6 điểm nhấn công nghệ thế giới 2024

Sự kiện: Công nghệ
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Thế giới công nghệ 2024 chứng kiến sự bùng nổ của AI tạo sinh, làn sóng robot hình người, trong khi thị trường tiền số khởi sắc.

Trong 12 tháng qua, nhiều sự kiện liên quan đến trí tuệ nhân tạo diễn ra, len lỏi đến mọi mặt trong đời sống thực tế. Hàng chục công ty cũng tham gia cuộc đua robot hình người với nhiều cải tiến quan trọng.

AI tạo sinh bùng nổ

Cuộc chiến AI tạo sinh được đánh giá đang diễn ra tương tự những năm 1990 khi Microsoft và Netscape đối đầu để trở thành trình duyệt tốt nhất. ChatGPT liên tục cải tiến với mô hình mới như GPT-4 hay o1. Google đổi Bard thành Gemini, Microsoft đưa Copilot vào Office, Windows, còn Meta AI cũng được triển khai cho Messenger, Instagram, WhatsApp và web. Character.AI, Viggle, Pixverse, Luma AI cũng tạo dấu ấn với khả năng tùy biến cho nhu cầu riêng. Các công ty Trung Quốc như Baidu, Alibaba, ByteDance... cũng công bố hàng loạt AI tương tự ChatGPT. Dù vậy, làn sóng chatbot được cho là có sự giống nhau giữa các sản phẩm thay vì đột phá.

Nối tiếp xu hướng AI chuyển văn bản thành ảnh, OpenAI tiếp tục là bên mở màn cho cuộc đua AI chuyển văn bản thành video với mô hình Sora hồi tháng 2. Sau đó, Google trình làng Veo, Runway công bố Gen-3 Alpha, Meta ra Movie Gen, còn Adobe cũng giới thiệu công cụ video AI của riêng mình. Tuy nhiên, hiện mới có Sora thương mại hóa đầu tháng 12, còn hầu hết vẫn đang thử nghiệm.

Từ trái sang: Demis Hassabis, John Jumper và Geoffrey Hinton. Ảnh: Google/AP

Từ trái sang: Demis Hassabis, John Jumper và Geoffrey Hinton. Ảnh: Google/AP

AI cũng ghi dấu ấn trong giải Nobel 2024 khi những người thắng giải là chuyên gia trong lĩnh vực. Giáo sư Geoffrey Hinton và John Hopfield đoạt giải Nobel Vật lý nhờ những nghiên cứu làm nền tảng cho AI hiện đại. David Baker, John Jumper và Demis Hassabis được trao Nobel Hóa học với công trình giải mã protein bằng trí tuệ nhân tạo.

Trong khi đó, siêu trí tuệ nhân tạo AGI được đánh giá là đang dần hiện diện sau khi OpenAI o1 xuất hiện ngày 5/12 với "khả năng lập luận, được thiết kế để suy nghĩ kỹ hơn trước khi đưa ra phản hồi". Trước đó, Elon Musk và một số chuyên gia dự đoán AGI có thể có mặt trong 1-2 năm tới.

Cuộc đua AI Phone

Bắt đầu từ triển lãm điện tử tiêu dùng CES 2024 tháng 1, một số smartphone tích hợp AI tạo sinh ra đời, mở ra cuộc đua mới của ngành di động. AI Phone chỉ các mẫu điện thoại có thể hỗ trợ GenAI cục bộ trên thiết bị, thay vì phải xử lý dữ liệu, hình ảnh qua đám mây vốn cần kết nối Internet.

Smartphone AI Pin. Ảnh: Humane

Smartphone AI Pin. Ảnh: Humane

Các thiết bị như Humane AI Pin với mô hình GPT-4 của OpenAI, Rabbit R1 ra lệnh qua nút bấm, hay Brain AI điều khiển bằng giọng nói đã tạo được sự phấn khích ban đầu. Dù vậy, chúng không thuận tiện khi sử dụng thực tế, còn nhiều lỗi, nên hiện chỉ được bán giới hạn hoặc ngừng sản xuất.

Trong khi đó, xu hướng "lai", kết hợp AI chạy cục bộ và qua đám mây, được ưa chuộng hơn và đang nở rộ. Google là hãng đầu tiên giới thiệu điện thoại thông minh GenAI với Pixel 8 Pro vào tháng 12/2023. Samsung ra Galaxy AI trên thế hệ Galaxy S24 đầu 2024. Sau đó, Xiaomi 14 và 14 Ultra trang bị AI Portrait cho phép người dùng "huấn luyện" smartphone bằng khuôn mặt. Mới nhất, Apple đưa Apple Intelligence tích hợp ChatGPT lên iPhone. Theo giới chuyên gia, xu hướng AI lai sẽ tiếp tục diễn ra trong năm tới.

Đội quân robot hình người

Robot hình người được giới công nghệ đánh giá là làn sóng thu hút sự chú ý lớn năm nay, thông qua cuộc đối đầu giữa công ty Mỹ và Trung Quốc.

Ở phía Mỹ, Optimus của Tesla đã đạt được nhiều bước tiến như di chuyển trên địa hình gồ ghề, làm phục vụ, đập trứng, tập yoga... Phiên bản mới của Atlas do Boston Dynamics phát triển cũng từng gây sốt khi có thể hiện sự linh hoạt cao, có thể tự thực hiện các tác vụ không cần con người điều khiển.

