6 lời khuyên bảo vệ con trẻ thời Internet "siêu kết nối"
Trẻ em trong thời đại ngày nay có nhiều nguy cơ bị người lạ dụ dỗ, bị bắt nạt trên mạng và thậm chí bị đánh cắp thông tin cá nhân ở trường học.
Theo nghiên cứu Disrupting Harm do UNICEF, ECPAT International và Interpol thực hiện, hầu hết trẻ em Việt Nam có vẻ sở hữu một số kiến thức về các kỹ năng an toàn trên môi trường trực tuyến, chẳng hạn như như biết cách báo cáo nội dung có hại trên mạng xã hội. Tuy nhiên, chỉ 36% các em đã nắm được cách làm thế nào để trở nên an toàn trên mạng. Trong năm qua, có 1% người dùng Internet trong độ tuổi 12 - 17 ở Việt Nam là nạn nhân của bóc lột và xâm hại tình dục qua mạng.
Trẻ em cần được bảo vệ khi truy cập Internet. (Ảnh minh họa: Kelly Sikkema/Unsplash)
Một báo cáo khác của Kaspersky thì tiết lộ, Gen Z hoặc những người trong độ tuổi từ 11 - 26 là nhóm người có xu hướng chia sẻ quá mức. Họ cho rằng mình hiểu biết về bảo mật trực tuyến, nhưng lại dễ bị lừa đảo nhất. Khoảng 55% người tham gia khảo sát thừa nhận đã đưa thông tin cá nhân của mình như tên, ngày sinh và địa điểm lên mạng xã hội. 72% trong số họ không thể xác định được các vụ lừa đảo và 26% thú nhận đã trở thành nạn nhân của một vụ lừa đảo.
Ông Yeo Siang Tiong - Tổng Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Kaspersky cho biết: Trước đây, khi đến mùa tựu trường, phụ huynh thường lo lắng nhất về điểm học bạ của con mình. Tuy nhiên, vấn đề này không còn nữa. Các bậc phụ huynh Việt Nam cũng như nhiều bậc phụ huynh khác trên thế giới, hiện đang nuôi dạy những đứa trẻ “siêu kết nối” (hyper-connected) và mối quan tâm lớn hiện tại của họ là liệu con họ có trở thành mục tiêu của tội phạm mạng hay không. Không ai có thể đổ lỗi cho các em, vì trẻ em trong thời đại ngày nay có nhiều nguy cơ bị người lạ dụ dỗ, bị bắt nạt trên mạng và thậm chí bị đánh cắp thông tin cá nhân ở trường học.
“Từ góc độ bảo mật, không quan trọng nạn nhân đang 6 tuổi hay 56 tuổi. Chúng ta đang sống trong một thế giới mà mỗi người là một công dân kỹ thuật số và "dấu chân" kỹ thuật số của chúng ta đang lan rộng từng ngày. Nếu tại thời điểm này, người lớn vẫn tiếp tục rơi vào bẫy của tội phạm mạng thì không thể mong đợi trẻ em biết những điều cần tránh trong thế giới kỹ thuật số. Vì vậy, việc bảo vệ trẻ em nên là ưu tiên hàng đầu của chúng ta với tư cách là cha mẹ”, ông Yeo cảnh báo.
6 biện pháp để nuôi dạy con trẻ an toàn trong thế giới kỹ thuật số:
1. Nói chuyện thường xuyên với con
Trong một nghiên cứu toàn cầu do Kaspersky thực hiện dựa trên ý kiến của 8.793 phụ huynh có con từ 7 - 12 tuổi, 58% phụ huynh thừa nhận đã dành tổng cộng chưa đến 30 phút trong suốt thời thơ ấu của con mình để nói về an toàn trên Internet. Chỉ 11% nói rằng họ đã dành hơn 2 giờ để nói chuyện với con về những mối nguy hiểm.
