6 ứng dụng Trung Quốc thu thập dữ liệu, gian lận quảng cáo
Mới đây, Google đã xóa bỏ 6 ứng dụng của DU Group (Trung Quốc) khỏi Google Play do vi phạm chính sách, cụ thể là gian lận quảng cáo và thu thập dữ liệu người dùng.
6 ứng dụng do DU Group phát triển đã được tải xuống 90 triệu lần trước khi bị Google gỡ bỏ do vi phạm chính sách. Đơn cử như ứng dụng Camera Selfie có hơn 50 triệu lượt tải xuống, những ứng dụng còn lại gồm Total Cleaner, Smart Cooler, RAM Master, Omni Cleaner có hơn 10 triệu lượt tải xuống, cuối cùng là AIO Flashlight với 1 triệu lượt tải xuống.
Ngoài những ứng dụng kể trên, các nhà nghiên cứu còn phát hiện phần mềm Samsung TV Remote Control (ứng dụng điều khiển từ xa) được phát triển bởi Peel Technologies, sử dụng micro trên điện thoại để ghi lại âm thanh. Tương tự, ứng dụng Chinese-language dành cho trẻ em cũng tự ý gửi dữ liệu không được mã hóa về các máy chủ tại Trung Quốc.
Đây không phải là lần đầu tiên các nhà nghiên cứu phát hiện được những ứng dụng gian lận quảng cáo. Trong năm 2017, công ty bảo mật eZanga đã phát hiện khoảng 300 ứng dụng trên Google Play tự động nhấp vào quảng cáo, giống như cách mà các ứng dụng của DU Group đang thực hiện.
Vào tháng 11-2018, các nhà phân tích cũng phát hiện 8 ứng dụng do Cheetah Mobile (Trung Quốc) và Kika Tech phát triển có hành vi gian lận quảng cáo.
Cheetah Mobile là công ty Trung Quốc từng bị buộc tội khi có những hành vi gian lận trong kinh doanh vào năm ngoái. Tương tự, Kika Tech cũng là một công ty Trung Quốc có trụ sở tại Silicon Valley và đã từng nhận một khoản đầu tư lớn từ Cheetah vào năm 2016.
8 ứng dụng được phát hiện bởi Kochava đã có hơn 2 tỉ lượt tải trên Google Play và khoảng 700 triệu người dùng sử dụng hàng ngày. Danh sách các ứng dụng bị phát hiện gian lận thuộc Công ty Cheetah Mobile bao gồm Clean Master, Security Master, CM Launcher 3D, Battery Doctor, Cheetah Keyboard, CM Locker, CM File Manager và ứng dụng cuối cùng là Kika Keyboard.
Trước đó vào năm 2017, cơ quan tình báo của Ấn Độ đã phát hiện 42 ứng dụng có thể gây tổn hại đến an ninh quốc gia và gửi dữ liệu về Trung Quốc.
Tờ The Print (Ấn Độ) cho biết giới chức nước này đã nhận được thông báo về việc format (định dạng) smartphone và xóa các ứng dụng mà cơ quan tình báo vừa phát hiện để tránh bị rò rỉ dữ liệu quan trọng. Trong 42 ứng dụng bị phát hiện có khá nhiều tên tuổi phổ biến như TrueCaller, WeChat, UC Browser, Clean Master,...
Những ứng dụng này được phát triển bởi các công ty Trung Quốc hoặc có liên kết với các phần mềm độc hại. Trước đó không lâu, vào tháng 4-2015, một công ty an ninh mạng tại Singapore đã phát hiện ra mạng lưới gián điệp mạng của Trung Quốc nhắm vào các mục tiêu quân sự, hàng không vũ trụ và ngành hàng hải của Ấn Độ.
Việc này sẽ khiến các nhà quảng cáo bị tổn hại doanh thu, đồng thời điện thoại sẽ chạy chậm hơn. Các ứng dụng sẽ “ngốn” RAM, CPU và liên tục chạy nền, ảnh hưởng không nhỏ đến thời lượng sử dụng pin và dữ liệu 4G hàng tháng.
Việc thu thập dữ liệu trái phép khiến không ít người dùng cảm thấy lo ngại. Mark Warner, một thượng nghị sĩ Mỹ nhấn mạnh, dữ liệu người dùng có thể được sử dụng khi chính phủ Trung Quốc yêu cầu.
Gian lận quảng cáo đã trở thành một trong những vấn nạn nhức nhối trên Google Play. Hiện tại, gã khổng lồ tìm kiếm vẫn chưa giải quyết được mối lo ngại này.
Công nghệ khiến cho cuộc sống tại Trung Quốc tiện lợi hơn, dễ dàng hơn, giàu có hơn nhưng người dân bị kiểm soát chặt...