8 thắc mắc về app PC-Covid: Tại sao luôn bật BLE và cần quyền truy cập vị trí?
Khi cài đặt đặt app PC-Covid trên Android và kích hoạt Bluetooth năng lượng thấp (BLE) thì máy sẽ xin cấp quyền vị trí, điều này là do chính sách của Google.
PC-Covid là ứng dụng phòng, chống dịch COVID-19 Quốc gia do Bộ Y tế, Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông làm chủ quản. Đơn vị vận hành PC-Covid là Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 Quốc gia, dưới sự tài trợ phát triển của các tập đoàn BKAV, Viettel và VNPT.
Khi đi vào hoạt động, app PC-Covid sẽ chỉ tích hợp và thay thế các ứng dụng phòng chống dịch do bộ và Bộ Y tế đang triển khai, vận hành (Bluezone, NCOVI, Tờ khai y tế,...). Còn các ứng dụng về phòng chống dịch của một số địa phương đã triển khai sẽ vẫn tiếp tục hoạt động.
Song ứng dụng PC-Covid sẽ không thay thế ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử vì Sổ sức khỏe điện tử được xác định sẽ thay thế sổ khám sức khỏe giấy, theo mỗi cá nhân cả đời, phục vụ công tác khám chữa bệnh đa dạng, chứ không riêng mỗi chuyện tiêm phòng COVID-19.
Dưới đây là một số câu hỏi liên quan ứng dụng PC-Covid, được đăng tải tại website chính thức https://pccovid.gov.vn/:
1. Ứng dụng PC-Covid là gì?
PC-Covid là ứng dụng phòng, chống dịch COVID-19 Quốc gia.
PC-Covid được được phát triển phục vụ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, để Việt Nam có thể "bình thường mới".
Các tính năng chính của ứng dụng: Cấp, quản lý mã QR cá nhân và địa điểm; Quét mã QR; Khai báo y tế; Khai báo di chuyển nội địa; Phản ánh của người dân; Thông tin tiêm vắc-xin; Thông tin xét nghiệm; Thẻ COVID-19; Truy vết tiếp xúc gần; Mật độ di chuyển; Xu hướng lây nhiễm; Bản đồ nguy cơ;...
Ứng dụng PC-Covid cấp cho mỗi người dùng một mã QR.
2. Mã QR cá nhân dùng để làm gì?
Mỗi người dân được cấp 1 mã QR cá nhân duy nhất, khi đến cơ quan và các địa điểm công cộng: Siêu thị, trường học, bệnh viện,… phải quét mã QR để xác nhận thời gian, địa điểm đến, phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh.
Mã QR cá nhân còn có tác dụng trong nhiều trường hợp khác như: Cấp thẻ xanh vắc-xin, xét nghiệm, khai báo y tế nhanh…
3. Mã QR địa điểm dùng để làm gì?
Các địa điểm: Cơ quan, siêu thị, trường học, bệnh viện, nơi công cộng… được cấp mã QR địa điểm và phải đảm bảo khi người dân vào, ra địa điểm phải được quét mã QR để xác nhận thời gian người dân đến, phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh.
4. Làm thế nào để tạo mã QR cá nhân?
Khi cài đặt ứng dụng PC-Covid, người dân chỉ cần cập nhật đầy đủ, trung thực theo các thông tin được hướng dẫn như số điện thoại, địa chỉ,… là ứng dụng sẽ tự tạo và cấp mã QR cá nhân.
5. Nếu không có điện thoại thông minh thì làm sao để có QR cá nhân?
Người dân có thể dùng mã QR trên thẻ Bảo hiểm Y tế hoặc Thẻ căn cước công dân để thay thế.
Người dân cũng có thể nhờ người thân vào ứng dụng PC-Covid khai hộ bằng cách: Vào mục “Khai báo Y tế”, chọn “Khai hộ” để khai báo và lấy mã QR cá nhân, sau đó in mã QR ra và dùng bản in này.
6. Nếu không có điện thoại thông minh thì làm sao để tạo QR địa điểm?
Nếu không có điện thoại thông minh, bạn có thể nhờ người thân có điện thoại thông minh để tạo QR địa điểm trên ứng dụng PC-Covid.
PC-Covid yêu cầu quyền truy cập vị trí smartphone Android, nhưng sẽ không sử dụng tới.
7. Ứng dụng có lưu lại thông tin của người dùng không? Người dùng có bị theo dõi không?
Ứng dụng không ghi nhận cũng như sử dụng vị trí của người dùng. Khi cài đặt đặt ứng dụng trên Android và kích hoạt Bluetooth thì máy sẽ xin cấp quyền vị trí, điều này là do chính sách của Google: Khi bật Bluetooth năng lượng thấp (BLE) máy sẽ tự động xin quyền vị trí. Tuy nhiên, PC-Covid không sử dụng tới quyền đó.
Ứng dụng chỉ lưu dữ liệu lịch sử tiếp xúc trên máy của người dùng và không thu thập vị trí. Dữ liệu lịch sử tiếp xúc sẽ chỉ được sử dụng để phục vụ cơ quan y tế khi có sự đồng ý của người dùng hoặc trong trường hợp người dùng là ca nhiễm, ca nghi nhiễm.
Dữ liệu của người dùng phục vụ phân tích, truy vết các ca nhiễm, ca nghi nhiễm sẽ được lưu trữ và bảo mật bởi cơ quan chính phủ và chỉ sử dụng vào mục đích giúp người dân bảo vệ sức khoẻ và chống dịch bệnh, tuyệt đối không sử dụng vào mục đích thương mại, không xâm phạm đời tư.
8. Tại sao dùng ứng dụng máy phải luôn bật Bluetooth?
Tính năng Truy vết tiếp xúc là một tính năng rất quan trọng của ứng dụng, chỉ hoạt động hiệu quả khi điện thoại bật Bluetooth. Tuy nhiên, PC-Covid chỉ sử dụng công nghệ Bluetooth BLE năng lượng thấp tiết kiệm pin (Bluetooth Low Energy), nên người dùng hoàn toàn yên tâm sử dụng. Ứng dụng chỉ tiêu thụ khoảng 10% năng lượng pin nếu sử dụng cả ngày.
Bluetooth luôn bật và ứng dụng PC-Covid luôn chạy nền để kịp thời phát hiện các tiếp xúc gần với người nhiễm, nghi nhiễm COVID-19.
App PC-Covid Viet Nam đã được phát hành trên App Store và Google Play dưới bản cập nhật 4.0 của ứng dụng Bluezone.
Nguồn: [Link nguồn]