6 dấu hiệu thiết bị của bạn đã bị hack và cách xử lý

Hiểu rõ những dấu hiệu bất thường khi sử dụng thiết bị thông minh để biết được các điện thoại hoặc máy tính của bạn có đang bị kẻ lạ thao túng, phá hoại từ xa hay không.

6 dấu hiệu thiết bị của bạn đã bị hack và cách xử lý - 1

Khi công nghệ ngày càng phát triển thì các thủ đoạn tấn công của tin tặc ngày càng tinh vi. Thời nay, đôi khi chỉ cần ấn vào một đường link lạ là thiết bị bạn đã có thể bị kẻ xấu xâm nhập và tấn công. 

Những cuộc tấn công không phải lúc nào cũng rõ ràng và dễ phát hiện. Tin tặc hoàn toàn có thể bí mật thu thập thông tin cá nhân của bạn, thậm chí kiểm soát và thao túng thiết bị từ xa mà bạn không hề hay biết. Do đó, hãy trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về các dấu hiệu thiết bị của bạn đang bị tấn công.

Kẻ gian thông báo cho bạn

Dấu hiệu đầu tiên cũng là hiển nhiên nhất đó là thiết bị của bạn bỗng dưng hiển thị một thông báo nội bộ với nội dung là bạn đã bị tấn công. Một trường hợp khác, kẻ gian sẽ liên hệ với bạn thông qua điện thoại hoặc tin nhắn để báo tin.

Đa phần các thông báo và tin nhắn dạng này sẽ thường bắt bạn phải thực hiện một yêu cầu một hành động nào đó, đa phần là tống tiền.

Cách xử lý: Trong trường hợp này chúng ta không nên hoảng loạn, đầu tiên phải bình tĩnh. Nếu kẻ xấu không chứng minh được chúng đang kiểm soát thiết bị của bạn thì khả năng đây chỉ là một lời hù dọa.

6 dấu hiệu thiết bị của bạn đã bị hack và cách xử lý - 2

Nếu chủ thể bị tấn công là một tài khoản mạng như Gmail hay Facebook, hãy hỏi rõ tài khoản nào đang bị kiểm soát. Tìm cách thay đổi mật khẩu và tăng cường bảo mật các tài khoản này. Có thể chúng đang sử dụng một mật khẩu cũ để đe dọa bạn. Tin tặc thực sự sẽ mã hóa toàn bộ thông tin của bạn ngay khi xâm nhập.

Trong trường hợp bạn thực sự bị tấn công, hãy nhớ rằng không bao giờ chấp thuận điều kiện của chúng. Việc trả tiền cho tin tặc không giúp bạn khôi phục dữ liệu mà chỉ làm giàu thêm cho chúng.

Hãy xóa sạch toàn bộ dữ liệu, cài lại hệ điều hành và khôi phục lại các dữ liệu đã lưu trữ trong nguồn sạch. Tốt nhất nên lựa chọn các nguồn lớn, đảm bảo như Drive hay Dropbox để back up dữ liệu thường xuyên.

Không thể đăng nhập

Một dấu hiệu khác cho thấy bạn đang bị tấn công là thông tin đăng nhập liên tục báo sai. Khả năng là kẻ gian đã xâm nhập và thay đổi thông tin, chặn bạn có thể tiếp cận và xử lý.

6 dấu hiệu thiết bị của bạn đã bị hack và cách xử lý - 3

Cách xử lý: Truy vấn tài khoản đăng ký để xác thực người dùng và thay đổi mật khẩu nếu có thể. Đối với các tài khoản Facebook và Gmail đều có các bước bảo mật nhiều lớp thông qua số điện thoại và các thông tin mật.

Trong trường hợp không thể khôi phục tài khoản, hãy liên hệ với nhà cung cấp và nhanh chóng tạm ngưng tài khoản để ngăn chặn kẻ gian gây nhiều thiệt hại hơn. 

Các hành vi không xuất phát từ bạn

Đây là một dạng tấn công thường gặp khi tài khoản của bạn đăng tải những đường link lạ, gửi tin nhắn bất thường đến bạn bè và người thân.

Cách xử lý: Tương tự hãy cố gắng khắc phục tài khoản và liên hệ với nhà cung cấp để được hỗ trợ. Bên cạnh đó, nhớ đăng tải lên mạng xã hội lời xin lỗi và cảnh báo người thân và bạn bè, đồng nghiệp về việc mình bị tấn công.

