩu.
6. Không lưu dữ liệu cá nhân trên thiết bị do công ty cung cấp
Nếu công ty cấp cho bạn máy tính, điện thoại… để làm việc, bạn không nên lưu trữ tất cả dữ liệu cá nhân, thông tin nhạy cảm trên những thiết bị này.
7. Tài khoản ngân hàng trực tuyến
Với sự phát triển của công nghệ, người dùng có thể tiến hành thanh toán hóa đơn, mua hàng, chuyển khoản… cho bạn bè, người thân ở bất cứ đâu mà không cần phải ra trực tiếp ngân hàng.
Tuy nhiên, người dùng nên đặt mật khẩu cẩn trọng và không lưu trữ chúng trên điện thoại. Trong trường hợp rơi rớt hoặc mất cắp điện thoại, tài khoản ngân hàng của bạn cũng không bị lộ lọt.
Không lưu trữ mật khẩu, tài khoản ngân hàng trên điện thoại. Ảnh: TIỂU MINH
8. Địa chỉ nhà
Lưu trữ địa chỉ nhà trên các ứng dụng điều hướng (bản đồ) hoặc đặt xe sẽ giúp việc di chuyển thuận lợi hơn. Tuy nhiên, nếu kẻ trộm lấy được điện thoại của bạn, họ có thể biết được địa chỉ nhà riêng, cơ quan của bạn, đồng thời biết được lộ trình di chuyển, thói quen, thời điểm ra khỏi nhà… từ đó tìm cách đột nhập vào nhà của bạn.
Nhìn chung, trên đây là 8 thứ bạn không bao giờ nên lưu trữ trên điện thoại để tránh bị tấn công và mất cắp dữ liệu.
Nếu cảm thấy hữu ích, bạn đừng quên chia sẻ bài viết trên Kỷ Nguyên Số cho nhiều người cùng biết hoặc để lại bình luận khi gặp rắc rối trong quá trình sử dụng.
Nguồn: [Link nguồn]
(PLO)- Mới đây, các nhà nghiên cứu đã phát hành một công cụ mới có tên là Snappy, có thể phát hiện các điểm truy cập WiFi lừa đảo, giả mạo để đánh cắp dữ liệu.