Robot Atlas của Boston Dynamics. Video: Boston Dynamics

Các công ty Trung Quốc như Wisson Technology, UBTech, ExRobots, Era Robot... cũng liên tục trình diễn robot thực hiện các nhiệm vụ khác nhau, từ làm pacer trong cuộc đua marathon, leo Vạn lý Trường thành, múa gậy đến phụ trách kiểm tra, lắp ráp xe hơi trong nhà máy. Trong đó, Unitree Robotics chuẩn bị sản xuất hàng loạt G1, đánh dấu việc robot này tiến ra đời thật.

Thị trường tiền số "hồi sinh"

Đầu 2024, giá Bitcoin dao động khoảng 42.000-45.000 USD. Sau gần 12 tháng, giá của tiền số này vượt mốc 100.000 USD.

Đồng xu biểu tượng Bitcoin. Ảnh: Bảo Lâm

Đồng xu biểu tượng Bitcoin. Ảnh: Bảo Lâm

Theo CoinTelegraph, thị trường tiền số khởi sắc nhờ một loạt tin tốt đầu năm: Ủy ban Giao dịch chứng khoán Mỹ SEC phê duyệt cho các quỹ giao dịch trao đổi (ETF) Bitcoin được niêm yết. Đây được xem là cột mốc lớn với ngành công nghiệp tiền số rộng lớn, trở thành yếu tố thay đổi cuộc chơi. Người dùng có thể tiếp cận và trao đổi loại tiền số lớn nhất thế giới nhưng không cần trực tiếp nắm giữ.

Thị trường cũng được thúc đẩy khi Donald Trump "quay xe" ủng hộ. Từng chỉ trích Bitcoin là "trò lừa đảo", ông đứng về phía tiền số này trong suốt quá trình tranh cử Tổng thống Mỹ, thậm chí tuyên bố sẽ là "Tổng thống tiền số" và "toàn bộ Bitcoin còn lại sẽ được tạo ra tại Mỹ".

Đà tăng trưởng của Bitcoin và tiền số nói chung được nhận định tiếp tục tăng thời gian tới, ít nhất cho đến khi ông Trump nhậm chức. Một số nhà phân tích nói với Reuters rằng họ kỳ vọng tiền số này có thể tăng lên 150.000 USD giữa năm 2025.

Làn sóng sa thải công nghệ lần thứ hai

Sau cuộc đại sa thải đầu 2023, làn sóng sa thải công nghệ lần thứ hai tiếp tục diễn ra năm nay. Theo dữ liệu từ nền tảng việc làm Layoffs.fyi, tính đến 15/12, có 529 công ty công nghệ đã cho 149.870 nhân viên thôi việc trên toàn cầu.

Bên trong nhà máy D1X của Intel ở Hillsboro, Oregon (Mỹ) hồi tháng 11/2021. Ảnh: Intel

Bên trong nhà máy D1X của Intel ở Hillsboro, Oregon (Mỹ) hồi tháng 11/2021. Ảnh: Intel

Còn theo thống kê của TechCrunch, các tháng có nhiều nhân viên mất việc nhất là tháng 1 với 34.107 người, tháng 4 với 22.423 người, tháng 8 là 26.024 người. Intel sa thải nhiều nhất với hơn 15% lực lượng lao động, tương đương 17.500 người. Dell lên kế hoạch cắt giảm 10% nhân sự, tức 12.000 nhân viên, còn Cisco thông báo điều chỉnh 7% nhân sự, hay 6.000 người.

Theo giới chuyên gia, trong làn sóng thứ nhất, nguyên nhân chủ yếu do kinh tế khó khăn sau đại dịch và tình trạng tuyển dụng quá mức nên phải cắt giảm. Còn đợt sa thải thứ hai được đánh giá có sự tác động lớn từ "bóng ma AI", do nhiều công ty tự động hóa và đổi mới cách thức vận hành. Khi tổ chức dồn lực vào AI, họ cần huy động nguồn tiền lớn, dẫn đến các bộ phận truyền thống, không còn phù hợp bị loại bỏ.

Sự cố màn hình xanh

Ngày 19/7, nhiều hệ thống lớn tại sân bay, bệnh viện, doanh nghiệp trên toàn cầu bất ngờ ngưng trệ, không thể hoạt động ổn định do gặp lỗi màn hình xanh chết chóc (Blue Screen Of Death - BSOD), gây thiệt hại ước tính hàng tỷ USD.

"Màn hình xanh chết chóc" xuất hiện ở một sân bay Mỹ. Ảnh: X/Max Spero

"Màn hình xanh chết chóc" xuất hiện ở một sân bay Mỹ. Ảnh: X/Max Spero

Vấn đề được xác định bắt nguồn từ bản cập nhật phần mềm của công ty an ninh mạng CrowdStrike. CrowdStrike sau đó giải thích sự cố khiến hàng loạt thiết bị Windows chuyển xanh là do quy trình kiểm soát chất lượng file cập nhật sơ sài. Theo công bố của Microsoft, 8,5 triệu máy tính chạy Windows bị ảnh hưởng, nhưng Reuters cho rằng con số thực tế có thể nhiều hơn thế.

Giới chuyên gia đánh giá sự cố cho thấy sự mong manh của các hệ thống khi phụ thuộc vào một nhà cung cấp duy nhất. Bên cạnh đó, công nghệ đem đến cho con người sự tiện lợi tối đa, nhưng khi các hệ thống ngày càng phức tạp, mọi thứ có thể sụp đổ từ những lỗi đơn giản.

Nguồn: [Link nguồn]

ChatGPT "mở mắt nhìn đời" với tính năng video và chia sẻ màn hình chính thức ra mắt.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bảo Lâm ([Tên nguồn])
Công nghệ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN