5 lưu ý ai dùng Facebook cũng cần nhớ để bảo vệ tài khoản
Để bảo vệ tài khoản Facebook an toàn trước những hành vi trộm cắp hoặc lây lan mã độc, người dùng cần nắm 5 lưu ý cơ bản để bảo mật như nhận cảnh báo về những lần đăng nhập không nhận ra, không đặt mật khẩu dễ đoán, sử dụng xác thực hai yếu tố…
Người dùng Facebook luôn đứng trước nguy cơ bị dòm ngó đánh cắp mật khẩu
Luôn kiểm tra lại có đăng nhập trên thiết bị của người khác không
Nơi đăng nhập hiển thị vị trí người dùng đã đăng nhập và trên thiết bị nào. Facebook gửi cảnh báo khi có bất kì hoạt động bất thường hoặc kỳ lạ không xuất phát từ người dùng “chính chủ”, đồng thời cho người dùng lựa chọn thoát ra khỏi thiết bị đó nếu đó “không phải là tôi”.
Người dùng Facebook cần nhớ luôn kiểm tra lại mình có đăng nhập Facebook tại các máy tính công cộng hoặc trên thiết bị của người khác hay không.
Nên đăng ký nhận cảnh báo về những lần đăng nhập không nhận ra
Facebook khuyên người dùng nên đăng ký “Nhận cảnh báo về những lần đăng nhập không nhận ra”.
Khi đã bật chức năng này, người dùng sẽ nhận được thông báo trên Facebook, Messenger và email đăng ký tài khoản nếu như có ai đăng nhập tài khoản trái phép trên một thiết bị lạ hoặc không nhận dạng được.
Giống như chức năng phía trên, người dùng có lựa chọn “không phải tôi” và thoát ra khỏi thiết bị đó.
Không đặt mật khẩu dễ đoán
Rất nhiều người có thói quen sử dụng mật khẩu dễ nhớ hoặc liên quan đến các thông tin cá nhân. Điều này khiến hacker dễ dàng đoán hoặc suy luận được mật khẩu của họ là gì.
Do đó, đặt một mật khẩu độc nhất mà kẻ xấu không dễ dàng đoán ra được là điều cần thiết. Người dùng nên tạo mật khẩu bao gồm cả chữ cái, số và từ theo một cách sắp xếp đặc biệt và thường xuyên vào phần “Thay đổi mật khẩu” để cập nhật. Đây có lẽ là biện pháp bảo mật quan trọng nhất mà người dùng có thể áp dụng.
Tăng gấp đôi bảo mật của mình
Một cách khác để tăng cường sự phòng vệ cho người dùng Facebook đó là sử dụng xác thực hai yếu tố.
Chức năng xác thực hai yếu tố giúp trang Facebook được bảo mật hơn bởi người dùng cần sử dụng kết hợp các nhận dạng cá nhân để đăng nhập – thường là mật khẩu cùng với một mã đăng nhập đặc biệt gửi đến số điện thoại bằng tin nhắn.
Lớp bảo mật thứ hai này thường được các ngân hàng sử dụng phổ biến cũng như các nhà cung cấp dịch vụ liên quan đến thông tin cá nhân hoặc tài chính.
Một khi đã được bảo mật, người dùng có thể chỉ định thiết bị người dùng thường xuyên sử dụng cho đăng nhập xác thực hoặc mật khẩu ứng dụng. Khi đăng nhập trên những thiết bị này, người dùng không cần thêm mã đăng nhập nữa.
Luôn có ít nhất một người hỗ trợ
Facebook cho phép người dùng thiết lập các chức năng bảo mật bổ sung bao gồm tùy chọn từ 3 đến 5 người bạn để liên hệ nếu bị khóa tài khoản.
Chức năng này rất hữu ích nếu ai đó đã truy cập tài khoản của người dùng và thay đổi email hoặc mật khẩu. Người dùng chỉ cần chọn “Hiển thị Danh bạ đáng tin cậy của tôi” và nhập tên đầy đủ của một trong những người bạn.
Một đoạn URL chỉ có thể được truy cập bởi người bạn đó sẽ được tạo, cũng là người có thể gửi cho người dùng mã khôi phục để phục hồi quyền truy cập vào tài khoản của mình.
Sau kỳ tích tại Thường Châu (Trung Quốc), U23 Việt Nam lại đang tạo nên lịch sử ở Indonesia.