Nhà tâm lý học nổi tiếng Emma Kenny khuyên các bậc phụ huynh nên dành 10 phút mỗi ngày trước khi đi ngủ để thảo luận về một ngày của con, bao gồm cả hoạt động trực tuyến của chúng. Hãy yêu cầu con chia sẻ về mặt tích cực và tiêu cực mà chúng gặp phải trên mạng. Điều này không chỉ bình thường hóa cuộc trò chuyện về bảo vệ Internet mà còn góp tăng cường cách tiếp cận an toàn, thông minh của trẻ trên không gian mạng.
2. Giáo dục bản thân và con cái
Các bậc phụ huynh chỉ cảm thấy tự tin khi nói chuyện với con mình về thế giới mạng khi họ thật sự hiểu nó. Hãy dành thời gian để đọc các xu hướng, trò chơi và kênh mới nổi để hiểu cách chúng có thể ảnh hưởng đến hoạt động trực tuyến của con.
Ngoài ra, hãy thảo luận về công nghệ và những mối nguy hiểm tiềm tàng với con, ngay cả khi bạn phải giả ngơ và yêu cầu con giúp bạn thiết lập một tài khoản mạng xã hội. Bằng cách thể hiện rằng bạn tin tưởng con với tư cách là một “giáo viên”, điều đó càng tạo dựng được sự tin tưởng lẫn nhau.
3. Xây dựng bầu không khí cởi mở, thoải mái
Một tình huống lý tưởng là các bậc phụ huynh có khả năng nhận biết được nếu có bất cứ điều gì khiến con cảm thấy khó chịu, bị đe dọa hoặc không vui. Hãy đối phó với bắt nạt trên không gian mạng như vấn nạn bắt nạt ngoài đời thực, bằng cách khuyến khích con cởi mở và nói chuyện với một người lớn đáng tin cậy (tốt nhất là phụ huynh) nếu con nhận được bất kỳ tin nhắn đe dọa hoặc không phù hợp nào.
4. Đặt ra ranh giới rõ ràng
Thiết lập các quy tắc cơ bản rõ ràng, phù hợp với lứa tuổi của con về những gì được làm và không được phép làm trên mạng. Đồng thời, hãy giải thích lý do các quy tắc này được áp dụng và giúp con nhận thức được hậu quả của những việc không nên làm. Chẳng hạn: Thời điểm mà con không nên sử dụng công nghệ hoặc truy cập đến một địa chỉ cụ thể, hay những vấn đề liên quan đến việc chia sẻ một bức ảnh trực tuyến sẽ tồn tại mãi mãi trên Internet và có khả năng tác động đến cuộc sống cũng như nghề nghiệp của con trong tương lai.
5. Sử dụng các tài nguyên có sẵn
Cha mẹ không thể ở cạnh con cái 24/7 để theo dõi các hoạt động trực tuyến của con. Một bước đi thông minh là sử dụng phần mềm kiểm soát đáng tin cậy dành cho phụ huynh để thiết lập khuôn khổ cho những gì có thể chấp nhận liên quan đến hoạt động trực tuyến của con, bao gồm việc chúng có thể dành bao nhiêu thời gian (và khi nào) trực tuyến, nội dung hoặc loại hoạt động nào nên chặn (phòng trò chuyện, diễn đàn,...).
6. Yêu cầu giúp đỡ từ cơ quan chức năng
Học cách trở thành cha mẹ cần có trải nghiệm, và chắc hẳn ai cũng sẽ phạm sai lầm trên hành trình đó. Không phải ai cũng có cách nuôi dạy con cái giống nhau và điều đó không sao cả, hãy lựa chọn những gì phù hợp với gia đình. Nếu một tình huống có vẻ ngoài tầm kiểm soát, hãy nhớ rằng vẫn còn có sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng địa phương.
Nguồn: [Link nguồn]
Lừa đảo trực tuyến đang phát triển thêm những thủ đoạn mới, buộc cả nhà cung cấp dịch vụ và người dùng để phải thận trọng hơn.