7 lời khuyên để hạnh phúc thời công nghệ
Người dùng nên có những nguyên tắc sử dụng thiết bị và dịch vụ công nghệ theo hướng tích cực để cuộc sống trở nên hạnh phúc hơn.
Theo The Huffington Post, khi các thiết bị công nghệ ngày càng ăn sâu vào cuộc sống thì nó có thể khiến con người ngày càng rời xa thực tế. Cụ thể, mạng xã hội Facebook, điện thoại thông minh, máy tính,... là những tác nhân chính làm thay đổi cuộc sống của con người. Đứng trước thực trạng này, người dùng nên có những nguyên tắc sử dụng thiết bị và dịch vụ công nghệ tích cực để cuộc sống trở nên hạnh phúc hơn.
1. Hãy chia sẻ cảm xúc với mọi người
Một nghiên cứu mới đây cho thấy, khi một người dùng internet chia sẻ cảm xúc trên mạng xã hội thì nó sẽ giúp người này cảm thấy hạnh phúc hơn, bởi đơn giản chia sẻ thông tin lên mạng xã hội sẽ tạo nên sự tương tác 2 chiều. Nhờ đó, người dùng sẽ được chia sẻ, nhận được sự quan tâm của một cộng đồng rộng lớn.
2. Hãy tham gia các nhóm, hội yêu đời trên mạng xã hội
Trên mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, có rất nhiều các nhóm, hội khác nhau. Và người dùng phải sáng suốt lựa chọn tham gia những nhóm, hội thường xuyên chia sẻ những thông tin vui tươi, yêu đời. Không chỉ vậy, đây còn là những nơi giúp bạn học được nhiều thông tin bổ ích trong việc giữ gìn sức khỏe, tinh thần.
3. Cởi mở hơn khi kết bạn trực tuyến
Các dịch vụ chat Viber, Zalo, WhatsApp,... là công cụ đắc lực giúp kết nối mọi người lại với nhau. Thậm chí các dịch vụ này còn cung cấp tính năng tìm bạn bè ở gần theo vị trí địa lý, từ đó tình bạn ảo dễ trở thành thực tế hơn. Hãy xem đó như là một môi trường tốt để có thêm bạn mới. Song đừng dành quá nhiều thời gian cho nó, và cũng phải tinh tế xem xét, đánh giá người bạn ảo kia.
4. Tắt máy tính, điện thoại để ra đời sống thực
Thay vì dùng máy tính, điện thoại để trò chuyện với bạn bè, bạn hãy tạm tắt chúng đi và ra ngoài gặp gỡ bạn bè ở một quán nước hay một công viên để tham gia các hoạt động ngoại khóa, trò chuyện mặt đối mặt thực tế hơn.
5. Thử viết thư tay cho một người bạn tri kỷ ở xa
Ai cũng sẽ có những người bạn trong thuở thơ ấu, bạn học và cả những người bạn vô tình gặp gỡ ngoài đời. Nếu một người khoảng cách giữa hai người khá xa nhau nhưng vẫn nghĩ về nhau thì hãy thử viết cho nhau những bức thư tay, thay vì gửi thư điện tử. Đây là một cách giúp bạn tránh xa công nghệ để lại một niềm hạnh phúc bình dị thật sự.
6. Không mua sắm trực tuyến khi có thể đi mua trực tiếp
Không thể phủ nhận tiện ích mang lại của các trang web thương mại điện tử. Song nếu bạn có thời gian và có sức khỏe để bước ra khỏi nhà, tới cửa hàng, siêu thị để mua một món đồ thì nên đi mua trực tiếp. Thứ nhất, hành động này giúp bạn sống gần gũi với thực tế hơn là những thông tin số hóa trên màn hình máy tính. Thứ hai, trực tiếp xem xét sản phẩm cần mua sẽ giúp bạn chọn lựa được sản phẩm ưng ý nhất, hạn chế tình trạng không hài lòng về sau.
7. Không để lộ quá nhiều thông tin trên internet
Thông qua các dịch vụ trực tuyến, người dùng sẽ khai báo rất nhiều thông tin cá nhân. Tuy nhiên, có những thông tin nên và không nên chia sẻ. Chẳng hạn, việc lựa chọn một bức ảnh nhỏ để làm ảnh đại diện hay khai báo địa chỉ email là cần thiết để định dạnh trên internet. Ngược lại, địa chỉ nhà riêng, nhiều hình ảnh cá nhân, công việc,... nên được bảo mật hơn.
The Huffington Post cũng từng lưu ý rằng, bạn có thể đăng tải một bức ảnh lên Facebook rồi xóa đi, nhưng bức ảnh này có thể vẫn còn đâu đó trên internet. Nguy hiểm hơn là khi người dùng đăng tải càng nhiều hình ảnh thì Facebook càng ngày sẽ càng định danh ra bạn chính xác hơn, song nhiều người không mong muốn điều này.