6 HÌNH THỨC LỪA ĐẢO ONLINE TINH VI:
NẠN NHÂN TOÀN MẤT TIỀN TỶ
Cục An toàn thông tin (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa điểm tin 6 hình thức lừa đảo tinh vi mới ở cả trong và ngoài nước.
LỪA ĐẢO "TUYỂN DỤNG CÔNG CHỨC BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NĂM 2024"
Những ngày qua xuất hiện trang thông tin, nhóm Zalo, email mạo danh các đơn vị của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) để cung cấp thông tin, trong đó đăng tải nhiều hình ảnh, bài viết có nội dung phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đồng thời, các đối tượng lồng ghép quảng cáo về các dịch vụ như "tiếp nhận hồ sơ hiệu trưởng/phó hiệu trưởng, thủ quỹ"; "đóng góp quỹ an sinh cho trẻ em vùng cao",... với cam kết được về công tác tại các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.
Thông tin đến người dân, Bộ GD&ĐT khẳng định, hiện tại, đơn vị chỉ cung cấp thông tin chính thức trên môi trường mạng qua hai kênh: Cổng thông tin điện tử Bộ GD&ĐT (https://moet.gov.vn/Pages/home.aspx); và trang thông tin điện tử Bộ GD&ĐT trên nền tảng Facebook (https://www.facebook.com/thongtinbogiaoducvadaotao/).
Bên cạnh đó, hiện nay, Bộ GD&ĐT cùng các đơn vị liên quan cũng KHÔNG phối hợp hay ủy quyền cho bất cứ đơn vị nào để hướng dẫn, nhận hồ sơ của người dân về các chương trình như trên thông qua mạng xã hội.
ĐẦU TƯ VÀO DỰ ÁN GIẢ MẠO "VINPEARL", NGƯỜI PHỤ NỮ BỊ CHIẾM ĐOẠT MẤT GẦN 1,4 TỶ ĐỒNG
Công an TP. Hà Nội vừa tiếp nhận trình báo của một người phụ nữ tên N. (trú tại TP. Hà Nội) về việc bị lừa mất số tiền gần 1,4 tỷ đồng sau khi tham gia dự án có tên “Vinpearl”.
Theo lời kể của nạn nhân, bà N. cho hay quen biết một đối tượng trên mạng xã hội Facebook. Người này thường xuyên trò chuyện tình cảm và tạo lòng tin với bà N. Sau đó, đối tượng dẫn dụ bà N. cùng đầu tư vào dự án có tên "Vinpearl" (giả mạo dự án của tập đoàn Vingroup) và mở tài khoản theo đường link https://vinpearl1.vingroupsvn.com. Tin tưởng, bà N. đã làm theo hướng dẫn của đối tượng và chuyển tiền đến các tài khoản do đối tượng cung cấp.
Tổng số tiền bà N. đã chuyển đi là gần 1,4 tỷ đồng. Khi đầu tư có lãi, và bà N. muốn rút tiền ra thì đối tượng yêu cầu phải nạp thêm 10% số tiền hiện có trong tài khoản. Nghi ngờ mình bị lừa, bà N. đã đến cơ quan công an trình báo.
CẢNH BÁO CHIÊU THỨC LỪA ĐẢO ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN, TIỀN ẢO MỚI
Hiện nay, tình trạng người dân bị các đối tượng tội phạm lừa đảo đầu tư chứng khoán quốc tế, tiền ảo, tiền kỹ thuật số nhằm chiếm đoạt tài sản với các chiêu thức, thủ đoạn hết sức tinh vi.
Các đối tượng sử dụng thủ đoạn tổ chức hội nghị, hội thảo,... lồng ghép giới thiệu quảng cáo về chứng khoán quốc tế, tiền ảo, tiền kỹ thuật số. Mức lợi nhuận vượt trội so với thị trường và dễ dàng rút vốn, lãi là những yếu tố mà các đối tượng đưa ra để lôi kéo người dân, nhà đầu tư.
Ngoài ra, các đối tượng này không cung cấp đầy đủ thông tin về công ty, giấy phép hoạt động, mã số thuế, lịch sử giao dịch, nhân sự quản lý, không được kiểm soát từ cơ quan nhà nước.
Đối tượng yêu cầu người dân, nhà đầu tư chuyển khoản tiền trước khi bắt đầu giao dịch, thường là dưới hình thức phí đăng ký, phí tham gia hoặc tiền ký quỹ. Khi thấy người dân, nhà đầu tư không còn khả năng chuyển tiền, các đối tượng sẽ vô hiệu hóa tài khoản, chặn liên lạc nhằm chiếm đoạt số tiền mà nạn nhân đã chuyển khoản.
GIẢ DANH NHÂN VIÊN CỦA CÔNG TY XỔ SỐ LỪA BÁN SỐ LÔ SỐ ĐỀ, THU LỢI BẤT CHÍNH HƠN 5 TỶ ĐỒNG
Ngày 12/6, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, Công an huyện Yên Định đã điều tra, bắt giữ nhóm đối tượng chuyên lừa đảo, chiếm đoạt tài sản dưới hình thức cho số lô, số đề.
