6 câu nói thần thoại về công nghệ mà bạn không nên tin
Đây chỉ là những chiêu quảng cáo không có thật hoặc tính xác thực đã bị thay đổi theo thời gian.
1. Hệ điều hành Mac OS không bao giờ dính virus
Hãng Apple đã từng dùng thông tin này để quảng cáo cho máy tính chạy hệ điều hành Mac OS của mình. Thật vậy, Mac OS của Apple được bảo mật khá tốt, tuy nhiên sự miễn nhiễm với virus máy tính không kéo dài lâu khi Mac OS lần đầu tiên bị virus tấn công vào năm 2012.
2. Duyệt web ẩn danh là vô danh
"Ẩn danh" và "riêng tư" đồng nghĩa với vô danh, đó là một quan điểm sai lầm. Nếu bạn đang sử dụng chế độ Incognito trong Google Chrome hoặc Private trong Safari, nó chỉ đơn giản có nghĩa là trình duyệt sẽ không theo dõi lịch sử lướt web, ghi nhớ bookmarks hoặc tự động đăng nhập vào bất kỳ tài khoản nào. Sự thật, nó không thể giữ danh tính của bạn ẩn danh như một người tàng hình.
3. Sạc pin qua đêm làm hư pin
Với công nghệ pin lithium-ion và cảm biến tích hợp, thiết bị đủ thông minh để dừng sạc khi đã đầy năng lượng. Do đó, việc sạc pin qua đêm, giữ chế độ sạc khi pin đã đầy không phải là vấn đề với các thiết bị công nghệ hiện nay. Vấn đề mà người dùng cần nghĩ tới chỉ đơn giản là tiêu hao điện năng.
4. Máy ảnh càng nhiều "chấm" càng chụp đẹp
Bản thân thông số megapixel (MP) không đảm bảo được chất lượng ảnh chụp. Đằng sau đó là một loạt các thông số kỹ thuật khác, như kích thước, chất liệu của ống kính, cảm biến ánh sáng, bộ vi xử lý hình ảnh và cả phần mềm chụp ảnh. Sự kết hợp đồng bộ của những yếu tố trên mới đem lại một bức ảnh hoàn hảo.
5. Đừng sạc pin khi đang có pin
Đây cũng là một yếu tố liên quan tới công nghệ pin lithium-ion. Những viên pin này sẽ có tuổi thọ phụ thuộc vào chu kỳ hoạt động. Tuy nhiên, một chu kỳ hoạt động được tính là một lần tiêu thụ hết số mAh của pin, chứ không phải một lần cắm sạc. Vì vậy, việc sạc khi pin còn 50% hoặc thậm chí trên mức này cũng không ảnh hưởng gì.
6. Màn hình độ phân giải càng cao càng tốt
Trang Gizmodo từng cho biết, mắt người không thể phân biệt các điểm ảnh khi một màn hình đạt độ phân giải từ 300 điểm ảnh trở lên trên mỗi inch. Đầu năm nay, LG công bố smartphone màn hình q-HD đầu tiên, là G3, có độ phân giải 2560 x 1440 pixels. Đó là cao hơn nhiều so với hầu hết smartphone hiện nay, ở khoảng 1920 x 1080p. Tuy nhiên, khi độ phân giải vượt quá ngưỡng phân biệt của mắt thì nó sẽ không còn ý nghĩa nhiều.
Thử kiểm tra màn hình của G3 có độ phân giải 1080p bằng với Galaxy S5, hầu như không có một sự khác biệt về độ sắc nét. Đó là lý do tại sao các công ty như Apple có xu hướng tập trung vào độ sáng nhiều hơn so với màn hình siêu phân giải.