5 lời khuyên phải nằm lòng để không bị mất tiền trong tài khoản ngân hàng, ví điện tử
Đã có 56.392 cuộc tấn công giả mạo nhắm đến ngân hàng tại Việt Nam, tức gần 9.400 vụ/tháng hay hơn 313 vụ/ngày.
Dữ liệu từ hãng bảo mật Kaspersky cho thấy, trong nửa đầu năm 2022 đã có hơn 1,6 triệu cuộc tấn công liên quan đến tài chính được phát hiện và ngăn chặn ở Đông Nam Á. Trong đó, số lượng tấn công lừa đảo liên quan đến hệ thống thanh toán là 840.254 vụ, theo sau là các cửa hàng thương mại điện tử với 621.640 vụ và ngân hàng trực tuyến với 142.354 vụ.
Hacker luôn ẩn nấp trên môi trường Internet để "rút ví" người dùng. (Ảnh minh họa)
Các cuộc tấn công giả mạo liên quan đến hệ thống thanh toán được ghi nhận chiếm tỉ lệ cao tại tất cả các quốc gia trong khu vực, ngoại trừ Thái Lan và Indonesia - nơi tấn công lừa đảo tập trung vào thương mại điện tử.
Riêng tại Việt Nam, trong cùng khoảng thời gian, Kaspersky đã phát hiện và ngăn chặn 56.392 cuộc tấn công giả mạo nhắm đến ngân hàng, tức gần 9.400 vụ/tháng hay hơn 313 vụ/ngày. Số liệu ghi nhận tại Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines và Singapore lần lượt là 27.458, 20.603, 13.899, 13.200, và 10.802 vụ.
Các số liệu nói trên là dữ liệu ẩn danh trong hệ thống Kaspersky Anti-Phishing trên máy tính người dùng, khi người dùng cố gắng mở một nội dung bằng cách nhấp vào liên kết trong e-mail hoặc khi lướt web nếu liên kết này có trong cơ sở dữ liệu Kaspersky.
5 khuyến cáo của Kaspersky để hạn chế bị hacker tấn công tài chính:
- Luôn cẩn trọng khi nhận email đáng ngờ. Nếu cảm thấy email email chào mời quá nhiều thông tin tài chính có lợi tới mức khó tin, hãy chắc chắn kiểm tra tra thông tin thật kỹ từ mọi nguồn tham khảo có thể.
- Sử dụng các địa chỉ email khác nhau nếu đang dùng tài khoản miễn phí: Một dành cho công việc chính, và những địa chỉ email khác để đăng ký, dùng trên website yêu cầu đăng nhập để xem tin tức.
- Không phải tất cả smartphone đều được bảo mật, vì vậy hãy cẩn thận với các tin nhắn có kèm đường dẫn đến website. Có rất nhiều phần mềm độc hại có thể xâm nhập vào danh bạcũng như các ứng dụng trên thiết bị di động của người dùng.
- Sử dụng các giải pháp bảo mật đáng tin cậy được tích hợp khả năng chống giả mạo cũng như đảm bảo an toàn cho giao dịch thanh toán.
- Trên hết, biện pháp chống tấn công giả mạo tốt nhất là trang bị kiến thức đầy đủ và nhận biết các loạt email và các tin nhắn mà mình nhận được. Cẩn trọng là điều cần thiết, đặc biệt là khi hầu hết các giao dịch tài chính hiện được thực hiện trên môi trường trực tuyến.
Theo ông Yeo Siang Tiong - Tổng giám đốc Kaspersky khu vực Đông Nam Á, nửa đầu năm 20202, các quốc Đông Nam Á bắt đầu mở cửa biên giới, trở về trạng thái bình thường mới nhưng nhiều thói quen hình thành từ đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục. Đó là người dân đã tự do đi lại, làm việc, phần nào trở lại nhịp sinh hoạt cũ nhưng vẫn giữ thói quen sử dụng ngân hàng, mua sắm hay thực hiện các hoạt động tài chính trên môi trường trực tuyến vì sự tiện lợi mà nó mang lại.
Ông đánh giá, các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp trong khu vực đều đang ủng hộ Đông Nam Á hướng tới kỷ nguyên số. Trên thực tế, các quốc gia đã sẵn sàng liên kết hệ thống thanh toán bằng mã QR trước cuối năm nay để tránh sự phức tạp trong giao dịch tiền tệ. Sự phát triển này đáng hoan nghênh vì những lợi ích kinh tế lớn có thể đạt được cho người dân, nhưng đồng thời trở thành cơ hội cho giới tội phạm mạng.
"Khi hầu hết người dùng Đông Nam Á đã ý thức được các mối nguy nhắm tới tài chính của mình, tôi cho rằng đã tới lúc để chung tay hành động và áp dụng các biện pháp giữ an toàn cho thiết bị di động của mình để có thể yên tâm tận hưởng môi trường tài chính kết nối trong khu vực", ông Yeo khuyến nghị.
Nhiều người đặt câu hỏi nếu không có email và smartphone thì liệu tình trạng vi phạm an ninh, bảo mật mạng có tràn lan như thời gian gần đây?
Nguồn: [Link nguồn]