Tại cơ quan công an, các đối tượng bao gồm: Phạm Quốc Khánh (SN 2002), Võ Văn Diệp (SN 1993) và Võ Văn Tân (SN 1993), đều trú phường Hương Văn, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Các đối tượng khai nhận do cần tiêu tiền xài cá nhân nên đã lên mạng tìm cách thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức cho số lô, số đề.
Cụ thể, các đối tượng tạo lập nhiều tài khoản Facebook ảo có tên “Hoàng Mạnh Tuấn”, “Lê Thị Kim Khoa”, “Phan Gia Vũ”, “Lê Thanh Hưng”,... đăng tải các bài viết giả danh nhân viên, lãnh đạo Công ty Xổ số kiến thiết miền Bắc có khả năng biết trước và can thiệp được kết quả quay thưởng xổ số nên có thể cho số lô, số đề chính xác 100%.
Tang vật thu giữ gồm 4 máy tính, 14 điện thoại di động, 3 máy in màu, 30 SIM và phôi SIM, 15 tài khoản ngân hàng các loại, 30 biển tên giả danh nhân viên, lãnh đạo công ty xổ số, 50 biên bản cho số, 2 con dấu cùng nhiều tang vật khác có liên quan.
ẤN ĐỘ: HÌNH THỨC LỪA ĐẢO THÔNG QUA LỜI MỜI LÀM VIỆC ONLINE TẠI NHÀ
Mới đây, chính quyền Ấn Độ đã cảnh báo về việc xuất hiện hình thức lừa đảo thông qua những tin nhắn mời gọi làm việc tại nhà, hứa hẹn người tham gia sẽ được trả mức lương vô cùng hấp dẫn.
Được biết, kẻ lừa đảo sẽ gửi những tin nhắn giả mạo các tập đoàn, công ty có tiếng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Nội dung các tin nhắn chủ yếu bao gồm thông tin ngắn gọn về công việc, thời gian làm việc, tiền lương trả theo ngày và đính kèm một đường link đăng ký. Sau khi bấm vào đường link, nạn nhân sẽ được trực tiếp trao đổi với đối tượng thông qua ứng dụng WhatsApp.
Sau khi trao đổi các thông tin về công việc, đối tượng lừa đảo sẽ gửi một đường link, yêu cầu nạn nhân truy cập nhằm hoàn tất thủ tục đăng ký và trả một khoản phí nhỏ. Đường link này sẽ yêu cầu nạn nhân cung cấp các thông tin ngân hàng như số thẻ, ngày hết hạn, mã CVV,...
Những thông tin nói trên sẽ được đối tượng sử dụng để thực hiện giao dịch chuyển tiền sang ngân hàng của bọn chúng. Số tiền chúng chuyển sẽ tùy thuộc vào số dư trong tài khoản của nạn nhân, sau đó sẽ yêu cầu nạn nhân cung cấp mã OTP. Nạn nhân sẽ tưởng rằng đây là giao dịch thanh toán khoản phí.
Sau khi chiếm đoạt tiền thành công, các đối tượng sẽ chặn tin nhắn của nạn nhân, xóa hết các thông tin trên trang cá nhân.
MỸ: THỊ TRẤN ARLINGTON THẤT THOÁT HÀNG NGHÌN USD DO SẬP BẪY LỪA ĐẢO EMAIL
Mới đây, đại diện chính quyền thị trấn Arlington (Massachusetts, Mỹ) - ông Jim Feeney cho biết, thị trấn đã phải chịu tổn thất về mặt tài chính sau khi mắc bẫy lừa đảo của một nhóm tin tặc mạo danh đơn vị cung cấp vật liệu xây dựng. Được biết, thị trấn đã bị lừa chuyển tiền theo định kỳ hàng tháng nhằm phục vụ cho quá trình xây dựng trường học.
Ban đầu, nhóm tội phạm chiếm quyền kiểm soát tài khoản email thuộc quyền sở hữu của các nhân viên làm việc trong bộ phận quản lý ngân sách của thị trấn. Với việc truy cập được vào hệ thống thư điện tử, nhóm đối tượng có thể nắm được toàn bộ nội dung tin nhắn, xóa và tắt thông báo khi có tin nhắn mới.
Nhờ đó mà chúng có thể dễ dàng mạo danh đơn vị cung cấp vật liệu xây dựng mà thị trấn đang hợp tác, gửi tin nhắn cho đội ngũ nhân viên với yêu cầu thay đổi hình thức thanh toán từ trả bằng tiền mặt sang chuyển khoản trong thời hạn 4 tháng định kỳ. Thiếu cảnh giác trước thủ đoạn tinh vi, phía thị trấn đã thực hiện chuyển tiền theo thời hạn.
Cho đến khi đơn vị cung cấp chính thống liên hệ và thông báo không nhận được bất cứ một khoản tiền nào trong suốt khoảng thời gian kể trên, ông Feeney cũng như đội ngũ nhân viên mới biết họ đã mắc bẫy lừa đảo. Được biết, nhóm đối tượng đã chiếm đoạt thành công 445.945,73 USD (tương đương gần 11,3 tỷ đồng).