5 mẹo sử dụng điều hòa hiệu quả mùa nắng nóng
Sử dụng máy lạnh hợp lý mới giúp hóa đơn tiền điện không tăng quá cao mà sản phẩm cũng không bị xuống cấp nhanh chóng.
Điều hòa thường là thiết bị "ngốn" điện năng nhiều nhất trong các hộ gia đình, đặc biệt trong mùa nắng nóng với nhu cầu sử dụng điều hòa một chiều chỉ làm lạnh (máy lạnh) tăng cao. Nếu như tủ lạnh thường chỉ tiêu tốn khoảng 1kW điện/ngày thì máy lạnh sẽ tính theo giờ. Do đó, sử dụng máy lạnh hợp lý mới giúp hóa đơn tiền điện không tăng quá cao mà sản phẩm cũng không bị xuống cấp nhanh chóng.
Điều hòa là thiết bị "ngốn" nhiều điện năng, đặc biệt trong mùa nắng nóng 40 độ C đang diễn ra ở miền Bắc.
Sử dụng điều hòa chung với các thiết bị làm mát khác như quạt điều hòa hay quạt điện
Việc sử dụng quạt và máy lạnh cùng một lúc sẽ giúp cho hơi lạnh được lan tỏa đều hơn. Tất nhiên, nếu máy lạnh được trang bị quạt gió đảo chiều lên/xuống, trái/phải thì người dùng cũng nên tận dụng. Phương pháp kết hợp này không chỉ tiết kiệm cho hóa đơn điện mà còn giảm bớt công suất, tần suất làm việc của máy lạnh giúp tăng độ bền cho sản phẩm.
Độ chênh lệch nhiệt độ trong nhà và bên ngoài trời không quá 10 độ C
Theo khuyến cáo của hãng Gree, độ chênh lệch giữa nhiệt độ trong nhà và ngoài trời chỉ nên không quá 10 độ C ở mùa nắng nóng. Việc cài đặt nhiệt độ trong phòng quá thấp sẽ dẫn đến mức độ chênh lệch nhiệt độ bên trong và ngoài quá cao, khiến máy nén phải hoạt động liên tục ở công suất cao vừa gây tiêu tốn điện năng vừa ảnh hưởng đến tuổi thọ sản phẩm.
Chẳng hạn, nếu nhiệt độ ngoài trời là 35 độ C, người dùng chỉ nên thiết lập máy lạnh ở mức 25 hoặc 26 độ C thay vì 22 độ C như thường dùng. Còn những ngày bình thường có nhiệt độ vào khoảng 30 độ C thì người dùng vẫn có thể sử dụng ở mức 20 - 22 độ C; nhưng nếu có thể, hãy thiết lập 25 - 26 độ C để tiết kiệm điện năng hơn.
"Sử dụng máy lạnh ở nhiệt độ 25 - 26 độ C, khách hàng có thể tiết kiệm 0,3kWh điện mỗi giờ cho máy lạnh 1,5 HP" là một trong những lời khuyên của Điện lực TP.HCM.
Tạo không gian kín, tránh ánh nắng mặt trời
Đây là điều ít người dùng máy lạnh để ý tới. Theo đó, người dùng nên đóng kín cửa phòng. Đối với phòng có ánh nắng chiếu trực tiếp vào cửa kính thì nên sử dụng rèm cửa để che nắng. Ngoài ra, những khe hở nhỏ ở chân cửa có thể sẽ hiệu quả trong việc lưu thông không khí, nhưng nếu khe hở quá lớn sẽ khiến hơi lạnh bị thất thoát quá nhiều dẫn tới máy lạnh phải hoạt động liên tục để bù đắp, người dùng nên chú ý thêm điểm này.
Không bật/tắt liên tục đối với máy lạnh Inverter
Hiểu lầm tai hại nhất của nhiều người dùng máy lạnh có công nghệ biến tần (Inverter) là đủ lạnh tắt đi, thấy nóng lại bật lên. Trên thực tế, máy lạnh Inverter đã trở thành xu hướng và các hộ gia đình nên sử dụng loại này. Với máy lạnh Inverter, khi nhiệt độ đã đạt tới mức thiết lập thì máy sẽ chuyển sang trạng thái duy trì tiết kiệm điện năng, lên đến 60% với công nghệ Real Inverter của Gree.
Thường xuyên vệ sinh lưới lọc của điều hòa
Bụi bẩn bám trên dàn ngưng tụ ở cả dàn nóng và dàn lạnh không chỉ gây ảnh hưởng đến hiệu suất làm lạnh của máy, tiêu tốn điện năng mà còn gây ra các bệnh về đường hô hấp. Việc vệ sinh lưới lọc có thể thực hiện sau khi mở "mặt nạ" của dàn lạnh, trong khi vệ sinh chuyên sâu bên trong cần tới sự hỗ trợ của người rành kỹ thuật. Song hiện đã có những dòng máy lạnh tích hợp công nghệ tự làm sạch khá tiện dụng như G-Clean của Gree.
Nguồn: [Link nguồn]
Hóa đơn tiền điện tháng 4/2021 có thể tăng cao do thời tiết nắng nóng, nhu cầu sử dụng thiết bị làm mát tăng cao.