Trình duyệt của bạn hoạt động bất thường

Một yếu tố khác để nhận biết hacker là thông qua hoạt động của trình duyệt. Ví dụ như trang chủ thông thường của bạn bỗng dưng bị thay thế bằng những công cụ tìm kiếm lạ hoắc. Các kết quả tìm kiếm đều dẫn đến những trang web kỳ lạ bạn chưa từng biết tới. Các trang web và địa chỉ quen thuộc của bạn thay đổi hiển thị vô cùng lạ lùng

6 dấu hiệu thiết bị của bạn đã bị hack và cách xử lý - 4

Khả năng cao trình duyệt của bạn đã bị chiếm quyền kiểm soát. Thông thường, khi một trình duyệt bị tấn công, bạn sẽ bị chuyển hướng đến các phiên bản giả mạo của các trang web được kiểm soát bởi tin tặc đã tạo ra phần mềm độc hại. Sau đó, họ có thể thu thập thông tin chi tiết của bạn và có quyền truy cập vào các trang web khác như dịch vụ ngân hàng trực tuyến bằng tên của bạn.

Cách xử lý: Trước tiên, bạn nên gỡ cài đặt bất kỳ phần mềm nào mới được thêm vào hệ thống. Bạn cũng nên tìm bất kỳ ứng dụng lạ xuất hiện trong máy và gỡ bỏ chúng.

Điều này thường không đủ để loại bỏ vấn đề, vì vậy sau khi kết thúc quá trình gỡ cài đặt thông thường, sau đó bạn cần sử dụng một công cụ loại bỏ phần mềm độc hại triệt để như Malwarebytes.

Máy tính/điện thoại có những biểu hiện lạ

Có một số dấu hiệu thường bị bỏ qua vì không hiển thị rõ ràng. Ví dụ là thiết bị của bạn chạy rất chậm và luôn hoạt động 100% công suất. Pin năng lượng cạn nhanh hơn bình thường, các ứng dụng và thư mục tự động chạy và tắt, chuột tự di chuyển...Các dấu hiệu này chứng tỏ kẻ lạ đã giành được quyền kiểm soát toàn bộ thiết bị của bạn.

Cách xử lý: Trước hết, ngắt kết nối thiết bị đó khỏi internet. Thứ hai, nếu bạn có thể, hãy chạy phần mềm chống phần mềm độc hại và chống vi-rút.

Tốt nhất bạn nên khôi phục cài đặt gốc hoặc xóa hoàn toàn và cài đặt lại hệ thống đó. Có thể tìm đến các chuyên gia máy tính, tìm cách xóa tòan bộ dữ liệu độc hại trên thiết bị.

Webcam tự động bật

6 dấu hiệu thiết bị của bạn đã bị hack và cách xử lý - 5

Hiện nay các hoạt động tấn công xâm nhập thông qua webcam ngày càng phổ biến. Bạn có thể thấy ngày càng nhiều người cảnh giác bằng cách dán kín camera cá nhân.

Cách xử lý: Nếu bạn sử dụng camera rời, hãy đảm bảo luôn cập nhật ứng dụng để sở hữu các bản vá sửa lỗi hiện hành. Bên cạnh đó có thể sử dụng các phần mềm diệt virus để quét và kiểm tra.

Đối với trường hợp camera có sẵn như trên laptop thì dán kín ống kính không phải là một biện pháp tồi.

Kiểm tra xem bạn có đang bị đánh cắp thông tin cá nhân

Bảo mật cá nhân không phải là một vấn đề mới. Hiện nay có rất nhiều công ty âm thầm thu thập thông tin của bạn và bán cho các bên thứ 3 nhằm mục đích quảng cáo hoặc tấn công.

6 dấu hiệu thiết bị của bạn đã bị hack và cách xử lý - 6

Để biết được liệu thông tin của mình có đang bị nắm giữ và lợi dụng hay không, bạn có thể kiểm tra tại đường link sau: Have I been pwned.

Nhập địa chỉ email của bạn và trang web sẽ quét xem có bao nhiêu đối tượng đang nắm thông tin của bạn và chỉ rõ những đối tượng nào có nguy cơ làm lộ thông tin của bạn.

Từ vụ FaceApp, làm thế nào để tự bảo vệ mình trong thời đại đánh cắp dữ liệu?

Chính con mồi tự “nộp mạng” bằng thao tác cấp quyền cho các ứng dụng truy cập dữ liệu của mình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bá Di/OTT ([Tên nguồn])
Internet và những hiểm họa khôn lường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN